| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân “trông gió, ngó cát”

Thứ Sáu 05/08/2011 , 08:46 (GMT+7)

Chỉ biết “ăn không ngồi rồi” do không có đất sản xuất, cơ sở hạ tầng “thiếu đầu hụt đuôi”, con em không có trường mầm non học tập. Đó là thực trạng của các hộ dân về khu tái định cư xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế.

Ông Lê Công Yêm cho bên cạnh bao thóc ít ỏi từ diện tích bốn sào ruộng, đây là diện tích đất sản xuất duy nhất của gia đình ông

Chỉ biết “ăn không ngồi rồi” do không có đất sản xuất, cơ sở hạ tầng “thiếu đầu hụt đuôi”, con em không có trường mầm non học tập. Đó là thực trạng của các hộ dân về khu tái định cư xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế.

Xóm ăn không ngồi rồi

Có một điều kì lạ khi đặt chân đến khu tái cư xã Lộc Vĩnh là trông diện mạo bên ngoài ai cũng nghĩ rằng đời sống của người dân đổi thay, khấm khá hơn nhiều. Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài hào nhoáng đó, cuộc sống của người dân ở đây rất bi đát.

Không khó để tiếp cận các hộ dân bởi nhà nào cũng đông đúc suốt ngày do “không biết làm gì”. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà khang trang của ông Lê Công Yêm (SN 1958) khi ông Yêm đang vật vờ ngồi hút thuốc và nhìn xa xăm về đồi cát trước nhà. Chưa kịp hỏi, ông Yêm vội thanh minh: “Nhà cửa ở đây khang trang vậy nhưng nhà nào cũng khó khăn cả chú ơi, không biết làm chi ra tiền”.

Với vẻ mặt não nề, người đàn ông này kể về cảnh ngộ gia đình: “Nhà tui từ thôn Cảnh Dương di dời về đây theo diện giải tỏa phục vụ xây dựng công trình tuyến đường thuộc khu phi thuế quan đã bốn năm nay. Về đây thì thoáng mát, tiện đường giao thông hơn nhiều, chỉ khổ nỗi là không biết làm gì để mà ăn, nuôi con lợn con gà cũng không có chỗ”. Ông cho hay, gia đình được bồi thường tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng giờ “không còn đồng nào”. Tiền mua đất mới là 26 triệu đồng/lô, mất thêm hơn hai trăm triệu để xây nhà. "Ăn dần ăn mòn giờ không còn đồng nào chú ơi, bảy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào bốn sào ruộng nước” - ông Yêm bộc bạch. 

Chỉ cho chúng tôi những dụng cụ đi biển ở góc nhà, vợ ông Yêm cho hay trước đây phần lớn ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ, nhưng nay do chuyển về nơi ở mới nên phải bỏ nghề do khoảng cách ra biển quá xa. Bà Bùi Thị Thông, vợ ông Yêm nói thêm: “Ăn rồi chỉ biết ngồi không thế này chứ làm chi mô chú. Muốn nuôi con lợn, con vịt cũng không có chỗ nuôi, nắng nóng chúng bỏng chân chết cả. Muốn ăn củ khoai củ sắn phải bỏ tiền ra chợ mua về”, bà đưa tay phủi phủi những hạt cát theo gió bám lên tay.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Trần Chiến và chị Trần Thị Nở có cơ ngơi khá khang trang nhưng như lời anh chị nói thì “nhận tiền đền bù hơn 150 triệu, xây nhà xong chỉ còn mấy triệu để ăn, bây giờ ai thuê gì làm đó kiếm sống qua bữa, cả năm không dành dụm được đồng nào”. Anh Chiến tỏ ra nuối tiếc: “Ở làng cũ (xóm Liên Gia 10, thôn Bình An 2) tuy đi lại khó khăn nhưng nuôi được con lợn, trồng được củ khoai. Mỗi năm đi biển cũng dư thừa chút đỉnh lo cho con cái học hành. Từ ngày lên đây cả nhà ăn chơi, thuyền bè lâu ngày không dùng đành bán rẻ”.

Cụ Võ Thị Bê 72 tuổi thấy có người lạ cũng sang góp chuyện. Cụ kể gia đình có 9 khẩu, sau khi nhận tiền đền bù hơn 400 triệu để nhường đất xây dựng cảng biển, cụ phải tằn tiện chi tiêu mua thêm lô đất cho đứa con cả lập gia đình. Xây nhà mới xong khoản tiền 400 triệu chỉ còn vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng. Không có việc làm, 7 đứa con cụ vốn quen nghề biển phải tha phương vào Nam kiếm sống. Bế đứa cháu nội chưa đầy 2 tuổi trên tay, cụ rầu rĩ: “Bố nó đi Nam, mẹ nó đi làm thuê trên thị trấn, tối mới về. Dân làng chúng tôi quen với nghề biển bao đời, bây giờ bỏ thuyền, bỏ lưới không biết lấy chi mà ăn”.

Hạ tầng thiếu trước hụt sau

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu tái định cư Lộc Vĩnh hiện không có trường mầm non, chợ búa mặc dù trước đó theo quy hoạch các công trình này có tên trên giấy tờ quy hoạch. Theo phản ánh của người dân, hiện rất nhiều con em đến tuổi mầm non nhưng do không có trường nên các em phải ở nhà cùng bố mẹ.

Chị Nguyễn Thị Hưởng, chuyển đến từ thôn Cù Dù bức xúc: “Cháu nhà tôi đến tuổi học mầm non nhưng phải đi hơn 7km mới có trường nên cháu đành ở nhà do không có ai đưa đón”. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thừa nhận: “Trong quy hoạch xây dựng khu tái định cư, chủ đầu tư có quy hoạch xây dựng trường tiểu học, trường mầm non, khu chợ và một cảng cá nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai làm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa có hồi đáp”.

Ông Bùi Ngọc Ga cho biết trên địa bàn toàn xã hiện có 27 dự án đăng kí đầu tư với tổng quỹ đất lên tới 760 hecta. Để phục vụ các dự án này xã phải thu hồi 170 hecta đất nông nghiệp, trên 1.000 hộ dân phải di dời. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 11/27 dự án được triển khai xây dựng và có tính khả thi.

Ông Bùi Ngọc Ga cũng cho biết thêm dự án xây dựng khu tái định cư Lộc Vĩnh có tổng diện tích 35 hecta, dự kiến có khoảng 35.000 người dân sinh sống, chủ yếu là các hộ dân ở hai xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh di dời phục vụ xây dựng một số dự án như: mở rộng lạch Giang, xây dựng tuyến đường phi thuế quan, mở rộng cảng vụ Chân Mây, xây dựng khu du lịch sinh thái Laguna…..

Về hướng giải quyết khó khăn cho các hộ dân ở khu tái định cư, ông Ga cho hay xã đã kết hợp với Sở LĐ-TB-XH TT- Huế, Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh mở các lớp đào tạo kĩ thuật chăn nuôi, điện dân dụng và đào tạo nghề phục vụ nhà hàng nhằm giúp người dân có công việc ổn định. Tuy nhiên ông Ga cũng thừa nhận hiệu quả, chất lượng những lớp học này chưa cao: “Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên cho phép người dân trong khu tái định cư được phép kinh doanh nhỏ lẻ, phát triển dịch vụ trên đất dự án nhưng chưa triển khai xây dựng với điều kiện khi dự án triển khai các hộ này phải đồng ý tự nguyện tháo dỡ”, ông Ga đề xuất.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm