| Hotline: 0983.970.780

Ngôi nhà đá nổi tiếng ở Ninh Vân

Thứ Ba 29/11/2011 , 09:38 (GMT+7)

Cuối năm 1954, ông Đỗ Khắc Đức, một thợ chạm khắc đá ở Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) bỗng nẩy ra một ý nghĩ vô cùng táo bạo và rất… lãng mạn: dựng một ngôi nhà bằng đá.

Cuối năm 1954, ông Đỗ Khắc Đức, một thợ chạm khắc đá ở Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) bỗng nẩy ra một ý nghĩ vô cùng táo bạo và rất… lãng mạn: dựng một ngôi nhà bằng đá.

1. Sinh trưởng trong một gia đình đã mấy đời làm nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, tiếp thu được những gì là tinh hoa nhất của nghề do cha ông truyền lại, ông có thể chạm khắc, tạc được hàng trăm loại sản phẩm mỹ nghệ khác nhau từ đá. Nhưng làm một ngôi nhà bằng đá thì cho đến lúc ấy, chưa có ai ở Ninh Vân từng làm, mới chỉ nói ra cái dự định ấy thôi, nhiều bạn bè đã cho là ông điên rồ, bởi đá chứ đâu phải là gỗ…

Ngôi nhà đá nổi tiếng ở Ninh Vân

Năm ấy, hòa bình vừa lập lại, nhưng hậu quả của cuộc kháng chiến 9 năm còn vô cùng nặng nề: làng quê xơ xác, đồng ruộng hoang hóa, sản xuất chưa phục hồi, đói. Nhà 5 người mà mỗi bữa chỉ có một “bò” gạo (chừng 0,3 kg) độn với đủ thứ sắn, khoai. Thức ăn thì rau dại là chủ yếu, hôm nào kiếm được con cá hay mớ tép vụn ngoài đồng thì được tí chất tươi, nhưng lại càng khổ hơn vì “có cá đổ vạ cho cơm”, đang ngon miệng mà nồi cơm đã hết.

Nhìn người vợ với 3 đứa con, đứa lớn mới 8 tuổi, đứa giữa lên 4 và đứa út chưa đầy năm, võ vàng vì đói mà thương đến đứt ruột. Nhưng tất cả những khó khăn ấy không làm nhụt được ý chí sáng tạo của người thợ tài hoa đang thời trai trẻ. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào luôn…

2. Bắt đầu là khâu khai thác đá. Theo tính toán của ông, ngôi nhà phải dùng đến cả chục khối đá. Chỉ riêng cột đã phải 12 cái (10 cột vuông, 2 cột tròn), xà ngang phải 6 cái. Rồi còn hàng chục chi tiết khác. Hồi ấy, việc khai thác đá hoàn toàn làm thủ công chứ làm gì đã có máy móc trợ giúp. Nghề đá cũng chưa được phân thành từng công đoạn, chưa có người chuyên khai thác đá để bán cho những người chuyên tạc, chạm, khắc như bây giờ, mà có cũng không đào đâu ra tiền mua. Tất cả trông vào hai bàn tay.

Gian khổ nhất là tách được những khối đá từ núi ra để làm cột, làm xà… Phải tính toán thật kỹ, phải nhận biết được đường đi của những thớ đá, vạch một đường trên đá tương đương với chiều dài cây cột hay thanh xà, đục những lỗ “chét” nhỏ trên đó, dùng nêm sắt tra vào lỗ chét rồi dùng búa tạ đóng. Mỗi cột, phải đục cả chục lỗ chét, trong khi mỗi ngày chỉ đục được vài ba lỗ. Tính toán sai một tý khiến thớ đá vặn đi một chút là công sức cả mấy ngày đi tong.

Lấy được đá từ núi ra đã khổ, vận chuyển được đá về đến nơi còn khổ hơn. Chỉ để có được số đá đủ cho ngôi nhà ấy, đã phải mất cả năm trời. Có đá rồi mới bắt tay vào chế tác. Người con cả của ông Đức, bác Đỗ Khắc Hoàng, nay đã ngoài 60, bồi hồi nhớ lại:

- Lúc đó tôi mới 8 tuổi đầu. Mỗi sáng, bố tôi cho vài hào mua hôm thì miếng bánh đúc, hôm thì của khoai luộc, ăn rồi lăn lưng ra cùng mẹ mài đá. Đá được đặt trên một lớp cát vàng. Tưới nước lên đá, rắc cát lên đá rồi dùng một miếng đá khác chà lên để mài những khối đá ấy thành những cột vuông, cột tròn, xà ngang… theo chỉ dẫn của bố tôi. Công việc này cũng chẳng khác gì mài sắt thành kim vậy.

Sau khi những cái cột, cái xà… đã thành hình, đến công đoạn đục mộng và chạm, khắc những chi tiết mỹ nghệ trên đó. Để tránh “tiếng bấc tiếng chì”, người thợ đá tài hoa Đỗ Khắc Đức đã nói dối vợ mình là làm ngôi nhà này theo đơn đặt hàng của một người… trên tỉnh, và bà vợ tần tảo của ông cũng hoàn toàn tin vậy. Chỉ có điều nhiều lúc túng thiếu quá, bà giục ông “lên tỉnh” xin ứng trước một phần tiền công, thì ông lại nại hết cớ này đến cớ khác để “hoãn binh”.

Cứ thế, miệt mài suốt 4 năm trời. Cho đến một hôm, khi thấy rất nhiều bà con trong làng kéo đến giúp việc dựng ngôi nhà lên, thì bà vợ mới bàng hoàng nhận ra sự thực, ông làm nhà cho mình chứ chẳng phải làm cho một người “trên tỉnh” nào hết, và khi nhận ra ý nghĩa của công trình này của chồng, bà vô cùng kính phục…

Họa sỹ Đỗ Khắc Oanh giới thiệu về ngôi nhà đá

Ngôi nhà được dựng lên, đẹp đến ngỡ ngàng trước con mắt của cả những người vốn đều là những thợ chạm khắc đá mỹ nghệ. Dẫu là nhà đá nhưng khi bước vào, không ai thấy cái nặng nề của đá bởi sự thanh thoát, mềm mại của nó. Và không ai không trầm trồ khi ngắm những họa tiết trên từng chi tiết của ngôi nhà. Thanh đá xà ngang phía trên cánh cửa được chạm khắc những nét hoa văn rất tinh xảo. Thanh xà ngang đá giữa nhà khắc hoa văn lối cổ đồ và chạm đủ cả đàn, sáo, nhị, túi gấm bài thơ, triện tàu lá dắt, tùng - cúc - trúc - mai.

Tất cả đều sinh động, đều có hồn có cốt. Cột nhà nổi bật với những đôi câu đối và khắc cả một bài thơ tứ tuyệt “bốn câu ba vần” do chủ nhân sáng tác: “Cảnh vật vui chung với nước non/ Đến vạn ngàn năm vẫn cứ còn/ Làm cho rạng vẻ nhà tế thế/ Đem về truyền tử đến lưu tôn”. Trong ngôi nhà đá ấy, ông Đỗ Khắc Đức còn làm cả một giá gương bằng đá với hình ảnh hàng tùng kéo dài tới hai chữ “Tâm- Tư”.

3. Từ ngày hiện hữu đến nay, đã trên nửa thế kỷ, cùng với thời gian, vẻ đẹp của ngôi nhà càng ngày càng được tôn thêm. Và từ bấy đến nay, ngôi nhà đá này đã đón không biết bao nhiêu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến thăm, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt…

Hiện tại, Đỗ Khắc Oanh là giám đốc Trung tâm Đá mỹ nghệ OXC. Những công trình đá mỹ nghệ của anh đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, sang cả Lào. Tại Cao Bằng, tượng đài “Bác Hồ ngày đầu tiên trở về Tổ quốc” được đánh giá rất cao. Tất cả những sản phẩm của OXC đều mang một phong cách riêng bởi đó là sự kết hợp rất hài hòa giữa nghệ thuật tổ truyền với mỹ thuật bác học, hiện đại.

Được chiêm ngưỡng ngôi nhà, không ai là không thán phục. Người ta thán phục tài nghệ của người làm nhà, nhưng càng thán phục hơn là ý chí, nghị lực của chủ nhân của nó. Chủ nhân ngôi nhà đá, cụ Đỗ Khắc Đức đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân chạm trổ đá mỹ nghệ đầu tiên của Ninh Vân.

Và, đúng như mong ước của cụ về việc “truyền tổ lưu tôn” những tinh hoa của nghề đá mỹ nghệ. Người cháu nội của cụ, họa sỹ Đỗ Khắc Oanh, đã tiếp thu được tinh hoa của nghề từ ông nội, từ cha mình. Ngay năm đầu tiên theo học ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đỗ Khắc Oanh đã thiết kế và trực tiếp thi công một ngôi biệt thự đá ở Hà Nội. Và đến năm học cuối cùng thì ngôi biệt thự cũng hoàn thành, trở thành một phần luận văn tốt nghiệp của anh, được xếp loại giỏi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất