| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân khổ với nạn 'đầu nậu rởm' và ép giá

Thứ Hai 04/03/2019 , 15:15 (GMT+7)

Trong số gần 3.000 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ ở Bình Định, chẳng có mấy chiếc ký được hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua thủy sản.

Hầu hết các tàu cá muốn tiêu thụ sản phẩm phải thông qua trung gian là các đầu nậu. Chủ tàu nào gặp được đầu nậu làm ăn uy tín thì việc tiêu thụ “hanh thông”, chủ tàu nào gặp phải “đầu nậu rởm” thì sản phẩm của cả chuyến biển sẽ “không cánh mà bay”.
 

Ép giá

Ngư dân V.C.V, chủ của 2 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở P. Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định), tự cho mình là người may mắn vì hơn 10 năm qua ông gắn bó với một đầu nậu làm ăn uy tín. Việc tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến biển của ông không gặp trở ngại gì. Trong khi đó, các đồng nghiệp của ông thường xuyên gặp phải đầu nậu "rởm”, chuyên xù tiền mua cá của ngư dân, hoặc nhẹ hơn là gặp những đầu nậu vô tâm, móc nối ép giá mua đến mức thấp nhất.

1151411642
Đầu nậu thu mua cá ngừ sọc dưa tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định)

“Hầu hết các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định chẳng mấy ai kết nối được với các doanh nghiệp chuyên thu mua thủy sản trên địa bàn, nên chẳng thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp được. Việc tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến biển đều phải thông qua trung gian là các đầu nậu, những người chuyên thu mua thủy sản của ngư dân tại các cảng cá, sau đó đưa đi tiêu thụ theo kênh riêng, từ đó nảy sinh nhiều bất cập”, ông V. chia sẻ.

Tiền của công sức của cả chuyến biển sẽ bị bốc hơi khi bị chủ nậu xù tiền. “Tình trạng chủ nậu xù tiền mua cá của ngư dân xảy ra trong vài năm gần đây, khiến nhiều chủ tàu lâm cảnh khốn đốn. Phí tổn của chuyến biển cả trăm triệu đồng, rồi tiền chia cho các bạn thuyền. Dẫu tiền bán sản phẩm bị chủ nậu xù thì chủ tàu cũng phải trả tiền đi bạn, “cả chì lẫn chài” đều mất sạch hỏi ai không khốn đốn”, ngư dân V. bộc bạch.

Theo nhiều chủ tàu cá, đầu nậu "rởm” hầu hết là những chủ nậu mới ra nghề. Đối với những đầu nậu "rởm” này, tiền bạc thì họ có rất ít, nhưng lời ngon lẽ ngọt thì họ có rất nhiều. Khi tiếp cận với những chủ tàu cá đánh bắt xa bờ, họ đưa đẩy những lời lẽ ngọt ngào để tạo dựng lòng tin. Sau đó thuyết phục các chủ tàu bán sản phẩm nợ cho họ, sau khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ, bóng dáng họ cũng tan biến theo những lời nói ngon ngọt họ đã tuôn ra trước đó. Dẫu có nỗ lực tìm kiếm đến mấy thì những chủ nậu kia vẫn bặt vô âm tín. Họ lập tức biến khỏi các cảng cá và vĩnh viễn từ giã nghề… chủ nậu!

Một bất cập khác mà hầu như chủ tàu cá đánh bắt xa bờ nào cũng đã từng vấp phải là: Vì cần tiền sắm tổn cho những chuyến biển, chủ tàu phải nhận trước tiền của các chủ nậu, cam kết chỉ bán cho chủ nậu này, không được bán cho chủ nậu khác.

Tuy nhiên, các chủ tàu thường gặp bất lợi khi chủ nậu đã “nắm cán”, khi sản phẩm vào bờ họ thu mua với các giá thấp hơn giá mặt bằng trên thị trường của cùng loại sản phẩm. Các chủ tàu biết mình thua thiệt, nhưng cứ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
 

Bẫy tín dụng đen

Ngư dân nào muốn bứt ra khỏi vòng kim cô này thì phải chủ động được vốn để mua sắm nhiên liệu, đá lạnh, lương thực. Nhưng tiền vào nhà ngư dân như “gió vào nhà trống”, bởi mọi nguồn vốn đều đã được đầu tư vào con tàu có trị giá hàng chục tỷ đồng, thu nhập từ những chuyến biển trả nợ vay không kịp thì lấy đâu ra để tích lũy.

Có nhiều chủ tàu muốn thoát khỏi sự kiềm tỏa của các chủ nậu để sản phẩm của mình được bán đúng giá, nên tìm đến tín dụng đen. Họ biết tín dụng đen có lãi suất cao ngút trời, nhưng lại nghĩ khoản chênh lệch giá của hàng chục tấn cá mà chủ nậu ép giá có số tiền còn nhiều hơn, nên đành làm liều.

2151411951
Thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn

Một ngư dân xin được giấu tên cho biết, chung quanh các cảng cá và nhan nhản trên các đường phố có dán rất nhiều tờ quảng cáo cho vay với nội dung: “Cho vay trả góp, không thế chấp, không phụ phí, thủ tục đơn giản, vay trong ngày, cầm giấy tờ xe máy”, kèm theo đó là số điện thoại công khai để liên lạc.

Các dịch vụ này có phương thức giải ngân rất gọn gàng, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và đánh vào tâm lý những ngư dân đang cần gấp vốn sắm tổn cho chuyến biển nên nhiều người đã sập bẫy tín dụng đen. Một khi đã đã dính vào bẫy tín dụng đen thì coi như ngư dân lâm cảnh nợ nần khó thoát, vì số nợ ngày một tăng dần.

Có những trường hợp nhiều ngư dân muốn thoát đời đi bạn cho những tàu cá khác, sau khi dành dụm được ít vốn, liền đặt vấn đề với một chủ nậu lớn đề nghị đầu tư khoản tiền còn lại để đóng tàu và cam kết sẽ cung ứng sản phẩm cho chủ nậu này đến khi ngư dân thanh toán hết nợ nần. Thế là chủ tàu phải chịu cảnh lệ thuộc giá bán sản phẩm suốt thời gian dài. Bởi chủ nậu thì có muôn lý do để chê ỏng chê eo nhằm hạ giá mua sản phẩm. Gặp lúc tàu cập bến khoang đầy cá thì không sao, lúc biển đói, bán cá không đủ tiền bù tổn thì chủ tàu càng thêm khốn đốn.

Thậm chí những chủ tàu cá không dính dáng nợ nần với các chủ nậu cũng không thể thoát nạn bị ép giá khi các chủ nậu đã cấu kết với nhau. Một chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) bộc bạch: “Đau đầu nhất là xuất hiện tình trạng các thương lái cấu kết nhằm mục đích ép giá mua sản phẩm của ngư dân. Có trường hợp, khi tàu vào cập bến, có thương lái đến chào mua cá ngừ đại dương với giá gần 100.000 đồng/kg, nhưng chủ tàu liên hệ được với thương lái khác mua với giá cao hơn, do đó chủ tàu từ chối bán cho thương lái đến chào giá đầu tiên. Thế nhưng chủ tàu không ngờ giới thương lái cấu kết với nhau, thương lái này gọi cho thương lái kia cuộc điện thoại, thế là thương lái đồng ý mua giá cao hơn liền từ chối mua sản phẩm. Chủ tàu phải xuống nước nài nỉ người trả giá đầu tiên để bán sản phẩm, đến lúc này thương lái lại ép giá thấp hơn, nhiều khi họ ngâm dài ngày, chủ tàu sợ cá hư nên phải bán tháo”, chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn than thở.

“Đối với chuyện ngư dân phản ánh bị đầu nậu liên kết nhau để ép giá mua cá của ngư dân, cơ quan chức năng đang tìm hiểu xem thực hư thế nào. Nếu phát hiện có sự gian dối trong việc mua bán, cơ quan chức năng sẽ can thiệp ngay để giải quyết giành quyền lợi cho ngư dân”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, khẳng định.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm