| Hotline: 0983.970.780

Ngồi ghế rơm với lòng thành thật

Chủ Nhật 03/12/2017 , 15:05 (GMT+7)

Những chiếc ghế rơm bình dân quê mùa ấy cứ ám ảnh tôi gần suốt một đời người. Nhìn thấy chúng quây quần bên bếp lửa như một lũ nhóc con...

Đời mưa nắng của tôi đã ghé qua không biết bao nhiêu thứ loại ghế được dùng làm chỗ ngồi. Có loại ghế mềm, có loại ghế cứng, ghế xoay 360 độ, ghế nửa nằm nửa ngồi, có loại ghế ngồi xuống thì đèn sáng… khi đứng lên thì tôi chả nhớ gì hết. Quên tiệt. Nhưng tôi không thể nào quên những chiếc ghế bện bằng rơm ở nơi quê nhà. 

08-48-45_trng_37
Ảnh minh họa

Những chiếc ghế rơm bình dân quê mùa ấy cứ ám ảnh tôi gần suốt một đời người. Nhìn thấy chúng quây quần bên bếp lửa như một lũ nhóc con. Những chiếc ghế làm ấm những ngày đông tháng giá, làm mát những ngày hè nóng nực. Hình như chúng cũng biết hóng hớt chuyện của những người lớn. Chuyện của người lớn phần nhiều đùng đục màu buồn. Chuyện thanh niên vừa sáng trong, vừa sạch sẽ, nổ vui như pháo tết.

Đó là chiếc ghế được bện bằng những sợi rơm vàng óng đã phơi đủ một sương hai nắng. Rơm là thứ vật liệu rẻ tiền nhưng không mau hỏng. Chủ yếu người nông dân quê tôi dùng nó làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Sau khi đập hết nhưng hạt lúa no căng mang vào thạp vào bồ đựng, bỏ lại rơm vàng thơm dịu, bà con buộc chúng lại, rồi đặt lỏng chơ mỗi nơi một "cháu". Tiếng Tày gọi con rơm là "cháu vàng". Chỉ việc cắp nách lấy vài ba cháu mang về bện làm ghế ngồi tiếng Tày gọi là "tân chiên".

Kích cỡ ghế nhỏ, to, cao, thấp tùy thích lòng người chế tạo. Ghế rơm thường có hình trụ tròn. Cao từ mười lăm đến hai mươi phân. Thông thường chỉ to bằng cỡ một chiếc xoong nhôm, nấu cho đủ ba đến bốn miệng ăn. Còn có loại ghế (đúng ra gọi bằng đệm rơm là chính xác nhất) dùng chung cho sinh hoạt cộng đồng. Ghế bện hình chữ nhật, có xương chịu lực bằng nan tre. Loại ghế này thường để cố định, đặt vây xung quanh bếp lửa, dùng làm nơi tiếp khách.

Với người Tày chúng tôi, bếp lửa không chỉ dùng để đun nấu, mà còn dùng làm "phòng khách". Nhất là vào những ngày mùa đông mưa rét cắt da cắt thịt. Phòng khách kín mít những lưng là lưng. Lưng nào cũng choàng áo bông, áo len to sù. Đầu thì đội chiếc mũ nồi, mũ len, mũ lông thú... chiếc nào cũng lên nước bồ hóng. Người ngồi đối diện người, nhìn mặt nhau qua ngọn lửa hồng rực mà bày ra khối chuyện khóc cười. Họ xổ hết ruột gan ra mà tâm sự, có tiếng củi lép bép vỗ vào tán thưởng, lại còn có cả ánh lửa liếm ngang qua mặt người như dát vàng. Người ngồi bên lửa, ai ai cũng thành nghiện hơi ấm. Khi có việc đột xuất, vạn bất đắc dĩ mới phải đứng lên.

Từ lâu, lửa đã được người dân quê tôi ví như người mẹ. "Thẩu bấu tấng fầy, đây bấu tấng pỏ mẻ". Nghĩa là không gì ấm áp bằng lửa, không có gì sánh được tình yêu thương của mẹ. Lửa ấy lấy từ "tồng bóc" (một loại bật lửa tự tạo của người Tày xưa) bắt vào than củi. Mỗi gộc củi to như bắp đùi, dài đến hàng sải. Chúng nó nằm chềnh ềnh choán cả lối đi.

Chẳng kể ngày hay đêm, lửa cứ líu nhíu vào mắt nhau mà thở, than cứ âm ỉ nhìn vào nhau mà hồng. Cho dù mưa tuyết rơi trắng xóa cả trời đất, cả rừng cây núi đá, lạnh xuống đến ba bốn độ âm. Nhưng trong nhà vẫn đấy ắp tiếng nói tiếng cười giòn tan, ấm áp. Những bàn tay mập mạp, hay nhăn nheo đều hồng hào khi đan hơ trên than đỏ. Có thể nhìn thấy cả những đốt xương ngón tay như đọc phim âm bản.

Còn những chiếc ghế rơm trở thành vật bất ly thân. Mỗi người khư khư chiếm lấy một chiếc. Nhiều người kê ghế ngồi sát lại với nhau cho ấm. Người ta ngồi như thế cả buổi mà không thấy đau lưng mỏi cổ. Miệng họ ngậm cọng rơm khô nói cả ngày vẫn thấy thòm thèm. Rượu mời khách pón pén vào môi nhau, nói cười lênh láng tràn cả ra ghế rơm.

Có nhiều lúc, ghế say chỉ vì rượu vui rơi vãi. Rượu vui làm chúng nó quay lơ lăn ra ngủ. Ngủ líp liền hai ngày ba đêm, ghế rơm như người không màng cơm nước. Cái mùi rượu tưới lên rơm, gợi nhớ biết bao những ngày chúng tôi còn thơ bé. Không nói đến thì thôi, nhắc lại chuyện này tự dưng tôi muốn bỏ về nhà ngay tức khắc. Tôi sẽ lăn vào rơm mà ngủ. Ngủ truy lĩnh bốn mươi năm trời, tôi ăn nằm nơi đất khách quê người. Rơm vàng ơi!

Nhớ ngày bà nội tôi còn sống, cứ đến ngày thu lúa từ ngoài đồng về, là bà tôi lại chăm chắm chọn những cọng rơm vàng có độ dài vừa ý mang ra bện ghế. Hầu như người dân quê tôi ai cũng biết bện ghế rơm. Mỗi năm một lần làm ghế mới, nên lúc nào ghế cũng thơm phức. Chỉ nhìn người già đan bện một lần, ai cũng bắt chước được ngay. Nó y hệt như các em gái một thời tết tóc đuôi sam, rất hay phổ biến vào những năm sáu tám, bảy mươi của thế kỷ trước. Sau đó cuộn chúng lại như xúc vải, làm thành một khối rơm đặc. Đó chính là chiếc ghế rơm độc đáo của người Tày Nùng.

Những chiếc ghế rơm trở thành vật bất ly thân. Mỗi người khư khư chiếm lấy một chiếc. Nhiều người kê ghế ngồi sát lại với nhau cho ấm. Người ta ngồi như thế cả buổi mà không thấy đau lưng mỏi cổ…

Công đoạn cuối cùng là chốt ghim lại bằng một đoạn gỗ cán liềm, hoặc một đoạn tre.Vậy là hoàn chỉnh một chiếc ghế dùng để ngồi. Còn có người đã tiện thể dùng ghế rơm thay gối, làm một giấc trưa khò khứt ngon lành. Nói như thế để các bạn dễ hình dung công đoạn chế tác ghế rơm cực kỳ đơn giản. Và nó cực kỳ tiện ích trong sinh hoạt đời sống thường ngày của người dân Tày.

Khách khứa vừa bước chân vào cửa liền được chủ nhà dắt tay mời vào ghế ngồi. Họ khoanh hai chân, vo lại cho thật tròn. Câu chuyện bắt đầu nóng lên. Nước trên kiềng ba lá cũng vừa sôi lạch bạch. Chủ nhà nghiêng ấm pha trà mời khách. Trà này gọi là trà "nổc", tiếng Tày nghĩa là trà chim. Đấy là một loại trà rất hiếm thấy trên nhiều vùng đất mà tôi từng đi qua. Gọi là trà chim là bởi nó có từ thời hòn đá biết ngồi. Nhờ những bầy chim én di trú mang theo giống cây này từ chân trời phương bắc về. Nghe nói đó là giống cây mọc vùng chân núi Everest xa xôi. Và khi chim đại tiện, vô tình chúng tra hạt xuống đất. Vài tháng sau, cho một giống cây giây leo bốn mùa xanh um trên vách đá. Sáng sương giá, chiều mưa tuyết, cả hàng tháng trời chịu trận mà nó vẫn cứ vui tươi như gái nhà lành.

Từ xa xưa, ông cha chúng tôi lên núi hái nó về sao tẩm qua loa, dùng nó thay trà mạn uống hàng ngày. Đó là một thứ trà khi uống thấy nó nhàn nhạt, nuốt xuống họng nó mới tiết ra vị ngọt. Ngọt lưu lại có khi được cả một ngày. Hầu như người dân quê tôi không mấy khi sôi bụng, do ăn phải thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu. Ai lỡ quá chén, chỉ cần làm một ly trà chim, mấy phút sau là tỉnh hẳn.

Uống trà này, ngày đông cho da không bị khô nẻ. Uống tới đâu ấm nóng râm ran tới đó. Uống vào những ngày hè nóng nực, lại cho ta cảm giác mát từ trong ruột mát ra. Trẻ con, người lớn, người già không bị rôm sảy, ung nhọt. Trai thanh, gái nụ uống trà này vào, hát lượn thâu đêm suốt sáng mà không bị khản cổ mất tiếng.

Đấy là thức uống sạch và lành, hoàn toàn không có độc tố gây hại cho sức khỏe. Mùi trà chim quyện với hương thơm ngát của những chiếc ghế rơm và đặc biệt mùi lửa từ thân cây gỗ nghiến, làm nên một không gian đặc biệt Tày. 

Đã khá lâu, không thấy người quê tôi dùng trà này nữa. Bây giờ ở quê tôi mọi người sành uống trà móc câu đánh mốc. Trà Tân Cương thứ thiệt. Trà Bảo Lộc Lâm Đồng, trà Atiso túi lọc. Thậm chí Trà Cung Đình đóng hộp, trà Long Tỉnh, Trảm Mã từ Hồng Kông mang sang… Khi uống các loại trà này, tôi không còn cảm giác đây là nơi sinh ra mình nữa. Buồn! 

Rất may là những chiếc ghế rơm vẫn còn đó. Chưa bị đồ mộc kiểu cách vecni hóa. Không hiểu sao tôi rất hay dị ứng với các loại bàn ghế uốn éo chạm trổ cầu kỳ. Nhất là các loại ghế bọc da, với tôi chẳng hề thấy quý phái sang trọng. Ngược lại, tôi chỉ thấy nó toát ra vẻ lạnh lùng và khinh người như rác. 

Còn ghế rơm do tự làm nên có dấu ấn chính mình. Người khéo, bện chiếc ghế vừa chắc lại vừa đẹp. Người vụng, nhìn chiếc ghế như khăn xếp nát. Người nóng tính nhìn chiếc ghế ngùn ngụt bốc lửa. Người có máu hàn cho chiếc ghế rơm từ từ chín, từ từ no.

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất