Mặc dù địa phương đã làm cầu tạm, nhưng người dân hằng ngày vẫn phải qua lại nơi đây vì là đường độc đạo.
Cầu Bản Kem hư hỏng nặng vẫn đang chờ kinh phí sửa chữa. |
Đó là hậu quả của trận mưa lũ cuối năm 2018 ảnh hưởng trực tiếp đến xã Nghĩa Đô. Ông Nguyễn Công Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô cho biết, địa bàn thường xuyên phải gánh chịu mưa lũ bất ngờ. Công trình cầu Bản Kem chỉ là một trong rất nhiều hạng mục bị thiệt hại, đang cần được sửa chữa.
Tính chung năm 2018, huyện Bảo Yên phải gánh chịu 8 đợt mưa giông kéo dài. 104 công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại (bao gồm các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng khác), ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Đặc biệt, có 340 hộ bị thiệt hại về nhà ở như ngập nước, tốc mái đã phải di dời... Diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng 450 ha. Tổng thiệt hại gần 64 tỷ đồng.
Mùa mưa lũ năm nay, mặc dù trên địa bàn huyện Bảo Yên vẫn chưa xảy ra đợt thiên tai bị ảnh hưởng lớn nào, nhưng địa phương luôn chủ động sẵn sàng các phương án để ứng phó.
Huyện Bảo Yên đã thực hiện 2 dự án sắp xếp dân cư tập trung. Trong đó, sắp xếp, bố trí 22 hộ dâ và 1 nhà văn hóa tại bản Nặm Bắt xã Tân Tiến, với tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Quý I/2019, công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng.
Đồng thời, sắp xếp, bố trí 26 hộ dân tại thôn Cam 3 xã Cam Cọn với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn tổ chức sắp xếp dân cư xen ghép được 26 hộ với 109 khẩu trên địa bàn 13 xã. Tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức rà soát đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ gia đình sinh sống trong khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao để tổ chức vận động di dời, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên cho biết: Hằng năm, đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát thống kê, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời làm công tác tập trung hỗ trợ các xã bố trí, di dời dân cư ra khỏi vùng bị thiên tai nguy hiểm.
Lực lượng đoàn thể tham gia khơi thông rãnh thoát nước trước mùa mưa lũ. |
Thời gian qua, đã triển khai các chương trình, dự án bố trí dân cư các vùng thiên tai, di dân tái định cư. Bố trí được 26 hộ ở các vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất. Bước đầu thực hiện chương trình đã hình thành được các điểm dân cư mới, góp phần quan trọng để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Cùng với đó, Phòng NN-PTNT Bảo Yên cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê các khu vực địa bàn dân cư để phát hiện các hộ sinh sống ở những khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lũ quét, sạt lở đất. Từ đó xây dựng kế hoạch sắp xếp, di dời dân đến nơi an toàn.
Các xã Tân Tiến, Kim Sơn, Cam Cọn, Vĩnh Yên, Lương Sơn... báo cáo huyện bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm. UBND các xã đã chủ động rà soát, đánh giá và xác định các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; xây dựng phương án phòng tránh lũ quét, sơ tán dân khi có mưa, lũ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, địa phương luôn chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc này phải huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương và người dân thực hiện đồng bộ, kịp thời. Nghiêm túc thực hiện các kế hoạch phòng, tránh, ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, mang tính phòng ngừa cao. |