| Hotline: 0983.970.780

Ngôi nhà hạnh phúc

Thứ Tư 26/10/2011 , 11:08 (GMT+7)

Bà con nông dân thôn Cẩm Phổ gọi ông Nguyễn Văn Thục là "người cha vĩ đại". Ba mươi năm rồi ông cùng vợ mình nhọc nhằn nuôi dạy hai người con nuôi ăn học đàng hoàng.

Bà con nông dân thôn Cẩm Phổ gọi ông Nguyễn Văn Thục là "người cha vĩ đại". Ba mươi năm rồi ông cùng vợ mình nhọc nhằn nuôi dạy hai người con nuôi ăn học đàng hoàng.

Trở lại Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vào giữa tháng 10 này tôi vẫn thấy nghèo như những năm trước. Nước lũ bao quanh lấy xóm làng, muốn vào nhà ai cũng phải lội qua đoạn đường sục sụa bùn đất. Ông Nguyễn Văn Thục đang loay hoay sửa lại cái giếng lấy nước ngọt vừa bị lũ làm hỏng. Bà Lê Thị Mai, vợ ông, đi chăn bò ngoài đồng.

Đôi vợ chồng đã ở vào độ tuổi thất tuần nhưng vẫn vậy, làm việc siêng năng, cặm cụi suốt đời. Họ bảo rằng chuẩn bị sửa sang lại nhà cửa để đón các cháu về thăm ông bà ngoại. Ông Thục chậm rãi kể về hai người con đặc biệt của gia đình mà 30 năm trước là những đứa trẻ xa lạ, đỏ hỏn được vợ chồng ông đón về nuôi dưỡng, xem như những đứa con yêu do mình đứt ruột đẻ ra. 

Vợ chồng ông Thục, bà Mai trong ngôi nhà ở làng Cẩm Phổ

Ông Thục, bà Mai là những người thuộc thế kệ K8 ở Quảng Trị được đưa ra miền Bắc học hành. Năm 1971, ông bà trở lại chiến trường miền Nam. Ông được phiên chế vào quân đội, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, và trực tiếp ra trận, còn bà nhận nhiệm vụ dạy học vùng kháng chiến. Năm 1975, trong niềm vui chất ngất của ngày đất nước đoàn tụ, hai người tổ chức lễ cưới. Họ chờ mong những đứa trẻ sớm được ra đời.

Nhưng nghiệt thay, nỗi chờ mong lớn nhất của hai người không trở thành hiện thực. Hiểu được chuyện không thể “bẻ nạng chống trời”, vợ ông ông Thục nhiều lần khuyên chồng đi bước nữa để kiếm con đưa về cho bà nuôi. Nhưng vì yêu thương vợ nên ông nhất định không chịu san sẻ tình cảm của mình cho một người phụ nữ khác.

Sau nhiều lần trằn trọc, suy nghĩ ông bà quyết định nhận những đứa trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng để làm con nuôi. Ông Thục nhớ lại: “Nếu không hoàn thành được nhiệm vụ gia đình thì mình gánh vác một phần trách nhiệm cho xã hội. Mình nuôi dưỡng những đứa bé mồ côi, hướng cho nó khi lớn lên sớm trở thành người có ích cho xã hội, đó cũng là một đóng góp không nhỏ cho xã hội. Con nào cũng là con. Con nuôi nhiều lúc có hiếu như con đẻ".

Dạo ấy, một ngày mùa đông năm 1982, khi biết tin ở Dốc Miếu (xã Gio Phong) có một phụ nữ goá bụa, làm công nhân đường bộ vừa vượt cạn nhưng muốn cho đứa con của mình. Trong đêm tối, vợ chồng ông Thục đi bộ hơn mười cây số để kịp đón em bé. Khi ông bà vừa đến thấy một bé gái đang đỏ hỏn, được hàng xóm quấn cho một tấm khăn cũ nát, người mẹ của cháu đã bỏ đi.

Cháu bé được đưa về nuôi nấng trong ngôi nhà của vợ chồng ông Thục, ông bà đặt cho con tên gọi khá dễ thương: Nguyễn Thị Thu Hoài. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng ông Thục cố gắng để cho con không thiếu miếng ăn, cái mặc so với con người ta. Hằng tháng, ông dành dụm đồng lương ít ỏi của mình lên chợ huyện xin mua lon sữa Ông Thọ về cho cháu uống, vậy xem ra là sung sướng lắm rồi. Trong vòng tay chăm sóc và tình cảm của bố mẹ dành cho, Thu Hoài đã lớn lên, ngoan ngoãn, đáng yêu.

Có con trẻ, ngôi nhà thêm ấm áp nhưng chỉ mới có 3 thành viên nên vợ chồng ông Thục lại muốn có thêm một đứa con nuôi nữa. Trời như hiểu lòng người, chỉ mấy hôm sau khi vợ chồng ông bàn đến chuyện muốn có thêm con, thì ông Thục lại được người ta cho một bé trai quê ở Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh.

Lần này, mẹ cháu bé đột ngột qua đời khi mới sinh con được ba tháng. Vợ chồng ông Thục biết chuyện nên xin về nuôi, đặt tên cho cháu là Nguyễn Văn Cát. Nhọc nhằn nuôi con nhưng bù lại cả hai đứa con nuôi của ông bà ngoan ngoãn và chăm chỉ, biết vâng lời bố mẹ. 

Ông Thục luôn động viên vợ rằng con nuôi cũng như con đẻ

Trong những ngày khó khăn, không ai hiểu hết lòng bố mẹ bằng hai người con. Cát kể: “Nhiều hôm trời mưa gió, lũ lụt nước lênh láng ngoài đồng nhưng ba mẹ vẫn cầm đèn đi nơm cá về làm thức ăn cho hai chị em. Hết gạo, không thể để các con ăn độn, ba mẹ đội mưa đi khắp làng vay gạo về nấu cơm cho các con".

Vừa kể chuyện vừa mân mê những tấm giấy khen của hai con đã hoen ố vì nước mưa, vợ chồng ông Thục rạng ngời hạnh phúc bởi con mình đã học giỏi lại ngoan hiền. Khi những đứa con đã lớn khôn, người mẹ ruột của Thu Hoài thỉnh thoảng tạt về thăm. Đã không một lời oán trách, vợ chồng ông Thục còn khuyên hai con cảm thông cho hoàn cảnh mẹ ruột.

Rồi nhận được tin mẹ của Thu Hoài đã vào miền Nam làm ăn, sinh sống, ông Thục tạo điều kiện cho em vào tìm mẹ. Ông Thục mong cho con sớm tìm được mẹ ruột, vì dẫu sao cũng máu mủ ruột rà. Còn em Cát có quê quán rõ ràng thì hàng năm ông Thục vẫn chở em về thăm quê ngoại, thắp hương cho ông bà. Đến ngày giỗ mẹ Cát, vợ chồng ông Thục vẫn làm mâm cơm cho Cát thắp hương cho mẹ mình.

Tấm lòng của vợ chồng ông Thục dành cho những người con nuôi lai láng như biển cả và cao như ngọn núi không thể kể được. Khi con khôn lớn, ông bà lại lo tương lai cho các con để được bằng bạn bằng bè. Thu Hoài đã lập gia đình và có 3 đứa con đang làm ăn ở Đồng Nai. Hoàn cảnh kinh tế của Hoài cũng khá. Vậy mà năm nào ông bà cũng cố gắng dành dụm tiền bạc gửi vào làm quà cho các cháu ngoại.

Còn Văn Cát năm nay vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Âm nhạc Nha Trang, chờ xin việc làm. Tuần trước ông bà mua cho Cát một chiếc xe máy hơn 40 triệu đồng để em đi lại cho thuận lợi.

Lo toan suốt đời như vậy nhưng vợ chồng ông Thục luôn nhận mình là những người cha mẹ không hoàn hảo bởi có hai đứa con nhưng không mang nặng đẻ đau sinh ra chúng, không cho chúng một cuộc sống tiện nghi hơn, học hành đầy đủ hơn. Song chính cái chưa hoàn hảo ấy đã giúp vợ chồng ông bà trở thành những người cha mẹ vĩ đại trong mắt hai đứa con nuôi và xã hội.

Bởi vậy, hạnh phúc luôn tràn ngập trong ngôi nhà tranh của gia đình ông Thục và bài Mai ở quê nghèo Cẩm Phổ.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm