| Hotline: 0983.970.780

Ngư tặc hoành hành vùng bãi ngang

Thứ Hai 19/05/2014 , 10:17 (GMT+7)

Hàng nghìn ngư dân nuôi trồng và khai thác trên vùng đầm phá, biển bãi ngang của tỉnh TT- Huế, chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, bởi tình trạng phá phách của “ngư tặc”.

Trong khi đó, việc quản lý, ngăn chặn còn gặp nhiều khó khăn…

Thiệt hại tiền tỷ

Tại địa phương Phú Diên (huyện Phú Vang), nghề nuôi cá lồng và đánh bắt gần bờ giải quyết hàng nghìn lao động, là nguồn sinh kế chính của ngư dân nơi đây.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng các “ngư tặc” ở các vùng đầm phá Phú An, Phú Mậu và TP. Huế về vùng biển ở các thôn Kế Sung Thượng, Thanh Mỹ, sử dụng thiết bị hỗ trợ lặn sâu xuống biển để cắt lồng cá, dùng thuyền “áp tải” để trộm cá diễn ra khá phổ biến, làm nhiều hộ dân nuôi trồng khốn đốn. Chỉ tinh riêng trong những tháng đầu năm 2014 đã có gần chục lồng cá bị đánh cắp, làm bà con không yên tâm nuôi trồng trên biển.

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, các đối tượng trộm lồng cá thường rất tinh vi, có sự hỗ trợ của thiết bị lặn, cách xa khu vực nuôi cả 100m vẫn lặn tới cắt lồng cá, ngang nhiên dùng thuyền kéo về.

Theo tính toán của ngư dân, bình quân mỗi lồng cá hồng, mú, ban đầu đầu tư nuôi có giá chừng 10 triệu đ, nhưng khi cá lớn thì số tiền lên tới mấy chục triệu đ. Thời điểm tháng 5-6 là cá đủ lớn cũng là “mùa” ngư tặc hoành hành cướp phá. Không chỉ trộm cướp, nhiều ngư tặc còn tự tiện xông vào lồng, xẻ lưới dùng xung điện vơ vét cá, làm cá thoát ra ngoài gây thiệt hại vô cùng lớn.

Thiệt hại lớn nhất cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển bãi ngang là tình trạng sử dụng phương tiện đánh bắt giã cào của các tàu thuyền ngoại tỉnh TT- Huế. Ông Nguyễn Văn Thanh, một ngư dân ở thôn Phương Diên (xã Phú Diên) bức xúc: “Tàu giã cào đến từ các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…, ngang nhiên đi mỗi lần 8-10 chiếc, quần thảo trên vùng biển các xã bãi ngang, thường cách bờ vài hải lý, có khi chúng vào bờ cách vài trăm mét. Đánh bắt bằng giã cào không chỉ hủy diệt môi sinh trên biển, làm tuyệt diệt tôm cá mà còn làm vướng lưới, hư hỏng và mất mát hàng trăm ngư lưới cụ của ngư dân đang thả đánh bắt trên biển gần bờ”.

Toàn xã Phú Diên có 3 thôn chuyên khai thác thủy hải sản trên vùng biển bãi ngang gồm Mỹ Khánh, Phương Diên, Diên Lộc với 980 hộ dân, giải quyết lao động thường xuyên cho gần 2.200 lao động. Thế nhưng, từ khi tàu giã cào xuất hiện đã làm hàng trăm hộ dân này rơi vào cảnh khó khăn.

Ông Hồ Bảy, một hộ dân ở thôn Phương Diên, vừa bị tàu giã cào “cào” mất lưới lo lắng: “Cứ mỗi phao trà, lưới màn, lưới mó, vàng lưới chúng tôi đầu tư từ 5 đến 50 triệu đ. Chỉ cần tàu giã cào đi qua, hên lắm thì lưới bị rách bươm, còn xui thì lưới bị kéo ra ngoài vùng biển rồi bị lấy mất. Gần đây nhất, tàu ngư dân đã phát hiện một vàng lưới (giá khoảng 50 triệu) bị tàu của Quảng Nam kéo đi nhưng không truy đuổi kịp nên đành chịu”.

Mỗi ngư lưới cụ của ngư dân đầu tư là cả một tài sản lớn. Theo thống kê của UBND xã Phú Diên, toàn xã có 50 hộ dân chuyên đặt phao trà, lừ và các loại lưới trên vùng biển địa phương, thì chỉ trong năm 2013-2014 có 40 hộ dân bị thiệt hại, mất ngư lưới cụ do tàu giã cào phá nát, thiệt hại gần cả tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên cho biết,  trước đây, thuyền giã cào chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng thời gian gần đây dày đặc hơn và đi thành từng tốp, hoạt động suốt ngày trên biển. Nếu tình trạng này kéo dài thì cá tôm sẽ tiệt diệt mất.

Tại xã Vinh Thanh, ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Từ năm 2013 đến đầu năm 2014, tàu giã cào đã gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng (riêng năm 2013 là 500 triệu), về ngư lưới cụ của ngư dân trên địa bàn xã. Cũng trong năm 2013, địa phương đã kết hợp với Chi hội nghề cá Vinh Thanh, Đồn biên phòng Vinh Xuân, Vinh Hiền tiến hành bắt giữ 10 cặp thuyền giã cào, xử phạt hành chính 85 triệu đồng.”

Khó xử lý

Ở vùng biển của các địa phương khác như Phú Lộc, Phong Điền…tình trạng tàu thuyền giã cào công suất lớn quần thảo, ngang nhiên khai thác ở vùng biển gần bờ cũng diễn ra liên tục, công khai. Việc quản lý các tàu này không hiệu quả đã đẩy hàng chục nghìn ngư dân đến chỗ
khó khăn sinh kế.

Ở các địa phương như Vinh Thanh, Phú Diên, Phú Thuận (huyện Phú Vang), nhiều lần phát hiện thuyền giã cào, người dân báo lên chính quyền, đồn biên phòng nhưng do thiếu chế tài, trang thiết bị nên chỉ tuyên truyền, đẩy đuổi là chính nên tình trạng giã cào hoạt động vẫn không thuyên giảm.

Ông Nguyễn Văn Thuận, công an viên thôn Phương Diên (xã Phú Diên) cho biết: “Trong thời gian qua, tôi là người nhiều lần tham gia cùng chính quyền địa phương, đồn biên phòng thuê thuyền ngư dân ra để vận động, xua đuổi họ đi ra xa khỏi vùng biển để không làm thiệt hại lưới cụ của ngư dân. Đa số các tàu đều chấp hành, chỉ có một bố phận chống đối, nhưng khi quay tàu vào thì đâu lại vào đấy. Lợi nhuận lớn đã làm các tàu giã cào này bất chấp tất cả”. 

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó chủ tịch UBND xã Phú Diên thừa nhận: “Cái khó trong việc quản lý tàu giã cào là tình trạng thiếu phương tiện ở địa phương. Khi phát hiện tàu ngoại tỉnh, chúng tôi thuê thuyền ngư dân, chủ yếu thuyền nhỏ, không có công cụ hỗ trợ. Trong khi tàu giã cào đa số thuyền công suất lớn. Việc kiểm soát cũng khó khăn do các tàu này hoạt động trên biển, khi chúng tôi nhắc nhở, quay vào bờ thì họ lại quay trở lại khai thác”.

Ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết: “Địa phương có 85 thuyền bãi ngang công suất từ 20-24CV, khai thác đánh bắt gần bờ, thường xuyên bị thiệt hại ngư lưới cụ do tàu giã cào ngoại tỉnh. Khi bà con kêu, mình cũng chỉ biết vận động tuyên truyền các tàu giã cào mà thôi. Số lượng tàu giã cào bắt được và tiến hành xử phạt rất ít ỏi. Qua nhiều cuộc họp chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với các ngành chức năng cấp trên nhưng tình trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để.”

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất