| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân đóng tàu 67 bị Vietcombank Quy Nhơn 'cột' sổ đỏ

Thứ Năm 01/06/2017 , 14:30 (GMT+7)

Trong Nghị định 67 của Chính phủ, không có điều khoản nào quy định khi ngư dân vay tiền để đóng tàu vỏ thép phải thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ấy vây...

Ấy vậy nhưng, để được giải ngân tiền vay đóng tàu vỏ thép, sổ đỏ nhà ở của 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh đã bị “cột” ở ngân hàng…

Ngư dân Trần Văn Hạo (46 tuổi) ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 mang số hiệu BĐ 99029 TS (940 CV), cho biết: “Cuối năm 2015, tui làm thủ tục vay của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn (Vietcombank Quy Nhơn) số tiền 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép, chiếc tàu mang số hiệu BĐ 99029 TS.

13-38-41_1
Ngư dân Trần Văn Hạo bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN.

Theo quy định của Nghị định 67, ngư dân vay vốn đóng tàu phải góp vốn đối ứng 5% tổng giá trị con tàu. Thế nhưng thực tế tui phải góp vốn đối ứng bằng tiền mặt, đóng 1 lần với số tiền là 1,026 tỷ đồng, tương đương với 6%. Về khoản phải đóng tăng hơn 1% vốn đối ứng so với những ngư dân khác, tui bức xúc mà không biết giãi bày với ai”.

Cùng thời điểm, ngư dân Trương Hoài Khánh cùng ở phường Đống Đa cũng làm thủ tục vay của Vietcombank Quy Nhơn số tiền 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tương tự như ngư dân Trần Văn Hạo, ngư dân Trương Hoài Khánh cũng phải đóng vốn đối ứng 1,026 tỷ đồng. Khi vay tiền đóng tàu, cả 2 ngư dân Hạo và Khánh đều được “tư vấn” là cần thế chấp sổ đỏ để ngân hàng giải ngân nhanh hơn, có vốn thì con tàu mới được đóng đúng tiến độ, nhanh ra khơi đánh bắt, khi tàu đóng xong sổ đỏ sẽ được ngân hàng trả lại.

“Ngư dân bọn tui đâu có hiểu biết gì nhiều về những quy định của ngân hàng, nên nhân viên ngân hàng hướng dẫn sao thì tui làm vậy. Họ bảo tui nộp sổ đỏ, rồi ra phòng công chứng ký 1 hợp đồng thế chấp sổ đỏ cùng tài sản trên đất. Khi ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã gắn thêm vào quy định về tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất vào hợp đồng”, ngư dân Hạo trình bày.

Sau khi nghe ngóng, biết được Nghị định 67 của Chính phủ không có điều khoản nào quy định khi vay vốn đóng tàu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, cả 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh cùng đến Vietcombank Quy Nhơn để đòi lại sổ đỏ nhưng bị phía ngân hàng từ chối.

Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) vì không hoạt động được.

Đến kỳ hạn trả nợ gốc quý I/2017 (vào ngày 10/3/2017), ngư dân Trần Văn Hạo phải trả 295 triệu đồng, đây là tiền nợ gốc được trả nhiều đợt theo hợp đồng. Tuy nhiên, do tàu vỏ thép mới đóng xong mà đã bị hư hỏng liên tục, phải nằm bờ sửa chữa thời gian dài nên ngư dân Hạo không có tiền trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Vậy là toàn bộ số tiền vay 17,7 tỉ đồng đã bị ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn.

Để có tiền trả nợ 2 đợt (quý I và quý II/2017), ngư dân Trần Văn Hạo yêu cầu Vietcombank Quy Nhơn cho vay lưu động số tiền 600 triệu đồng, tài sản thế chấp là sổ đỏ đang bị ngân hàng giữ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank có công văn trả lời ông Hạo là Nghị định 67 không có nội dung nào cấm các ngân hàng thương mại nhận tài sản khác (ngoài tài sản hình thành từ vốn vay là con tàu) để đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng.

13-38-41_2
Tại một cuộc họp mới đây, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đứng) yêu cầu ngân hàng phải trả lại sổ đỏ cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67.

Tiếp theo, Vietcombank Quy Nhơn cũng trả lời rằng khi ký kết hợp đồng tín dụng với ngư dân Trần Văn Hạo là do hai bên tự nguyện, kể cả việc giao nộp sổ đỏ để thế chấp, đồng thời đề nghị ông Hạo phải trả hết số tiền nợ 481 triệu đồng trong quý I/2017 (295 triệu đồng nợ gốc và 186 triệu tiền lãi) mới xem xét cho vay lưu động như ông yêu cầu!

Nếu như không có cuộc họp mới diễn ra do UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến những chiếc tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đang bị hư hỏng, thì chuyện sổ đỏ của 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh đang bị “cột” ở ngân hàng khó có ai biết.

Tại cuộc họp này, ngư dân Trần Văn Hạo đã bức xúc trình bày số phận quyển sổ đỏ nhà ông đang phải nằm ở ngân hàng do ông vay tiền đóng tàu 67. Sau khi ngư dân Hạo phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, khẳng định việc ngân hàng bắt ngư dân thế chấp sổ đỏ khi vay vốn đóng tàu vỏ thép là sai, vì quy định của Nghị định 67 chỉ yêu cầu ngư dân thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tức là con tàu vỏ thép đóng mới. “Nếu không bị buộc thì không ai tự nhiên đem sổ đỏ nhà mình nộp cho ngân hàng cả. Nếu đã giữ sổ đỏ của ngư dân thì phải trả lại cho họ”, ông Trần Châu kiên quyết.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, ngành chức năng đã yêu cầu UBND TP Quy Nhơn báo cáo về việc Vietcombank Quy Nhơn giữ 2 sổ đỏ của ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67.

“Sau khi UBND TP Quy Nhơn có báo cáo, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ làm báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ra văn bản thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, đề nghị xử lý vụ việc này. Vietcombank Quy Nhơn cần phải sớm trả lại sổ đỏ cho ngư dân”, ông Hổ nói.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm