| Hotline: 0983.970.780

Ngọc quý Đăk Trôi

Chủ Nhật 21/01/2018 , 09:30 (GMT+7)

"Không biết từ lúc nào, chỉ biết rằng khi mới sinh ra, cả cái làng Đê Klong này đã ăn gạo Ba Chăm. Cho đến bây giờ cũng vẫn chỉ ăn một loại gạo này", già làng Đê Klong (xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang, Gia Lai) - ông Bluch móm mém nói.

Lộc trời riêng tặng Đăk Trôi

Cũng theo già Bluch và hầu hết những già làng, những người cao tuổi ở xã Đăk Trôi này thì về nguồn gốc tên gọi giống lúa đặc sản Ba Chăm, cũng chỉ biết mơ hồ rằng: "Ba" - tiếng của người BahNar là lúa, còn "Chăm" thì... chịu.

05-43-37_dong-bo-bhnr-o-dk-troi-thu-hoch-lu-b-chm-3
Đồng bào Banar thu hoạch lúa Ba Chăm

Nhiều người cho rằng: Lúa Ba Chăm có từ rất lâu đời ở một số xã thuộc huyện Mang Yang như Đăk Trôi, Kon Chiêng, Đê Ar... Cũng có người cho rằng: Trong kháng chiến, cán bộ cách mạng đưa giống lúa này đến đây trồng, thấy thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, hạt gạo thơm ngon nên đã hướng dẫn cho đồng bào BahNar ở đây mở rộng diện tích và cách canh tác giống lúa này.

Xã Đăk Trôi có tổng diện tích gieo trồng gần 700ha. Riêng lúa có gần 500 ha, tập trung chủ yếu ở cánh đồng bậc thang với diện tích gần 350ha. Điều đặc biệt là, với diện tích lúa như trên, cả xã Đăk Trôi chỉ trồng duy nhất giống lúa Ba Chăm. Mơn - cán bộ Hội Nông dân xã - người đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng, nói: "Người BahNar ở đây ăn loại gạo này quen rồi, nên không trồng giống lúa khác".

Lúa Ba Chăm được đồng bào nơi đây canh tác theo phương thức chọc trỉa. Thời gian từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 8 tháng: Tháng ba chọc lỗ tra hạt, sang tháng tư mưa xuống, hạt thóc đội đất nhú mầm. Tháng chín, tháng mười lúa trổ bông, làm đòng. Đến tháng mười một bước sang mùa khô Tây Nguyên, nước trong ruộng không còn, lúa chín, cũng là thời điểm bà con thu hoạch lúa.

Điều đặc biệt của giống lúa Ba Chăm là thân to, cao (có chân ruộng tốt, cây lúa cao gần bằng đầu người lớn). Đây là giống lúa có khả năng kháng bệnh tốt. Gạo Ba Chăm nấu cơm dẻo, thơm, cơm ăn ngon và để lâu không thiu. Đặc biệt gạo Ba Chăm dùng để ủ rượu ghè thì không thể chê vào đâu được.
 

Nâng tầm thương hiệu gạo Ba Chăm

Với diện tích trên 300 ha, cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Đăk Trôi là một trong những cánh đồng lúa tập trung lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Mặc dù những xã lân cận như Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp... đồng bào BahNar cũng trồng giống lúa Ba Chăm này, nhưng hạt gạo lại không ngon như ở Đăk Trôi nên khi nhắc đến gạo Ba Chăm, người ta thường gắn liền với địa danh Đăk Trôi.

05-43-37_dong-bo-bhnr-o-dk-troi-thu-hoch-lu-b-chm-2
Ảnh: Trần Đăng Lâm

Cũng theo Mơn - cán bộ Hội Nông dân xã thì: Cả xã có 8 làng với 532 hộ (khoảng trên 2.000 nhân khẩu). Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chưa năm nào, bà con nơi đây thiếu gạo ăn. Tuy nhiên cái khó nhất của bà con, đó là từ trước đến nay, lúa Ba Chăm được trồng ở đây hoàn toàn theo phương thức truyền thống: Chọc trỉa và... giao cho trời, hoàn toàn không bón bất kỳ một loại phân bón nào, không áp dụng bất kỳ một tiến bộ khoa học kỹ thuật nào. Điều này có cái hay là cây lúa phát triển tự nhiên, đảm bảo sạch và hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy nhiên năng suất thì lại thấp.

Già làng Bluch (làng Đê Klong), cho biết: Làng có trên 100 hộ, nhà nào cũng trồng lúa, ít thì 5- 7 sào, nhà nhiều thì 2- 4 ha. Vậy mà khi thu hoạch, để dành lại một ít lúa trong kho đủ ăn quanh năm, còn lại bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền.

Ông Lê Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho biết: Giống lúa Ba Chăm là loại giống được người BahNar gieo trồng tại một số xã phía Nam của huyện, nhưng tập trung nhiều nhất là tại xã Đăk Trôi. Ba Chăm được xác định là giống lúa truyền thống vô cùng quý giá và đã lưu truyền từ rất lâu, qua nhiều thế hệ trong vùng đồng bào BahNar nơi đây. Họ thường sử dụng chủ yếu cho nhu cầu tại chỗ, chưa có quy mô thương mại do sản lượng cung cấp ra ngoài thị trường còn ít và bị ép giá. Do vậy, cần có sự cạn thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, của các cơ quan chuyên môn để đảm bảo quyền lợi cho người dân nơi đây, đồng thời nâng tầm thương hiệu cho hạt gạo Ba Chăm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng cho biết: Huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và xã Đăk Trôi tiến hành xây dựng và triển khai Đề án phục tráng giống lúa Ba Chăm (dự kiến trong 3 năm), qua đó cung cấp giống lúa có chất lượng, năng suất cao và từng bước mở rộng quy mô, tăng diện tích gieo trồng giống lúa này. Đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai triển khai xây dựng cánh đồng lớn đối với cây lúa tại xã Đăk Trôi.

Một mặt, sớm hình thành vùng nguyên liệu lúa tập trung và tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp; mặt khác giúp người dân nơi đây thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vừa nâng cao năng xuất, sản lượng, nhưng vẫn giữ được chất lượng gạo, sản xuất gạo sạch, đảm bảo VSATTP.

Bên cạnh đó phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành các thủ tục để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Đăk Trôi trong năm 2018 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và sớm đưa hạt gạo Ba Chăm đến với nhiều gia đình trên cả nước.

 

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất