| Hotline: 0983.970.780

Người "ăn ngủ" với thú

Thứ Tư 15/02/2012 , 10:47 (GMT+7)

Ở Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM) có những người đang ngày đêm “ăn ngủ” với những con thú rừng hoang dã.

Chăm sóc vết thương cho con vượn đen má hung

Ở Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM) có những người đang ngày đêm “ăn ngủ” với những con thú rừng hoang dã. Ở đó, từ năm 2006 đến nay, đã có hàng ngàn con thú các loại được cứu chữa.

Gần thì... hôi, xa thì nhớ

Bước qua cánh cổng được ghép từ những cây tầm vông của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TTCHĐVHD), tôi như lạc vào một khu rừng nguyên sinh ở một nơi nào đó xa con người lắm. Dẫn tôi vào căn phòng làm việc đơn sơ của mình, anh Lê Xuân Lâm, Giám đốc TTCHĐVHD, cười: “Ai đến đây lần đầu cũng phải nhăn mặt, bịt mũi vì mùi các loại thú tiết ra. Hoặc phải bịt tai mỗi khi mấy con vượn đồng thanh cất tiếng hót lảnh lót. Nhưng với anh em làm công tác cứu hộ ở đây thì đã quá quen rồi, chỉ cần xa Trung tâm 2 ngày thôi là ăn không ngon ngủ không yên vì nhớ thú, nhớ cái mùi quen thuộc này. Tôi ăn ngủ tại đây, mỗi tuần về thăm vợ con 1 lần. Lần nào cũng thế, vừa về đến nhà là vợ tôi lôi tuột vào... nhà tắm”. 

Anh Lâm là người đầu tiên có mặt ở đây khi Trung tâm ra đời. Suốt từng ấy năm, hầu hết thời gian anh dành cho những con thú. Chính vì vậy, chỉ nghe âm thanh, nhìn cử chỉ, ánh mắt của chúng, anh biết ngay sức khỏe chúng ra sao, chúng vui hay buồn. Mỗi con thú mới về, chỉ sau vài ngày theo sát để chăm sóc, anh đã có ngay một bản ghi chép đầy đủ về con thú này và phổ biến cho mọi người.

Mặc dù diện tích Trung tâm chỉ rộng 4.000m2 và có đến hơn 30 loài thú đang sinh sống, nhưng mỗi loài vẫn có không gian sống riêng phù hợp với tập tính, bản năng của chúng. Đặc biệt, tất cả thú đều rất sạch sẽ. Điều đó cho thấy, những người thiết kế khu ăn ở và chăm sóc thú ở đây ngoài sự am hiểu về các loài thú, họ còn làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Thong thả dạo bước dưới tán cây xum xuê, anh Lâm tâm sự: "Đây là một công việc chẳng giống ai, không ít nguy hiểm rình rập khi ngày đêm tiếp xúc với thú dữ, rắn độc. Nếu không có đam mê thì không thể làm việc trong môi trường này được. Bởi vì, đã bước chân vào đây phải chấp nhận thiệt thòi, như phải sống xa gia đình, từ bỏ những thú vui hàng ngày như nhậu nhẹt, thuốc lá hay bù khú bạn bè. Cũng may tôi có một người vợ “giỏi việc công, đảm việc tư”, vừa đi dạy học vừa lo chăm sóc 2 đứa con nhỏ và sẵn sàng chia sẻ với chồng. Chứ anh thấy, thu nhập chỉ đủ nuôi thân, lại ở lỳ cả tháng mới về một lần, nếu không có “hậu phương” tốt, làm sao yên tâm mà làm”.

Chỉ tuyển người có lòng nhân hậu

Tôi hỏi: "Muốn vào Trung tâm làm việc, cần những điều kiện gì?". Giám đốc Lê Xuân Lâm đáp: "Nhân hậu, có tình yêu thiên nhiên, yêu các loài thú. Đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Ngoài ra, phải có kiến thức về thú. Công việc này rất cần tính cẩn thận, tỷ mỉ và không cho phép sai sót, bởi tiếp xúc với thú dữ, nếu sai sót sẽ không có cơ hội để hối hận, sửa sai. Một chuyên gia về chăm sóc thú người Mỹ nói với tôi: Con thú không thể tự làm vệ sinh, cho nên nhà anh ở có thể dơ chứ chuồng thú thì phải sạch. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của anh trong công việc”.

Lúc quay trở lại khu vực văn phòng, tôi chứng kiến cảnh bác sĩ thú y Nguyễn Phi Vân và nhân viên Lê Thanh Bình đang nhẹ nhàng nhỏ từng giọt cồn và thuốc sát trùng vào vết thương cho con vượn đen má hung. Nhìn động tác, nét mặt của họ, tôi có cảm giác như họ đang chăm sóc cho một người thân chứ không phải một con thú rừng.

Bác sĩ Vân cho biết con vượn này được một người dân giao nộp cách đây 1 tuần. Lúc mới về, vết thương ở chân do dây thòng lọng thép siết chặt và quá lâu nên đang bị hoại tử, nhiễm trùng nặng, sức khỏe của nó cũng vì thế mà rất kém. Nhưng nay thì vết thương đang lành dần.

"Năm ngoái chúng tôi tiếp nhận một con gấu chó từ Kiểm lâm TP HCM trong tình trạng nguy kịch do bỏ ăn nhiều ngày. Anh em trong đội cứu hộ ai thấy cũng xót xa nên thay phiên nhau ban đêm túc trực, ăn, ngủ ngay cạnh chuồng gấu, ngày đưa gấu ra vườn dạo chơi, tập quen dần cuộc sống hoang dã. Gần một năm sau, con gấu mới dần trở lại bình thường. Mỗi khi thấy thú bị thương nặng và không qua được, chúng tôi rất đau lòng. Không có hạnh phúc nào lớn hơn khi nhìn thấy con thú do mình chăm sóc ngày một khỏe mạnh hơn”, bác sĩ Nguyễn Phi Vân kể.

TTCHĐVHD Củ Chi ra đời từ năm 2006 do Chi cục Kiểm lâm TPHCM quản lý, Tổ chức phi chính phủ Wildlife At Risk (WAR) của Mỹ tài trợ. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 9 người (và 3 cán bộ kiểm lâm chịu trách nhiệm về pháp lý). Vậy nhưng họ đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.

Đến nay đã có gần 3.000 cá thể động vật hoang dã, trong đó có những loài quý hiếm thuộc nhóm 1B, nằm trong sách đỏ, nguy cơ tuyệt chủng cao như gấu chó, gấu ngựa, mèo rừng, voọc chà vá, vượn má hung, ó biển, chim cao cát, cu li, rắn hổ chúa… được cứu hộ thành công. Gần 2.000 cá thể trong số này đã được trở về môi trường tự nhiên.

Còn anh Trần Anh Tú, nhân viên chăm sóc thú, thì ngậm ngùi kể: "Tôi nhớ một lần, Hạt Kiểm lâm Diên Khánh (Khánh Hòa) gọi điện cho chúng tôi báo tin có một con voọc chà vá chân đen đang bị thương rất nặng, cần cứu hộ. Được tin, chúng tôi tức tốc thuê xe đi. Nhưng ra đến nơi thì con voọc đang hấp hối, không cứu kịp. Con voọc này mới hơn 3 tháng tuổi, còn đang bú. Có lẽ nó chết vì ăn quá nhiều chuối. Chặng đường quay về hơn 400 cây số trở nên quá dài khi mọi người ngồi cạnh nhau trên xe mà không ai nói với ai lời nào. Nguyên nhân chúng tôi không cứu được con voọc này một phần cũng do Trung tâm chưa có xe nên không chủ động được thời gian”.

Tháng 11/2008, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long đã giải cứu một con báo hoa mai từ những kẻ săn bắt trái và chuyển lên Trung tâm trong tình trạng sức khỏe rất kém. Sau 5 năm bị nuôi nhốt, con báo gần như không còn khả năng hoang dã, tự sinh tồn. Đây là con báo hoa mai Châu Á, một trong những loài thú thuộc họ mèo hiếm nhất ở Việt Nam và có nguy cơ tuyệt chủng. Sau hơn 2 năm được Trung tâm cứu hộ, “nàng” báo này đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Vừa qua, “nàng” đã được bàn giao an toàn cho VQG Cát Tiên (Lâm Đồng). Con báo này sẽ được nuôi tại khu bán hoang dã của VQG Cát Tiên một thời gian trước khi thực sự trở về với thiên nhiên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất