Năm nào cũng vậy, nếu chưa cùng gia đình về quê ăn Tết là trong tôi như Tết vẫn chưa đến. Chỉ đến lúc được ngồi cùng anh em, bà con rôm rả chuyện trò bên mâm cúng tất niên thì coi như Tết đã về.
Con cháu dâng hương tại nhà thờ họ Lâm và chụp hình lưu niệm mùng 1 Tết |
Quê tôi- làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, rất xem trọng ngày cúng tất niên cuối năm. Nhà nào cũng xem đây là lễ cúng to nhất mỗi dịp Tết. Dù khó khăn đến mấy mọi nhà đều cố gắng chuẩn bị cho lễ cúng tất niên thật đầy đủ, ấm áp.
Riêng đại gia đình tôi, kể từ ông cố trở xuống còn đến 9 chắt nội trai đã có gia đình riêng, nhân lên là trên 50 con, cháu trai, gái nữa. Vì thế mỗi gia đình trong 9 chắt nội trai này mỗi lần cúng tất niên phải làm 5 mâm (50 người) trước cúng tổ tiên ông bà, sau mới đủ cho con cháu ăn uống, chứ chưa nói mời hàng xóm.
Để cúng tất niên đừng trùng buổi với nhau, thì từ mười lăm tháng Chạp, bác trưởng chi trao đổi với từng người trưởng trong gia đình chọn ngày theo tiêu chí mỗi nhà chọn mỗi ngày đăng ký cúng. Nhà nào có con cái, cháu chắt ở gần cúng trước, ở xa về quê về muộn cúng sau, nhà cúng cuối cùng phải là nhà quan trọng nhất.
Thông thường thì đại gia đình tôi cúng tất niên hàng năm bắt đầu từ ngày 20 âm tháng Chạp. Các chị dâu, bà cô, cháu gái tập trung đi chợ nấu nướng, bày dọn. Hai thứ quan trọng là gà và nếp thì được chuẩn bị sẵn từ mấy tháng trước.
Còn con cháu trai do bác trưởng chi dẫn đi thăm mộ, dọn vệ sinh, thắp hương thổ thần đất đai, xin cho cố, ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu đã khuất về nhà ăn Tết. Trên từng nấm mộ, mùi hương khói ấm áp quyện vào hình ảnh con cháu nhấp nhô vái lạy mời ông bà, cha mẹ … như cuộc trò chuyện về đạo lý của người còn sống với người đã khuất vậy.
Dâng hương xong anh em, con cháu trai trở về nhà thì lễ vật được bày biện đủ các bàn. Bác trưởng chi khăn đóng, áo dài lòng thành kính thắp hương, khoảng gần 30 phút sau thì hoàn thành một lễ cúng tất niên. Bác tuyên bố lý do và truyền thống đạo lý của gia đình rồi bắt đầu khai hội.
Khi đó khỏi phải nói là vui. Bao lo toan bận rồi thường nhật tạm thời nhường lại cho những nụ cười hạnh phúc, những câu chuyện sôi nổi, những ly rượu chúc tụng nhau.
Rồi ngày hôm sau anh em, cháu chắt lại kéo nhau đến một nhà khác trong 9 chắt nội của cố để cùng nhau làm tất niên cho đến ngày 29 Tết mới đến nhà cuối cùng cũng là nhà quan trọng nhất, là nhà của người chịu trách nhiệm thờ tổ tiên, ông bà.
Suốt những buổi tất niên ấm áp đó, đại gia đình chúng tôi không có ai được phép say sưa uống, chỉ say sưa hàn huyên những câu chuyện đạo lý, bàn những kế hoạch chung trong năm mới của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, những câu chuyện học hành, việc làm…
Hàng năm, đến ngày 25 tháng Chạp thì con cháu trong đại gia đình chúng tôi cùng họ Lâm và dân làng làm lễ Thượng nêu để đánh dấu cho biết ngày Tết đã đến. Sau dựng nêu, làng tổ chức cúng những thần linh để phù hộ cho dân làng bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu cũng như trừ ma tà…
Sau cùng là tất niên họ Lâm tại nhà thợ họ với đầy đủ lễ nghi của con cháu dâng lên tổ tiên. Dòng họ Lâm có mặt tại đất Gia Bình đã hơn 500 năm. Phần lễ của tất niên nhà thờ họ thì mỗi phái đứng ra lo mỗi năm, kinh phí được con cháu trong họ đóng góp.
Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, họ Lâm làng Gia Bình là một trong những dòng họ nổi tiếng nhất vùng. Sự đoàn kết và cống hiến của con cháu họ Lâm cho quê hương là rất lớn, là điểm sáng để nhiều dòng họ khác noi theo. Trong quá trình xây dựng và đạt chuẩn xã NTM thì sự đóng góp của con cháu dòng họ Lâm và người làng Gia Bình là không nhỏ. |