| Hotline: 0983.970.780

Ngồi buồn, đốt một... đống rơm

Thứ Ba 18/06/2013 , 10:20 (GMT+7)

Đốt rơm là công việc bắt buộc mỗi lúc xong mùa gặt. Và vì thế, nó cũng trở thành một vấn nạn sau mỗi mùa gặt.

Ngồi buồn đốt một đống rơm

Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào

Khói lên đến tận... thiên tào

Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm? (Ca dao)

Xin thưa rằng đó là bà con nông dân. Tuy chẳng ai buồn cả, nhưng bây giờ, đốt rơm là công việc bắt buộc mỗi lúc xong mùa gặt. Và vì thế, nó cũng trở thành một vấn nạn sau mỗi mùa gặt, do nạn đốt rơm bừa bãi, đốt rơm không đúng cách.

Thời bao cấp, cọng rơm quý không kém gì hạt lúa. Lúa thì sau mỗi vụ gặt, xã viên nào cũng được chia, nhiều ít tuỳ vào công điểm. Nhưng còn rơm, chỉ những hộ được HTXNN giao nuôi trâu mới được “phân phối”. Với những hộ đó thì rơm, ngoài việc dành nuôi trâu, còn là một nguồn thu nhập đáng kể. Hôm nào nhận rơm về là hôm đó cả nhà trắng đêm. Cơm tối xong, người ta rải số rơm được chia thành vòng tròn trong sân rồi cả nhà xúm lại, người kéo, người dùng chàng nạng đẩy cái trục đá cho lăn trên cái “vòng kim cô” rơm ấy, để những hạt lúa sót rụng hết ra (gọi là kéo mót).

Sản phẩm của những mẻ kéo mót ấy gồm ba loại: thóc lép, thóc lưng lửng và thóc chắc. Thóc lép bỏ đi, thóc lửng cho gà ăn còn thóc chắc để người ăn. Mỗi mẻ kéo mót được trên dưới mươi cân thóc chắc. Một vụ gặt mươi lần kéo mót là được lượng thóc chắc tương đương với suất ăn của một khẩu cho đến vụ sau (tại nhưng HTX làm ăn khá, mỗi lao động chính một tháng được chừng 20 kg thóc), người no thêm mà con gà con vịt cũng xông xênh.


Những cái bẫy làm rất nhiều người bị bỏng

Thế nên ở rất nhiều HTX, các xã viên có một quy ước ngầm với nhau: Khi trục lúa của công thì họ trục dối, để thóc bám lại trên rơm nhiều hơn, và khi gẩy rơm từ sân lúa vừa trục xong ra thành đống để chia cho những hộ nuôi trâu, người ta cuộn luôn cả một ít thóc cho vào giữa đống. Các hộ nuôi trâu, sau khi kéo mót được một số thóc do kéo dối, do được nhét thóc vào giữa, đương nhiên sẽ phải “san sẻ” lại cho những hộ không nuôi trâu một ít. Nhiều khi việc san sẻ này được chính ông đội trưởng đội sản xuất điều hành.

Không chỉ rơm mà rạ cũng được chia. Khi gặt, người ta cắt cả gốc cây lúa, xén ngọn gánh về kéo thành thóc và rơm. Phần còn lại (gọi là rạ) được chụm lại thành “mô”. Mỗi xã viên, tuỳ theo công điểm, được chia bao nhiêu “mô” rạ. Suất rạ được chia được người ta ôm lên bờ rải ra phơi nỏ rồi gánh về, trở thành nguồn chất đốt quanh năm.

Ngày nay “Núi rừng có điện thay sao/Nông thôn có máy làm trâu thay người”(thơ Tố Hữu) rồi. Nông dân chẳng ai nuôi trâu nữa. Cơm nấu bằng nồi cơm điện. Nhà nghèo dùng than tổ ong làm chất đốt, khá hơn thì bếp ga. Rơm rạ trở thành thừa. Mùa gặt (trừ một vài vùng có máy gặt đập liên hợp), vẫn cắt bằng liềm nhưng ôm lúa lên bờ đã có máy tuốt chờ sẵn (những trục lúa bằng đá đã trở thành vôi từ lâu lắm rồi), thóc mang về còn rơm đánh đống ngay bờ ruộng, sáng hôm sau được người dân "hoá kiếp" bằng một mồi lửa, hất tro xuống ruộng để tăng độ phì của đất...

Và thế là cứ sau mỗi mùa gặt, làng quê lại “ngập chìm trong khói lửa” (tuy không phải chiến tranh) mất mấy ngày. Những đống rơm có mặt ở khắp nơi nhưng nhiều nhất là ven những con đường lớn. Mùa gặt, đi dọc QL 10, QL 32, QL 39A, QL 21... hay các hương lộ, xã lộ, huyện lộ, tỉnh lộ, nhiều khi mấy cây số liền chỉ thấy san sát những đống rơm. Nhiều đống rơm cao tới hơn hai mét được đốt ngay sát cột điện hạ thế chỉ cao ba, bốn mét.


Đốt rơm ngay bên quốc lộ và dưới cột điện hạ thế

Tuy chưa ghi nhận được trường hợp nào xảy ra sự cố về điện do rơm cháy, nhưng nguy cơ tiềm ẩn thì rất cao. Hầu hết những đống rơm ấy bị đốt khi chưa khô hẳn, sinh khói rất nhiều và cứ cháy ngún như đống rấm, năm sáu ngày mới hết. Khói từ hàng ngàn hàng vạn đống rơm ngày đêm ngùn ngụt tuôn ra, trùm ngập từ đống ruộng đến xóm làng, ùa vào từng ngôi nhà như khói hun chuột. Những thành phố toạ lạc giữa đồng lúa như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương... chìm ngập trong khói. Và ngay cả những quận, huyện ngoại thành của Thủ đô cũng không thoát được nạn này. Nạn khói sau vụ Xuân còn đỡ, vì khi ấy đang là mùa hè, khói tản đi nhanh hơn, chứ khói sau vụ mùa mới thật khủng khiếp, lớp khói cứ là là tầng thấp và rất lâu tan. Thành ra trong mùa đông mà các nhà phải huy động hết quạt điện, bật hết cỡ để xua khói, lấy không khí cho người thở.

Do đốt rơm bừa bãi, chẳng có nguyên tắc nào, nên không ít đống rơm cháy trở thành những cái bẫy đối với người tham gia giao thông. Và những tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Đến chơi nhà “ông vua chữa bỏng”, lương y Đào Viết Thoàn (làng Đồng Ấu, xã Vũ Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), chúng tôi đã phải chứng kiến những ca bỏng do nạn đốt rơm rất thương tâm, đang được lương y điều trị. Ông Hà Văn Có, người xã đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), bị bỏng nặng ở tay, ở mặt, kể:

- Tôi chở vợ đi có việc. Đến đoạn đường người ta đốt rơm nhiều quá. Khói mù mịt, cay không mở mắt ra được, phải dừng lại. Ngay lúc đó một chiếc xe máy khác đi ngược chiều, do người lái cũng không nhìn thấy gì nên tông vào tôi. Tôi ngã vào đống rơm đang cháy. Tay và mặt bỏng rát, nhưng do bị xe đè lên nên không sao rút tay ra được. May có vợ tôi dựng xe lên, chứ không thì tôi đã thành tro như tro rơm rồi.

Ông Vũ Đình Nếp, người xóm 8 xã Đông Quang (huyện Đông Hưng, Thái Bình), bị bỏng nặng cả 2 chân và 1 tay, cũng do nạn đốt rơm, kinh hoàng cho biết, cả đoạn đường dễ đến hai ba trăm mét ngùn ngụt những đống rơm đang cháy, khói bốc mùa mịt một màu trắng đục, ngửa bàn tay không nhìn thấy gì. Đang đi, bị khói xộc vào mắt cay xè, không làm chủ được tay lái nên ông ngã vào một đống rơm cháy, cũng bị xe máy đè lên. Lúc vùng vẫy rút được chân ra khỏi chiếc xe máy thì ngất đi không biết gì nữa. Không chỉ vậy, ông Nếp còn cho biết :

- Cái ngày tôi bị bỏng ấy, chỉ trên đoạn đường ấy, còn xảy ra 6 vụ tai nạn nữa. Tất cả đều do bị khói xộc vào mắt không nhìn thấy gì, nên người thì tông xe vào nhau gẫy chân gẫy tay. Người thì tự ngã, tự đâm vào gốc cây. Có người phi cả xe xuống ruộng, đạp đầu vào thành mương bê tông...

Tại nhà lương y Đào Viết Thoàn, không chỉ có những bà con trong huyện, trong tỉnh mà còn rất nhiều bà con từ các tỉnh khác bị bỏng đến nằm điều trị. Những vết bỏng của họ phần lớn cũng bắt nguồn từ nạn đốt rơm.

Giải quyết vấn nạn này thế nào? Xem ra chưa được một cơ quan có thẩm quyền hay cơ quan nào quan tâm.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.