| Hotline: 0983.970.780

Ngôi sao TDDC Phạm Phước Hưng: Tôi tưởng đã sụp xuống hố rồi

Thứ Sáu 09/03/2012 , 09:48 (GMT+7)

Khi Hưng đoạt chuẩn Olympic London 2012, người ta mới giật mình: “VĐV bị lao xương ngày nào… đã hồi sinh”.

Phạm Phước Hưng, sinh năm 1988 (24 tuổi), cái tuổi được xem là “dừ” với bộ môn “nuốt sống tuổi xuân” - Thể dục dụng cụ (TDDC).

Khi Hưng đoạt chuẩn Olympic London 2012, cũng là đánh dấu mốc lịch sử cho TDDC Việt Nam khi lần đầu tiên, bộ môn này không cần suất đặc cách hay suất mời mà… vẫn có 2 VĐV (cùng với Phan Thị Hà Thanh) đường hoàng bước vào đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh vào mùa hè này, người ta mới giật mình: “VĐV bị lao xương ngày nào… đã hồi sinh”.

 Ai cũng bảo dã man

Với các VĐV thể dục dụng cụ, thì ít ai có một tuổi thơ êm đềm vì những chuyến tập huấn xa nhà…

Khắc nghiệt lắm anh ạ! Năm lên 7 tuổi thì tôi đã sang Trung Quốc để tập luyện, tôi nhớ, năm đó còn có Hà Thanh tập huấn cùng, sau đó nửa năm, thì lứa VĐV như Ngân Thương mới sang tập luyện. Năm 18 tuổi thì tôi mới về Việt Nam bắt đầu thi đấu.

Việc đến với thể dục cũng khá tình cờ thôi, khoảng năm 1995, 1996 thì Việt Nam bắt đầu đầu tư trọng điểm cho thể thao thành tích cao. Lúc đó, tôi bắt đầu chập chững học tiểu học, vô tình bác Giang (ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN) đi tìm các nhân tố cho môn thể dục dụng cụ. Thời đó, tôi cũng có biết thể dục là gì đâu. Tôi đang học thì thấy một người Trung Quốc và bác Giang đi xem mặt học sinh; anh phải biết là lứa VĐV thể dục cũ của Việt Nam thời đó không đủ cơ bản để cạnh tranh huy chương nên phải đầu tư trọng điểm lại, bắt đầu bằng việc chọn các nhân tố từ các trường mẫu giáo và tiểu học.

Anh có biết, mình được chọn vì điều gì?

Trong thể dục, cái thần thái rất quan trọng. Hồi đó, tôi gầy đen, bù lại được đôi mắt sáng, trong thể dục thì ra biểu diễn, người ta nhìn cả thần thái, ánh mắt nữa. Bác Giang sau này cũng bảo lại với tôi: “Chú chọn cháu vì có đôi mắt sáng” nhưng tôi nghĩ, người ta có con mắt nhìn nghề rất nhạy, ai có khả năng người ta biết liền.

Những video clip về việc tập luyện của các VĐV thể dục dụng cụ được đưa lên trên mạng bị nhiều người phản đối là độc ác bởi những màn bẻ tay, quặt chân đầy đau đớn. Anh cũng đã trải qua những bài tập như vậy?

Tất nhiên. Ngày đó, tôi gầy và đen, vốn dĩ người ta chọn những người gầy như tôi bởi khi tập sẽ làm được những động tác khó một cách nhẹ nhàng. Việc bẻ tay, quặt chân thì vì lúc đó còn bé, xương trẻ con rất mềm… đó cũng là một cách luyện tập nhằm quen với những động tác đó. Ngày bé thấy đau nhưng sau dần quen rồi, thấy chả có cảm giác gì nữa. Với người ngoài, ai xem những bài tập đó có thể thấy dã man nhưng với bọn tôi là bình thương. Có vinh quang nào mà không phải đổ máu, đổ nước mắt.

Ở Quảng Tây, Trung Quốc nơi bọn tôi tập huấn, mùa đông lạnh lắm. Bọn tôi tập mà chân tay cứ run lập cập. Cứ 5h30 sáng là dậy tập thể lực, về ăn rồi lại tập tiếp đến 8 giờ tối mới được nghỉ. Ở bên đó quá lâu, tiếng Trung Quốc thì thạo lắm, nhưng khi về lại Việt Nam, nghe người miền Bắc nói chuyện mà phải nói thật chậm, thì tôi còn hiểu chứ người miền Nam mà nói thì tôi chịu.

Như vậy, khi về Việt Nam, đó là một thế giới khác và khó khăn cho anh hòa nhập?

Nói thật, mới đầu tôi gặp mẹ mình còn không nhận ra, thấy mẹ mình già đi nhiều quá. Bố mẹ tôi làm vật tư điện nước thôi, nhà cũng hoàn cảnh lắm, mẹ tôi còn làm đủ nghề như may quần áo, bán bánh mỳ… cứ thấy nghề gì làm được là làm để kiếm tiền. Hồi tôi đi tập thì cũng nghĩ, sau này được đãi ngộ khá hoặc không thành VĐV đỉnh cao thì cũng biết được tiếng Trung, xem như là ngoại ngữ, học thêm ngành nghề gì đó rồi đi làm cũng dễ hơn.

Hồi đó, tôi đi tập suốt, làm gì có bạn bè xung quanh, hầu như tôi chỉ chơi với bạn bè tập luyện cùng nên cũng không khó để hòa nhập lắm. Sau này, mọi thứ quen dần, hết bỡ ngỡ, buồn thì tôi lên mạng đọc tin tức, chat chit, kết bạn…

 Người ta bảo, tôi không tập được nữa
 

Vừa mới chớm có thành công khi tham gia Seagames 2005 (Phạm Phước Hưng đoạt HCV nội dung xà kép và HCĐ đội), anh đã phát hiện mình mắc bệnh. Lúc đó anh cảm thấy thế nào?

Tưởng như lúc đó, tôi sụp xuống hố rồi. Hồi đó, vừa xong Seagames về thì tôi đi tập, cứ tập là lưng đau nhói lên, đi thì bị gù, tưởng là chỉ chấn thương nhẹ, ai dè lưng cứ đau dai dẳng mãi, lức đó lưng còn lồi ra một cục.

Mấy tháng sau, đau quá tôi không chịu được, tôi mới đi chụp phim, kết quả khám bệnh đưa ra là tôi bị bệnh lao xương, 2 cái đốt sống bị ăn mòn hơn một nửa, nhìn trên phim chụp thì thấy mờ đi một vệt dài.

Những người xung quanh đã nói gì với anh lúc đó?

Bệnh lao thì cũng có nhiều loại, lao phổi phổ biến nhất và trong suy nghĩ nhiều người cứ lao là lây lan và cần cách ly, tuy nhiên, lao xương thì không lây lan gì cả. Tôi và gia đình sợ lắm. Tuy vậy, may là tôi phát hiện sớm chứ nhiều người lao xương thì xem như xác định luôn là hết đường đi đứng, bại liệt tứ chi luôn, mà tôi lại dân thể thao nữa chứ, nếu như thế chị chặt tay chân tôi luôn đi cho rồi.

Bố mẹ tôi buồn và khóc suốt nhưng cũng an ủi nhiều, thậm chí không muốn cho tôi theo thể thao nữa. Các thầy thì cũng bảo tôi chuyển sang hướng khác, làm huấn luyện viên hay đi học gì khác đi. Tôi điều trị đúng 1 năm, thực ra uống thuốc tầm 8 tháng là tôi đã thấy khả quan rồi.

Trong thời gian chữa bệnh, anh suy nghĩ gì?

Trong bóng đá, một cầu thủ bị treo giò không được ra sân đã ngứa ngáy chân tay lắm rồi. Việc tập luyện thi đấu của tôi đã thành lề thói rồi mà phải nằm một chỗ, nhất là năm đó, tôi còn có mục tiêu lớn là dự thi Asiad. Nhiều người còn xì xào, có thể tôi không tập được nữa chứ đừng nói đến chuyện là thi đấu, không buồn sao được. Mà chuyên gia Trung Quốc cũng quả quyết là, xương sống vẹo như thế thì tôi hết tập được rồi, có khi còn phải phẫu thuật. Còn tôi, tôi cứ uống thuốc và nghỉ ngơi, dần dần xương nó tái tạo lại và đến giờ, tôi thấy tôi tương đối bình thường rồi. Nghe có vẻ như phép màu ấy.

Anh đã lấy lại phong độ như thế nào?

Lúc chữa được khoảng 7 tháng, tôi đi chụp phim thấy xương sống cũng liền được một tý, ngứa ngáy chân tay lắm, tôi đã định đi tập lại nhưng các thầy không cho. Hết 1 năm, tôi đi tập lại, thực ra, tôi đã có căn bản sẵn rồi nên tập lại cũng nhanh. Giờ cũng bình thường rồi nhưng đứng nhiều thì vẫn mỏi lưng lắm, một ngày tôi tập khoảng 7 tiếng, còn lại thì nghỉ.

BOX:

Anh đã chuẩn bị gì cho Olympic London 2012?

Olympic vừa gửi lịch thi đấu cho tôi. Tôi thi vào ngày 28/7, một ngày sau lễ khai mạc. Tôi vẫn tập luyện theo giáo trình và phát huy nội dung thế mạnh. Nếu một VĐV đã đạt chuẩn vào thi Olympic, thì có thể tự chọn các nội dung thi, tôi sẽ dự thi nội dung thế mạnh của mình là xà kép, còn Phan Thị Hà Thanh chắc sẽ thi nhảy ngựa, nội dung mà bạn ấy đã đoạt huy chương đồng thế giới. Các quốc gia mạnh nhất ở môn này hiện giờ là Trung Quốc và Nhật, còn Nga thì đang yếu thế dần rồi.

Dân thể dục là lành nhất rồi

Trong môi trường thể thao, có nhiều cám dỗ, anh làm sao để tránh được?

Môn nào thì tôi không biết hoặc người ta nhìn vào bóng đá để đánh giá chứ theo tôi, dân thể dục như bọn tôi là lành nhất rồi. Dạo này tôi còn ngủ muộn đấy, chứ hồi trước cứ đến 10 giờ là lên giường. Mà ở Nhổn (khu tập huấn thể thao), dân cử tạ còn ngủ sớm lắm. Uống rượu, bia thì tôi không, còn nếu bị cảm hay bị ốm, thì tôi cũng phải uống thuốc theo chỉ dẫn của chuyên gia chứ không uống bừa được, bọn tôi chỉ uống mấy cái viên protein, thực phẩm chức năng thôi.

 Sau sự cố Ngân Thương dính doping tại Olympic Bắc Kinh 2008 đã khiến giới VĐV cẩn thận hơn? 

Hầu như các lớp học về doping thì chỉ có các huấn luyện viên được đi học thôi. Hồi đó thì Thương cũng vô tình thôi. Thương hoàn toàn không biết nên uống thuốc lợi tiểu. Thương giấu thầy cô và uống loại thuốc đó vì lúc đó Thương béo lên, thầy cô bắt tập thể lực – mà tập thể lực với bọn tôi mệt lắm, ai cũng sợ. Chắc Thương nghe ai bảo, uống thuốc lợi tiểu, sẽ nhẹ cân đi nên uống thôi. Bây giờ, bọn tôi uống thuốc gì cũng phải hỏi chứ đâu được uống linh tinh.

Thu nhập hiện nay của anh có khá không?

Tôi có tiền lương, cũng đủ tiêu. Đợt Seagames vừa rồi, thành tích của tôi tốt nên được thưởng cũng khá, chỉ sau Hà Thanh thôi, cũng được hơn 200 triệu đồng, tôi đưa hết cho bố mẹ vì tiền tiêu thì tôi có lương.

Xem thêm
Những người bạn hội ngộ cùng sắc màu cố đô Huế

‘Những người bạn’ là cuộc triển lãm của 8 họa sĩ có chung đam mê sáng tạo và tình yêu cố đô, khai mạc hôm nay 29/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất