| Hotline: 0983.970.780

Ngôi đền thiêng và ngôi nhà cổ tuổi đời khoảng 300 năm bị quên lãng

Thứ Sáu 03/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Trong bài "Nhà cổ thành nhà hoang, chuyện lạ có thật ở làng cổ Đường Lâm", chúng tôi đã nêu nhiều câu hỏi: Vì sao, gia đình bà Nguyễn Thị Gan không cần làm đơn mà vẫn được đưa vào diện trùng tu, tu bổ?  Lý do có thể là bà là mẹ vợ của Bí thư Đảng ủy xã...

Miếu Đông Ma, ngôi đền thiêng của thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm và ngôi nhà cổ có tuổi đời ước chừng khoảng 300 năm với 9 thế hệ từng sinh sống của gia đình bà Nguyễn Thị Chiến đang bị quên lãng.

Tu sửa không cần hỏi chủ sở hữu

Theo Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm báo cáo với Thanh tra thành phố Hà Nội, toàn bộ 10 nhà cổ trùng tu đã được nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán A-B, bàn giao cho chủ nhà đưa vào sử dụng. Tổng giá trị nghiệm thu phần xây lắp là 7.717.937.566 đồng. Tổng giá trị thanh toán A-B là 6.288.896.566 đồng.

Đơn vị trúng thầu và thi công trùng tu, tu bổ 10 ngôi nhà cổ tại Đường Lâm là Cty CP Phương Anh. Trong đó, có nhà bà Nguyễn Thị Gan ở thôn Đông Sàng, tổng giá trị tu bổ, tôn tạo là 906.800.561 đồng; nhà ông Nguyễn Ngọc Lê, tổng giá trị tu bổ, tôn tạo là 866.156.098 đồng.

Tuy nhiên, khi tiến hành hạ giải, đánh giá cấu kiện, thay thế cấu kiện, vật liệu mới thì Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không hề hỏi ý kiến của chủ sở hữu nhà cổ. Thậm chí, kinh phí trùng tu cũng không thông báo công khai cho các chủ sử dụng. Điều này khiến cho nhân dân trên địa bàn xã Đường Lâm thắc mắc vô cùng.

Chủ sở hữu các ngôi nhà cổ như ông Nguyễn Ngọc Lê, ông Bùi Tiến Sủng và ông Hà Hữu Thể càng băn khoăn khó hiểu hơn vì họ là chủ sở hữu nhà cổ mà lại không được biết, không theo dõi được khối lượng, chất lượng của các nguyên vật liệu dùng để thay thế, trùng tu.

Chỉ cho PV xem những chỗ tu sửa, ông Nguyễn Ngọc Lê nói rằng, ông hoàn toàn không biết đó là những loại gỗ gì nhưng chắc chắn đó không phải là gỗ quý hiếm vào loại tứ thiết như đinh, lim, sến, táu. Theo phán đoán của ông Lê, đó có thể là gỗ xoan. Mà gỗ xoan thì, với số tiền hơn 800 triệu để trùng tu, ông Lê khẳng định mình hoàn toàn có thể dựng mới 2 - 3 ngôi nhà, chứ không phải sửa chữa chắp vá như thế này.

Điều đáng nói nữa là, theo Báo cáo của Thanh tra thành phố Hà Nội ngày 9/6/2015 về Kết quả xác minh đơn tố cáo của công dân thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, đã nêu cụ thể: Khi khảo sát các ngôi nhà cổ cần tu bổ, tôn tạo, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không thiết lập thành văn bản, không có biên bản kiểm tra, không có xác nhận của các chủ sử dụng nhà cổ cần tu bổ, tôn tạo. Thậm chí, các biên bản nghiệm thu khối lượng có xác nhận A-B và tư vấn giám sát nhưng không có xác nhận của chủ sử dụng nhà cổ.

Lọt nhà thân nhân cán bộ xã

Trong bài "Nhà cổ thành nhà hoang, chuyện lạ có thật ở làng cổ Đường Lâm", chúng tôi đã nêu nhiều câu hỏi: Vì sao, gia đình bà Nguyễn Thị Gan không cần làm đơn mà vẫn được đưa vào diện trùng tu, tu bổ? Vì sao Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm lại có sơ suất, bỏ sót quyền lợi của người chủ đồng sở hữu ngôi nhà này là bà Kiều Thị Thảo? Người dân thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm cho biết, lý do có thể là bà Nguyễn Thị Gan là mẹ vợ của Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm nên... ngoại lệ! Điều phản ánh đó là có cơ sở.

Ngày 9/11/2012, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có văn bản số 250/BQLDT-TH xin thay thế 3 ngôi nhà cổ do đồng sở hữu chưa thống nhất tu bổ. Đó là nhà ông Phan Văn Hanh, ông Phan Văn Lân và bà Hà Thị Xuân. Từ đó đề xuất 3 ngôi nhà cổ khác được thay thế là nhà ông Đỗ Doãn Dương, ông Giang Văn Thuận và ông Hà Hữu Thể.

16-51-32_b-chien-x-duong-lm
Bà Nguyễn Thị Chiến trong ngôi nhà cổ 300 tuổi xuống cấp

Sau đó, ngày 10/12/2013, UBND thị xã Sơn Tây có văn bản điều chỉnh tổng mức đầu tư 10 ngôi nhà cổ lên đến 10.096.545.000 đồng. Trong đó, tổng chi phí xây dựng của 3 ngôi nhà bổ sung thay thế là 2.237.465.000 đồng, chênh lệch tăng thêm 407.406.000 đồng.

Vậy là, nhà của các hộ dân khác do chủ đồng sở hữu chưa thống nhất tu bổ thì được thay thế, bổ sung; còn nhà của bà Nguyễn Thị Gan và bà Kiều Thị Thảo cũng là chủ đồng sở hữu thì lại làm ngơ.

Thanh tra Hà Nội đã khẳng định: Khi khảo sát, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không kiểm tra trước khi phê duyệt phương án tu bổ dẫn đến ghi thiếu tên bà Kiều Thị Thảo - người đồng sở hữu ngôi nhà, gây thắc mắc trong nhân dân. Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm.
Thế nhưng, trách nhiệm đó là gì, phải giải quyết và xử lý ra sao? Quả bóng trách nhiệm từ xã Đường Lâm được chuyền lên thị xã Sơn Tây, theo đường bóng bổng lên thành phố Hà Nội rồi lại chuyền ngược về vạch xuất phát...

Điều rất lạ lùng là, quá trình khảo sát và kiểm tra thực trạng từng ngôi nhà được làm rất chặt chẽ. Theo Báo cáo của Thanh tra thành phố Hà Nội thì khi khảo sát các ngôi nhà cổ cần tu bổ, tôn tạo, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có thông qua Trưởng thôn, lãnh đạo UBND xã Đường Lâm để nắm bắt các nhà cổ xuống cấp và cùng chuyên gia Nhật Bản kiểm tra lại thực trạng từng ngôi nhà, thống nhất với chủ sử dụng nhà cổ.

Vậy thì, làm sao các cơ quan chính quyền địa phương xã Đường Lâm và thôn Đông Sàng lại “quên” đi quyền lợi của gia đình bà Kiều Thị Thảo? Còn gia đình của bà Nguyễn Thị Gan là thân nhân của cán bộ xã lại… lọt.

Ngôi đền thiêng bị quên lãng

Trong khi đó, ngôi miếu cổ vẫn được bà con trong thôn đến hương khói phụng thờ thì lại không được quan tâm tu bổ và ngôi nhà cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Chiến tại làng Đông Sàng, gắn bó với 9 thế hệ sinh sống, tuổi đời ước chừng khoảng 300 năm gần như rơi vào quên lãng.

Bước vào khu vực miếu thờ ngay bên cạnh ngôi nhà cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Chiến, chúng tôi được biết đây là miếu Đông Ma. Trước cửa có hai chữ Hán “Chính trực” viết theo lối đại tự. Trên tường là hai chữ “Túc” (nghĩa là nghiêm túc) được đồ lại.

Theo bài Văn tế thổ thần miếu Đông Ma do Phó bảng Kiều Oánh Mậu (1854 - 1912), người làng Đông Sàng, viết vào năm Tự Đức thứ 32 (tức năm Kỷ Mão - 1879), đây cũng là năm Kiều Oánh Mậu đỗ Cử nhân Hán học; cùng với tài liệu “Bản thổ chi thần thiên tịnh nhất sắc, Đông Ma chi miếu, đồ sơn chi địa” đã giải thích sự tích miếu thờ này có từ đời Hùng Vương.

Trong miếu còn một số hoành phi câu đối chữ Hán như sau: “Sắc phong Nam Viện thiên sơ xá/ Miếu tự Đông Ma địa phục hồi”; hay “Thập bát tương truyền thiên cổ trọng/ Bách niên cương tỉnh vĩnh phồn xương”; và “Địa ấm khai cơ thần phổ tích/ Diên niên ngưỡng mộ phụng linh từ”. Ngoài ra, trong miếu còn hai bản gỗ trên đó viết chữ Hán có niên đại thời Lê Trung Hưng, đại ý nội dung liên quan tới họp hành trong làng, với những chức “Giáp văn trưởng” và “Ất văn trưởng”…

16-51-32_b-chien-x-duong-lm-2
Ảnh: Kiều Khải

Chúng tôi cứ ám ảnh với vế đối trong miếu Đông Ma: “Diên niên ngưỡng mộ phụng linh từ”, nghĩa là “Năm tháng dài lâu vẫn ngưỡng mộ, thờ phụng nơi đền thiêng”. Vậy mà cho đến nay, ngôi nhà cổ đã xuống cấp và ngôi đền thiêng/ miếu thiêng Đông Ma này lại không hề được Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm quan tâm tới. Nếu không có bàn tay chăm sóc phụng thờ của gia đình bà Nguyễn Thị Chiến cùng cư dân xóm 2, thôn Đông Sàng, thì hẳn nơi đây sẽ thành nơi hương tàn, miếu lạnh. Miếu thiêng biết đâu biến thành… miếu hoang?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất