| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân trẻ kiên cường bám biển

Thứ Hai 19/11/2018 , 09:45 (GMT+7)

Nghề biển thường là cha truyền con nối. Cũng như các ngư dân làng biển khác, ngày nay ngư dân trẻ ở Nam Trung bộ rất kiên cường bám biển. Với họ, biển đảo không chỉ là nhà, là máu thịt, mà còn là mưu sinh.

Làm giàu từ biển

Ngư dân Lương Công Đồng và Lương Công Đông là 2 anh em sinh đôi ở làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Năm nay họ tròn 35 tuổi nhưng có thâm niên 20 năm bám biển và được nhiều người biết đến.

16-10-29_b
Ngư dân Lương Công Đồng

Không chỉ kiên trì bám biển, tay nghề đánh bắt cá giỏi, mà hai anh còn là những tỉ phú vững vàng. Hiện mỗi anh đều sở hữu riêng 1 chiếc tàu công suất 400CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng, cùng với ngôi nhà tầng khang trang mà ai cũng ao ước.

Nhớ lại những ngày còn thơ bé, ngư dân Lương Công Đồng bảo: Trước đây, gia đình anh rất khó khăn. 7 người trong gia đình “chui ra chui vào” trong căn nhà tôn, vách ván chắp nối chật chội. Để mưu sinh, hằng ngày ba anh bơi sõng ra biển, thả lưới bắt cá đem bán đổi gạo.

Là anh cả của gia đình nên mới lên 6 tuổi, anh đã phụ ba gỡ lưới, đưa cá ra chợ bán. Năm anh 12 tuổi một cơn lốc cơn lốc bất ngờ đã nhấn chìm cả ba anh và chiếc sõng ngoài biển khơi. Từ đó anh cùng em Đông trở thành lao động chính trong nhà và kế nghiệp cha với nghề thả câu, kéo lưới.

Rồi sau 3 mùa biển, nghề câu cá ngừ đại dương du nhập về địa phương. Cũng như nhiều ngư dân trẻ trong làng, anh em Đồng đi bạn cho các tàu xa bờ. Từ đó các anh đã trở thành những lao động biển giỏi và kiên cường.

“Chắc nghiệp biển đã chọn 2 anh em tôi hay sao ấy. Nên mới bước chân vào nghề, chúng tôi thích ứng rất nhanh, chịu được sóng gió. Càng đi biển chúng tôi càng làm việc hăng say và khỏe ra, được các chủ tàu hài lòng”, ngư dân Đồng bộc bạch.

16-10-29_
Ngư dân trẻ ở Nam Trung bộ ngày càng mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để bám biển khơi xa

Sau một thời gian đi biển, nhờ tích góp được vốn liếng và kinh nghiệm đánh bắt trên ngư trường, anh em Đồng bắt đầu rẽ lối khi mạnh dạn đóng tàu riêng để khởi nghiệp. “Chiếc tàu đầu tiên chúng tôi đóng có công suất 90CV, trị giá 400 triệu đồng. Vốn một phần anh em đi biển tích góp được, một phần vay mượn bà con dòng họ. Và, nhờ con tàu này đã giúp gia đình đánh bắt thủy sản ngày càng khấm khá và đổi đời”, ngư dân Đồng chia sẻ.
 

Chinh phục biển lớn

Các lão ngư dân cho biết, ngư dân bây giờ đều vươn khơi xa. Trình độ khai thác thủy sản của họ cũng nâng lên cao hơn trước đây. Vì vậy, họ biết con cá ngừ thích ăn con mồi nào, cắn câu ở độ sâu bao nhiêu hay nhìn luồng cá chạy, cách nhìn trời, nhìn mặt biển để dự đoán gió, mưa…

Ngày nay, ngư dân ở các làng biển Nam Trung bộ càng kiên cường bám biển. Điều này thể hiện khát vọng chinh phục ngư trường xa bờ và làm giàu từ biển luôn thôi thúc họ đóng những con tàu hiện đại để vươn khơi.

Ngư dân Huỳnh Tấn Anh, 42 tuổi ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) là một điển hình như thế. Trước đây ngư dân Anh đi tàu gỗ nhỏ bé, công suất chỉ 250CV nên việc chinh phục ngư trường còn hạn chế. Các thuyền viên đi tàu rất sợ bị phá nước khi đương đầu sóng lớn.

Tuy nhiên từ năm 2017 nhờ chính sách đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, anh đã sở hữu được tàu mơ ước bằng vật liệu vỏ composite nên việc bám biển diễn ra thường xuyên. Các thuyền viên rất hăng hái và yên tâm ra khơi.

Theo ngư dân Anh, tàu chiều dài 24m, rộng 6,5m, công suất 830CV, hoạt động nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, với tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng. Hệ thống thiết bị trên tàu phục khai thác khá hiện đại, bao gồm: máy dò cá góc quét 360 độ, máy dò ngang, máy dò đứng, ra đa tầm quét 72 hải lý và máy thông tin liên lạc tầm gần, tầm xa.

Đặc biệt, tàu còn sở hữu máy dò cá (Model KCS-3221Z, của hãng Kaiso, Nhật), giá trị 4,8 tỷ đồng. Đây là loại máy do hiện đại được mệnh danh là “siêu chụp”, với bán kính quét rộng từ 1.500 - 2.000m. 

16-10-29_d
Biển đã cho ngư dân ấm no nhờ khai thác thủy sản

“Nhờ máy dò cá này mà tàu tôi phát huy hiệu quả, phát hiện đàn cá và tổ chức vây bắt thành công tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa...Từ đó thu nhập từ các chuyến biển của gia đình cũng tăng lên”, ngư dân Anh khẳng định.

Tương tự, ngư dân Trần Ngọc Đông, 47 tuổi, ở phường Xương Huân, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng từ chính sách 67 đã giúp anh đóng thêm chiếc tàu composite KH 93645 TS, công suất 800CV, trị giá 12 tỷ đồng, để chinh phục biển khơi. Anh Đông cho biết, việc đóng tàu không chỉ mưu sinh, mà còn vun đắp, gìn giữ biển đảo ông cha để lại. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân với biển trời quê hương.

Ông Nguyễn Văn Lễ, Trưởng khu phố Đông Tác (TP Tuy Hòa) cho biết, 10 năm qua làng Đông Tác đã đóng mới hơn 250 con tàu đánh bắt xa bờ, công suất trên 90 mã lực. Đây là dấu mốc sự chuyển giao nghiệp biển, mở đầu công cuộc “vươn ra biển lớn” của ngư dân trẻ.

Hơn 200 ngư dân trẻ của làng biển Đông tác đã trở thành thuyền trưởng, cầm lái những con tàu công suất lớn, vươn khơi, bám biển dài ngày làm ăn. Cứ đầu mùa mở biển, họ cho tàu dong thẳng lên 16, 17 độ trên ngư trường Hoàng Sa, cuối mùa lại lui xuống 11 độ, 9 độ ở Trường Sa.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất