| Hotline: 0983.970.780

Ngư bà 32 năm vớt thây ma

Thứ Năm 22/03/2012 , 10:16 (GMT+7)

Dưới chân cầu Bến Thủy, có một người phụ nữ dù ngày hay đêm vẫn lặng lẽ đi cứu vớt những thi thể bất hạnh để đưa họ về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Dưới chân cầu Bến Thủy, nơi nhiều người gặp trắc trở lựa chọn để kết thúc sự sống, có một người phụ nữ dù ngày hay đêm vẫn lặng lẽ đi cứu vớt những thi thể bất hạnh để đưa họ về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Vớt hơn 600 xác chết

Ngày đó, Nguyệt mới 18 tuổi, có hôm đang đánh cá trên sông Lam thì nghe tiếng người kêu cứu. Một chiến sĩ hải quân trong khi chèo thuyền nan để vào bờ thì bị sóng đánh chìm ở cách đó không xa. Do nước sông quá xiết nên Nguyệt phải lặn ngụp mãi mới tìm thấy xác nạn nhân và đưa lên bờ. Lần đầu tiên ôm trong tay xác chết từ lòng sông, cô gái mới lớn rùng mình kinh hãi. Và hơn 30 năm sau, khi ngồi tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nguyệt (50 tuổi, khối 1, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn không ngờ mình có thể gắn bó lâu như thế với khúc sông tử thần này.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tồi tàn xây tạm trên bờ sông, bà Nguyệt lần giở những câu chuyện chẳng ai muốn kể lại. Chuyện nào cũng buồn, cũng đáng sợ nhưng được kể một cách bình thản từ người phụ nữ vốn đã được nhân dân ở cả hai bên bờ phong cho là “Anh hùng sông Lam” từ lâu.  

Bà Nguyễn Thị Nguyệt trong trong căn nhà lụp xụp bên sông

Sinh ra trong gia đình làm nghề chài lưới, cha mẹ mất sớm nên từ nhỏ bà đã phải bơi thuyền khắp các ngõ sông đánh cá kiếm sống. “Bởi rứa nên sông Lam khúc mô sâu, khúc mô cạn là tui biết hết. Những đoạn luồng xoáy tui cũng nắm rõ trong lòng bàn tay ni rồi”, bà Nguyệt kể với chúng tôi.

Trong ký ức những lần “vớt thây ma”, có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất là những trường hợp nạn nhân đã được chôn cất thì sau đó người thân mới đến nhận. Bà kể: "Cách đây khoảng 3 năm, một thanh niên nhảy cầu Bến Thủy tự vẫn. Khi thấy người ta báo tin, tui một mình mang theo câu vương, chài lưới đi vớt xác. Sau khi vớt lên bờ, trình báo ban ngành chức năng và chờ đợi mãi cũng không thấy người đến nhận, tui đành mang đi an táng. Thế mà 3 tháng sau, có người lại đến hỏi và muốn mang xác người thanh niên đó về. Thế là tui lại phải khai quật ngôi mả lên, bọc lượm cái xác và chở sang bên kia chân cầu Bến Thủy cho họ. Tất cả việc ấy cũng chỉ có mình làm thôi”. Bà Nguyệt cho biết thêm, vì xác người xấu số đã phân hủy nên người dân địa phương không cho đưa qua xóm mà bắt phải dùng xuồng để chở bằng đường sông.

Hành trình vớt xác của bà Nguyệt là một chặng đường dài. Trong 32 năm ngụp lặn, bà đã đưa lên bờ hơn 600 thi thể nạn nhân. Như muốn kéo chúng tôi về thực tại, bà lại tiếp tục câu chuyện: “Tháng 09/2011, có người đàn ông bực tức chuyện gia đình nên lúc 22 giờ đêm đã ra cầu Bến Thủy nhảy sông tự vẫn. Lúc đó, tui vừa mang cá từ bến sông về nhà, đang chuẩn bị thay đồ để đi ngủ thì có người thất thần chạy vào nhà kêu cứu. Khi tui đánh thuyền ra tới nơi thì chỉ thấy mặt sông mênh mông sóng nước. Biết người đó đã chết nên tui đành dùng lưỡi câu vương để tìm. Mãi suốt 4 ngày sau đó, lặn không thấy, câu không được nên tui phải xuôi thuyền về Cửa Hội, Cửa Lò tìm kiếm; mấy ngày liên tục ăn uống trên thuyền rồi cuối cùng đã tìm thấy và đưa nạn nhân lên bờ”.

Chịu nhiều tiếng oan

Số người chết do nhảy cầu tự tử vẫn cứ “đều đặn” dưới chân cầu Bến Thủy, và bà Nguyệt, dù đã bước qua nửa kia của đời người những cũng không được nghỉ ngơi. Tâm sự thật lòng, bà kể: “Nhà tui mấy kiếp làm nghề chài lưới, đến đời tui cũng chỉ bám vào con thuyền mà kiếm sống. Việc vớt xác âu cũng chỉ là vì mình đã sống ở đây, đã thấy nên không thể làm ngơ. Hoặc cũng vì người ta nài nỉ, nhờ quá nên phải giúp mà thôi. Rứa mà cũng có lời ra tiếng vào. Có người nói tui làm nghề vớt xác mấy chục năm nên kiếm được nhiều tiền, nếu không thì làm chi có tiền xây được nhà, nuôi được con. Tui chỉ biết vớt xác là để giúp người chứ chưa khi mô coi đó là cái “nghề” như miệng lưỡi thế gian chú à”. 

32 năm qua, bà Nguyệt đã vớt hơn 600 thi thể từ khúc sông tử thần này

Anh Nguyễn Văn Đạt (1988), con trai duy nhất của bà Nguyệt, nói: “Thấy người ta nói ra nói vào như thế, mẹ tôi nhiều lần chỉ thầm khóc. Tôi và anh em họ hàng nhất quyết không cho mẹ đi nữa, nhưng rồi cứ có người đến gọi, nhờ vả mãi, không đành lòng mẹ lại đi”.

Không chỉ chịu những phiền toái, kỳ thị của người đời mà bà còn mang trong mình những món nợ từ việc an táng. Hằng ngày chài lưới đánh cá trên sông, ngày có cá thì được trăm ngàn, ngày không có thì chịu tay trắng, quanh năm nghèo khó. Bà Nguyệt chùng giọng tâm sự: “Vì không làm ra tiền trong khi phải an táng cho những nạn nhân xấu số nên tui phải vay mượn. Đến nay số nợ ấy lên tới 15 triệu đồng mà không có cách nào để trả. Biết làm sao được, chẳng lẽ để nạn nhân trần truồng mà chôn? Khi người ta tìm đếnn nhờ vả mình, có người còn để lại cho ít tiền, có người không. Với những ngôi mộ vô chủ thì mẹ con tui tự đứng ra lo khâm liệm mai táng”.

Trong căn nhà nhỏ không đủ ánh sáng, bà Nguyệt ngồi trên chiếc võng dù mà lòng trĩu nặng. Hỏi ra mới biết, bà đang suy tính và ngóng đợi thông tin người nhà những nạn nhân đã được bà an táng. “Bây giờ có mấy ngôi mả không có người thân đến nhận nữa, tui nghĩ mà thấy thương họ quá. Nghĩa tử là nghĩa tận mà như thế tui cứ thấy mình chưa làm được cho trọn vẹn”.

Ngày 18/10/2010, xe khách mang BKS 48K-5868 bị nước lũ cuốn trôi làm 19 người chết, 1 người mất tích, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã có mặt ứng cứu và đã đưa lên bờ 5 nạn nhân. Ngay sau đó, UBND huyện Nghi Xuân đã tặng bằng khen và thưởng 200.000 đồng. Đó cũng là phần thưởng duy nhất trong 32 năm vớt xác người trên sông Lam của bà.

Bà lại kể: “Năm 2004, đang lúc đi đánh cá thì tui bắt gặp một xác người đã phân hủy nổi trên sông. Sau khi đưa nạn nhân lên bờ, báo cơ quan chức năng xong thì mình lại phải mua quan tài, quần áo,… khâm liệm rồi chờ người nhà đến nhận. Mãi mấy ngày hôm sau vẫn không có ai đến nên tui đành phải thuê xe bò rồi một mình chở quan tài ra nghĩa địa sau trường THCS thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để chôn cất. Tính đến nay đã được 7 năm rồi vậy mà ngôi mộ ấy vẫn vô chủ”.

Rồi đến năm 2009, cũng trong lúc đánh cá bà vớt được xác một nam thanh niên mặc áo xanh tình nguyện. Thanh niên này sau đó được báo cáo với ngành chức năng tuy nhiên sau đó cũng không có người nhận. “Thế là một lần nữa tui lại phải tự làm ma chay cho họ. Làm xong đâu đấy thì vẫn một mình một xẻng, chở quan tài đi an táng. Mộ người thanh niên này được chôn tại triền núi bên Nghệ An”, bà Nguyệt nhớ lại.

Ít người biết rằng, đời bà “Nguyệt sông Lam” vốn cùng cực éo le từ nhỏ. Sinh ra trên cảnh sông nước, lại sớm chịu cảnh mồ côi, một tay bà bươn chải cá tôm nuôi em tật nguyền. Đến tuổi trăng rằm, Nguyệt lại vướng vào mối tình với một kỹ sư xây dựng công trình cầu Bến Thủy, để rồi một mình lặng lẽ nuôi con. Đến nay, khi đã lên chức bà, gia sản đáng giá nhất vẫn chỉ là 2 gian nhà lụp xụp, và một con thuyền cũ kĩ để vừa lặn lội kiếm sống, vừa…vớt thây ma. “Nếu nói đi vớt xác là một nghề thì tội lỗi quá, nhưng nếu tạm cho là như rứa, thì tui mong mình thất nghiệp mãi. Mong đừng phải thấy ai quên sinh xuống lòng sông này”, bà Nguyệt bùi ngùi.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất