| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân đợi quá lâu rồi

Thứ Sáu 20/06/2014 , 08:23 (GMT+7)

"Ngư dân chờ đợi lâu quá rồi. Phải để cho ngư dân là chủ đích thực của con tàu." - Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chia sẻ với NNVN.

Nghị quyết Trung ương số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, xác định rất rõ “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Mục tiêu đó liệu có đạt được? Và, làm gì để nghề biển mạnh lên? Cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc (ảnh) đưa ra những ý kiến rất đáng suy ngẫm.

img-2570164411147

Tim tôi cũng nhói đau

Từng là tư lệnh ngành Thủy sản, cảm xúc của ông thế nào khi xem clip ghi lại hình ảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam?

Nhân dân căm phẫn, dư luận dậy sóng, quốc tế lên án mạnh mẽ về hành động vô nhân đạo đó của tàu Trung Quốc. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã thốt lên rằng, thấy nhói trong tim. Tôi cũng có cảm giác như vậy. Và tôi nghĩ, đó cũng là cảm xúc của tất cả người dân Việt Nam và cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Vậy làm thế nào để những hành động đó không còn tái diễn, thưa ông?

Đây không phải lần đầu Trung Quốc có những hành động thô bạo, ngang ngược như vậy với tàu cá Việt Nam. Họ từng gây ra nhiều việc với ngư dân ta, từng cắt cáp quang tàu Bình Minh 2 và đốt cháy tàu cá của ta. Đây là hành động leo thang nghiêm trọng hơn và cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.

Bằng chính nghĩa và nhân đạo, chúng ta kiên quyết phản đối các hành động ngang ngược đó của Trung Quốc. Chúng ta đòi Trung Quốc phải dừng ngay những hành động phi pháp, vô nhân đạo đó.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam phải mạnh lên. Bây giờ càng thấy hết ý nghĩa cụm từ "trở thành quốc gia mạnh về biển".

Nếu đưa ra 3 mức đánh giá “mạnh, trung bình, yếu” thì ngành Thủy sản của ta hiện nay ở vị trí nào?

(Cười). Vào những thời điểm khó khăn, nhiều ngành XK ì ạch thì thủy sản vẫn XK đạt 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy đây là ngành cực kỳ có thế mạnh. Công bằng mà nói ngành Thủy sản đã phát triển khá mạnh về năng lực SX và khoa học công nghệ. Bên cạnh khai thác thì nuôi trồng cũng có sản lượng lớn. Tất nhiên, chúng ta cần phải tăng về chất trong cái lượng lớn ấy.
Chúng ta nói rất nhiều về gia tăng giá trị nhưng ít coi trọng gia tăng chất lượng nên xảy ra tình trạng bán sản phẩm giá rẻ. Trong cái tăng về lượng mà thiếu đi chính sách gỡ bí cho ngư dân thì khó mà kích hiệu quả lên cao được. Cho nên, lượng tăng mà chất không tăng là cả một vấn đề!
Tôi thấy đưa ra 3 mức đánh giá sẽ còn thiếu nên tôi bổ sung cho các bạn. Đó là kém về tổ chức và năng lực đánh bắt của chúng ta. Nhiều tàu nhỏ thì khó ra xa. Ngư dân đành đánh bắt ven bờ, dần cũng cạn kiệt cá, thu nhập thấp, đi làm thuê cho tàu khác. Thế là cuộc sống của họ bấp bênh. Giải quyết nghề cá ven bờ thì điều căn cơ là phải vươn ra biển lớn.

Năng lực đóng mới tàu thuyền lớn, SX của ngư dân cần mạnh lên. Hoạt động đánh bắt có các tổ đội kết thành khối, đoàn kết tương trợ lẫn nhau khi ra khơi. Ngư dân kiên cường bám biển, không chỉ đánh bắt cá mà còn bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi một ngư dân xứng đáng là một người lính can trường giữa biển khơi muôn trùng sóng gió ấy.

Nguy cơ “cháy vở”

Thưa ông, Việt Nam đã nhận định rất rõ ràng rằng “thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương” và cũng quyết tâm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển vào năm 2020. Chỉ còn 5 năm nữa, liệu mục tiêu ấy có thành công?

Nhìn riêng từ góc độ nghề cá biển, tôi khẳng định luôn rằng, nếu vẫn với cách đang làm thì nguy cơ “cháy vở”.

Từ năm 1981 đến nay, đã 33 năm rồi mà tăng trưởng cứ năm sau cao hơn năm trước, đó là việc lớn, nhưng cũng là gánh nặng đang đè lên đầu thế hệ lãnh đạo và quản lý ngành hiện tại trước trách nhiệm với ngư dân và nghề cá.

Đặc biệt nó trở thành gánh nặng hơn vì đã phải đi qua những năm khó khăn vừa rồi, gánh đó nặng hơn vì giá dầu tăng chóng mặt và vì tần suất và cường độ thiên tai, vì những quan hệ căng thẳng thường xuyên gặp phải trên biển.

Thế mà không ít người trong thế hệ quản lý hiện tại vẫn lạc quan, thậm chí vô tư trước những khó khăn trên, không thấy rằng những cơ hội trước mắt mất dần, những thách thức ngày một nhiều và ngày một lớn.

Những người có trách nhiệm với nghề cá phải nhìn thẳng vào đó mà tìm tư duy lãnh đạo, tư duy quản lý cho phù hợp, không thể rập khuôn những gì và cách đã làm trước đây hoặc theo thuần túy sự mong muốn duy ý chí.

Cái lớn nhất ở đây là làm sao đời sống của ngư dân phải tăng được năm nay cao hơn năm trước, tương xứng với tăng trưởng về giá trị sản phẩm làm ra. Cuộc sống vật chất, tinh thần và văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo được cải thiện, dân trí được nâng cao.

Hiện nay, ta đã nhìn thấy trước mặt bức tường chắn của năm 2020, còn một kỳ kế hoạch 5 năm nữa thôi. Trong khi lo cho được đến đích của các mục tiêu chiến lược thì cái khó trước mắt của ngư dân còn ngổn ngang là cái cấp thời phải biết rõ và vượt qua cho được, cho kịp.

Các chính sách mang tính cấp thời và tư duy dài hạn mang tầm chiến lược gần đây, theo tôi, nhiều lúc không gặp nhau.

Thực tế cho thấy, hễ gặp khó khăn gì trước mắt là có chính sách và có tiền cho việc đó, nhưng tiền và lợi ích đến dân với hiệu quả chưa cao, thời gian tồn tại của một chính sách ban hành ra mỗi ngày một ngắn lại.

Cái tư duy ở đây cần có phải là: Trong quản lý phải phân rõ việc dài hơi, việc cấp thời, tùy theo độ dài của những việc dài hơi mà có cách làm cho cụ thể, và trong khi giải quyết các việc trước mắt, phải tính đến sự đồng bộ cho mục tiêu dài hơi hơn.

Đó là mục tiêu gì vậy, thưa ông?

Tư duy cốt lõi và cũng là quan điểm cơ bản để phát triển thủy sản theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững với hai hướng chủ yếu.

Thứ nhất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm có được chủ yếu dựa vào các chính sách liên quan tới phân tích và tổ hợp tối ưu chuỗi các khâu cấu thành sản phẩm để đạt đến tối ưu về kỹ thuật và tối ưu về giá trị sản phẩm.

Với tối ưu kỹ thuật, phải cải thiện từng khâu và cả chuỗi sao cho nhằm tới mục tiêu bảo đảm các yêu cầu vệ sinh, chất lượng và thân thiện môi trường, tiết kiệm mọi chi phí, nhất là năng lượng, từ đó chủ động phòng và chống thiên tai, dịch bệnh cũng như các rủi ro khác (thí dụ hàng rào phi thuế quan) tác động đến SX.

“Với nghề cá tôi thấy chưa có một mục tiêu thật sự rõ ràng. Một nghề cá dựa vào thị trường bên ngoài, phụ thuộc vào thời tiết khó mà bền vững được. Một nghề cá mạnh là phải bất chấp mọi khó khăn, trở ngại, kể cả sóng gió, bão tố”, cựu Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.

Phân tích chuỗi này có thể tìm khâu hợp lý để tác động các giải pháp tăng năng suất lao động.

Với tối ưu về giá trị, cần có phân tích, tổ hợp tối ưu để quản lý được phân phối hợp lý lợi nhuận và các lợi ích trong SX mỗi khâu. Nâng cao giá trị từ mỗi khâu có thể để vươn tới giá trị gia tăng cao nhất, đồng thời giảm giá thành một cách hợp lý. Tránh được rủi ro do hàng rào thuế quan gây ra (thí dụ thuế chống phá giá).

Thứ 2, hướng kết quả tăng trưởng từ SX có được do tối ưu hóa chuỗi sản phẩm vào nâng cao đời sống cộng đồng nghề cá và gắn SX với hiện diện dân sự trên biển đảo, với yêu cầu tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Hai hướng này chắc chắn là lâu dài, và tùy chiến lược hay quy hoạch phát triển từng giai đoạn hay từng kế hoạch 5 năm mà xây dựng kịch bản cụ thể với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đảm bảo nhất quán đối với hai mục tiêu: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đó là tư duy chiến lược, tư duy để cơ cấu lại ngành Thủy sản một cách tổng thể.

Ngân hàng phải xắn tay vào

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ rất lớn cho ngư dân. Ông kỳ vọng gì ở gói hỗ trợ này?

Trước năm 1975, tại Hải Phòng đã có những đội tàu vỏ thép với khả năng đi rất xa, đánh được khắp vùng vịnh Bắc bộ. Ngày đó chúng ta có những đội tàu 90CV, 250CV, 600CV và cả 1.000CV tạo ra một tỷ trọng sản lượng rất lớn trong sản lượng nghề cá miền Bắc lúc bấy giờ.

Đi cùng với đội tàu đó chúng ta từng có nhà máy cá hộp hiện đại, cảng cá công nghiệp và xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền khá lớn mạnh. Tất cả cơ sở vật chất đó tạo điều kiện đồng bộ để đoàn tàu có sức mạnh và hiệu quả hơn vào lúc bấy giờ.

Chúng ta lúc đó cũng đã có Viện Nghiên cứu hải sản và Đại học Thủy sản khá đủ năng lực phục vụ cho nghề cá nước nhà, thế thì lý do gì mà hiện nay ta không làm được?

Khi có chủ trương đóng tàu vỏ thép, có người hỏi tôi cách để tránh gặp thất bại. Tôi khẳng định là sẽ không thất bại. Vấn đề không phải là ngư dân trả được hay không trả được nợ mà cái quan trọng là cách cho vay và quản lý đồng tiền bỏ ra đóng tàu. Cái đó ngân hàng phải xắn tay vào làm chứ không phải mỗi Bộ chủ quản.

Nếu tạm tính đóng một tàu vỏ thép hết 10 tỷ đồng thì 10.000 tỷ đồng cũng chỉ đóng được 1.000 tàu mà thôi. Vấn đề là phải có hiệu quả để nở ra hàng vạn con tàu vỏ thép khác.


Tàu cá vỏ sắt được bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn

Hiện chúng ta có chừng 130 ngàn tàu thuyền. Trong đó có khoảng 28 ngàn tàu được gọi là xa bờ, gần 16 ngàn tàu có công suất từ 250CV, trong số đó 6.615 tàu có công suất từ 400 CV trở lên. Như thế về số lượng là khá nhưng để khai thác khơi xa thì còn nhiều hạn chế.

Việc dùng gỗ để đóng tàu thuyền nói chung không còn thuận khi mà rừng ngày càng hiếm gỗ, trong khi tuổi thọ còn lại của đội tàu gỗ hiện nay cũng chẳng còn bao lâu.

Tàu vỏ gỗ như ta đang có không đánh xa được hiệu quả. Khoảng xa bờ vẫn còn để trống mà nguồn lợi ven bờ lại cạn đi. Công nghiệp hóa không thành được, sinh thái biển bị đe dọa. Vì thế, thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép là một hướng đi đúng đắn.

Phải để ngư dân làm chủ đích thực

Vậy, nên làm thế nào để hợp lý và hiệu quả, thưa ông?

Muốn vậy, thì chính sách phải rõ ràng, phải nghiên cứu thấu đáo. Chủ trương đã có nhưng quyết định cho từng phần phải được nghiên cứu kỹ.

Ông Tạ Quang Ngọc nguyên là Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khóa VIII và khóa IX.
Ông là con trai của nhà báo, nhà trí thức lão thành Quang Đạm (Tạ Quang Đệ); cháu của nhà khoa học Tạ Quang Bửu (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); quê ở xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Yêu cầu quan trọng nhất rút ra từ thực tiễn là: Đột phá trong tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn và từ khâu hình thành nên con tàu, trong đó người dân phải là chủ thể; đồng bộ các khâu giúp con tàu hoạt động hiệu quả và ngày càng hiệu quả; yêu cầu đồng bộ bắt đầu từ sự tương ứng giữa chi phí khai thác với đầu tư đóng tàu, hậu cần dịch vụ trước và sau SX cho nó, bảo hiểm cần thiết cho các rủi ro, dự báo ngư trường, nghiên cứu đổi mới công nghệ, quan trọng nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực và tổ chức SX trên biển.

Tôi giả sử một việc về chính sách tín dụng: nên cho ngư dân dùng vật hình thành từ vốn vay (con tàu) để thế chấp nợ vay. Nếu đòi hỏi thế chấp ở ngư dân trong bối cảnh này là rất khó. Tuy nhiên để khắc phục rủi ro đồng vốn cần phải có quy chế để quản lý nợ vay với sự đột phá này. Làm thế nào để có quyết sách thì ngân hàng phải vào cuộc thực sự.

Cái nữa là không nên cứ mỗi lần vay cho một hạng mục thì ngư dân phải trình hồ sơ, thẩm định mẫu thiết kế… cho cơ quan Nhà nước thẩm quyền và ngân hàng. Như thế rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian lắm.

Ngư dân chờ đợi lâu quá rồi. Phải để cho ngư dân là chủ đích thực của con tàu.

Tôi có niềm tin ở ngư dân nên tôi muốn nói rằng, hãy yên tâm là ngư dân không bao giờ quỵt nợ Nhà nước đâu. Muốn làm được vậy mà chất lượng sản phẩm đóng ra an toàn và chất lượng thì Bộ chuyên ngành phải xắn tay vào cuộc trước. Phải có trước những đơn vị tư vấn, thiết kế đủ năng lực.

Phải để cho ngư dân làm chủ đích thực của con tàu? Ý ông muốn nhấn mạnh đến tính minh bạch, dân chủ trong triển khai chính sách mới này của Chính phủ?

Đúng vậy. Tôi cho rằng, khâu vay vốn và đóng tàu phải hết sức dân chủ thì người dân mới làm chủ và có trách nhiệm cao nhất với con tàu, từ đó họ làm chủ vốn vay thực sự.

Chủ tàu tương lai cũng phải có quyền lựa chọn mẫu tàu phù hợp với nghề nghiệp và ngư trường, lựa chọn nơi để đóng, sửa tàu... vì chúng ta đều muốn họ làm chủ thực sự.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.