| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân kiên trì bám ngư trường dù vắng cá

Thứ Năm 18/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Theo nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ, hiện các ngư trường Trường Sa và nhà dàn DK1- nơi “săn” cá ngừ đại dương bắt đầu ít dần cá. Đó là quy luật di chuyển của đàn cá ngừ theo con nước, từ nhiều năm qua.

Song không vì thế mà ngư dân ngừng bám biển, trái lại họ càng lao động hăng say để mong có ngày may mắn.
 

90% tàu cá đánh bắt thua lỗ, hòa vốn

Những ngày này, các tàu Khánh Hòa “săn” cá ngừ đại dương ở các ngư trường Trường Sa, nhà dàn DK1 đã trở về cập cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang. Đây là chuyến thứ 3 trong năm 2019 mà ngư dân miệt mài bám biển không ngừng nghỉ. Trong đó 2 chuyến đầu năm, hầu hết các tàu đều đánh bắt đạt trung bình từ 35-40 con cá ngừ (tương đương 1,2-1,5 tấn), thậm chí có tàu đánh bắt 60-70 con (trên 2 tấn). Sau khi trừ chi phí, các chủ tàu và ngư dân đều thu nhập khá.

16-46-15_2
Chuyến biển này sản lượng đánh bắt cá ngừ của các tàu sụt giảm

Tuy nhiên đến chuyến thứ 3- đó là chuyến biển cập cảng từ ngày 13/4 đến nay, các tàu trở về với sản lượng cá ngừ đánh bắt được đều sụt giảm khá rõ. Ông Đỗ Trung Hiếu, Trưởng BQL cảng cá Hòn Rớ xác nhận và cho biết, đến nay đã có gần 200 tàu đánh bắt cá ngừ cập cảng. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được 20-30 con, tương đương từ 5-7 tạ cho đến 1 tấn, giảm gần nửa so với các tháng trước.

Vừa cập cảng sáng này 17/4, ngư dân Huỳnh Tiên Minh, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu KH 90297 TS ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) cho biết, sau hơn 20 ngày bám biển tàu anh may mắn hơn nhiều tàu khác khi đánh bắt được 30 con, khoảng 1 tấn cá. Với giá cá hiện nay 115 nghìn đồng/kg, giảm 15 nghìn đồng/kg so với tháng trước, sau khi trừ chi phí tàu anh chỉ huề vốn, chứ không có lãi.

Còn ngư dân Võ Quốc Bảo, thuyền trưởng tàu KH 92468 TS, ở Hòn Rớ cũng vừa cập cảng sáng nay, nhưng tàu anh chỉ đánh được 20 con cá ngừ, khoảng 7 tạ, sau khi trừ chi phí lỗ vài chục triệu.

16-46-15_1
Thương lái thu mua cá ngừ

“Chuyến biển này ai cũng vậy thôi. Khoảng 90% tàu đánh bắt cá ngừ trở về thua lỗ hoặc huề vốn. Nguyên nhân là sản lượng cá ngừ đánh bắt giảm sút. Đó cũng là quy luật di chuyển của đàn cá ngừ theo con nước từ nhiều năm qua.

Nghĩa là mùa chính đánh bắt cá ngừ từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Trong đó, các tháng giáp tết và tháng Giêng, tháng hai (âm lịch) các ngư trường Trường Sa và nhà dàn DK1, cá ngừ di chuyển rất nhiều nên năng suất khai thác cao nhất trong năm và cá ngừ cũng có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên từ các tháng này trở đi, cá ngừ bắt đầu dịch chuyển dần về phía Nam và Đông Nam, nên ngư trường thưa dần”, anh Bảo chia sẻ.
 

Kiên quyết không đánh bắt bất hợp pháp

Đó là khẳng định các ngư dân Khánh Hòa khi ngư trường đánh bắt cá ngư bắt đầu vắng dần đàn cá di chuyển trên ngư trường họ vốn gắn bó.

Theo anh Huỳnh Tiên Minh, hầu hết ngư dân trong nghề đánh bắt cá ngừ ai cũng biết việc này. Họ cũng chấp nhận, nghề biển đôi lúc cũng hên xui, chuyến được, chuyến mất. Song không vì biển đói mà ngư dân ngừng bám biển, họ vẫn bám biển mong may mắn chở khoang thuyền nặng cá.

16-46-15_4
Ngư dân Huỳnh Tiên Minh

“Nghề biển đã nuôi gia đình chúng tôi nhiều năm qua. Đây là nghề cha truyền con nối. Chúng tôi không chỉ mưu sinh mà còn giữ gìn biển đảo cho Tổ quốc. Vì vậy, nhiều năm qua không có chuyến biển nào mà ngư dân chúng tôi ngừng đi biển dù biển đói, trừ khi ảnh hưởng bão gió hay có công chuyện gia đình quan trọng mới dừng một chuyến”, anh Minh bộc bạch.

Còn ngư dân Võ Quốc Bảo cho biết, tàu anh có 6 thuyền viên. Hai chuyến biển trước tàu đánh bắt có lãi, nên các thuyền viên được chia trung bình từ 7-8 triệu/chuyến. Tuy nhiên chuyến này thua lỗ, nhưng chủ tàu vẫn hỗ trợ cho các thuyền viên mỗi người vài triệu bạc để chi phí tiền cà phê, thuốc lá... Mục đích nhằm giúp các thuyền viên gắn bó với chủ tàu và yên tâm bám biển.

Cũng theo các ngư dân, sau chuyến biển này, các tàu đánh bắt xa bờ sẽ tiếp tục bám biển trong những ngày tới, sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết cho chuyến biển dài ngày. Được biết, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.300 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó khoảng 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ.

16-46-15_5
Ngư dân Võ Quốc Bảo (bên trái ảnh)
Phần lớn các loài cá ngừ đại dương thích sống ở những vùng nước ấm và di cư theo quy luật nhất định, nên ngư trường đánh bắt của ngư dân phải liên tục thay đổi. Việc di chuyển của các đàn cá phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và khí hậu. Hiện nay nhiều ngư dân cũng đã áp dụng KHKT trong khai thác nên việc phát hiện đàn cá, tổ chức đánh bắt cũng hiệu quả hơn so với trước đây.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.