| Hotline: 0983.970.780

Người bắn tỉa số 1

Thứ Năm 26/04/2012 , 10:54 (GMT+7)

Ở Quảng Trị thời chống Mỹ cứu nước có câu nói cửa miệng ca ngợi hai người gan dạ, dũng cảm: “Nhất Kỳ, nhì Hai”. Người bắn tỉa số 1 chính là ông nhì Hai, tức Trương Đức Hai.

Hiện các cấp đã trình hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Trương Đức Hai, quê ở xã Trung Hải, một xã ngay bờ Nam sông Bến Hải, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nhằm tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nơi nào ác liệt ở đó có Trương Đức Hai

Ở Quảng Trị thời chống Mỹ cứu nước có câu nói cửa miệng ca ngợi hai người gan dạ, dũng cảm: “Nhất Kỳ, nhì Hai”. "Nhất Kỳ" tức là ông Nguyễn Minh Kỳ, sau này làm Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, được giặc Mỹ gọi là "hùm xám đường 9", còn "nhì Hai" tức là ông Trương Đức Hai, được mệnh danh là người bắn tỉa số một.

Quân khu 4 tỏ ra bất ngờ khi nhận được hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Trương Đức Hai từ tỉnh Quảng Trị gửi ra. Và Quân khu đã đề nghị chính quyền huyện Gio Linh, quê hương ông Trương Đức Hai, báo cáo vì sao một nhân vật điển hình nổi tiếng như Trương Đức Hai mà đến nay mới được cấp cơ sở đề nghị phong tặng Anh hùng? Câu trả lời của huyện Gio Linh đã nói rất đúng vào tính cách của ông Hai. Đó là ông hy sinh tất cả, không màng danh lợi; vợ ông mắc bệnh nan y 13 năm nằm viện nên ông không còn nhiều thời gian để nghĩ về mình. Cho đến khi vợ ông thanh thản ra đi, thì ông mới ngồi kể lại câu chuyện cuộc đời cho các con nghe.

Chiến trường huyện Gio Linh trong những năm 1966 đến 1972 là một trong những mặt trận ác liệt bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Bởi cùng với ném bom, bắn phá có tính chất hủy diệt, kẻ địch còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhất, như lập tuyến hàng rào điện tử Mc Namara hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Sinh ra trên vùng đất có hàng rào điện tử Mc Namara, nên mới 16 tuổi Trương Đức Hai đã tham gia vào LLVT. Ông trở thành trung đội trưởng rồi xã đội phó và làm xã đội trưởng lúc vừa tròn 19 tuổi. Rồi được huyện Gio Linh điều vào tăng cường cho xã Gio Mỹ, cùng bộ đội bao vây bắn tỉa địch ở cứ điểm 31, kìm chân không cho giặc càn quét bắn phá, đồng thời mở đường cho quân ta đánh sâu vào cảng Cửa Việt.

Sau chiến dịch bắn tỉa thắng lợi, ông được điều về tăng cường cho xã Gio Lễ, một xã cận kề huyện lị của ngụy quyền huyện Gio Linh và cứ điểm Dốc Miếu nên hoạt động rất khó khăn. Với sự mưu trí, dũng cảm, ông đã thường xuyên bám địa bàn, bám dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng. Nhiều lần ông cải trang thành sĩ quan thủy quân lục chiến, lính cộng hòa đột nhập vào sào huyệt địch để tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ giữa ban ngày.

Đầu năm 1972, ông lại được huyện điều về tăng cường cho xã Gio Sơn, một xã vùng trắng, bởi dân ở đây đã bị địch đưa vào khu tập trung Quán Ngang. Vượt lên tất cả, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng vì thế mà anh em cán bộ, chiến sĩ ở huyện Gio Linh thường bảo: "Nơi nào gian khổ, ác liệt là nơi đó có mặt Trương Đức Hai". 


Ông Trương Đức Hai (trái) bắt tù binh tại chi khu Quán Ngang huyện Gio Linh vào năm 1972

Mặc dù là cán bộ quân sự địa phương nhưng ông đã sáng tạo ra nhiều cách đánh thông minh, táo bạo và trận nào có ông tham gia cũng đều thắng lợi. Đặc biệt là trận phối hợp với đơn vị C4 bộ đội địa phương huyện Gio Linh, đánh vào Chi khu Quán Ngang, giải thoát nhân dân ra khỏi khu tập trung. Đây là chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1972 của toàn chiến trường Quảng Trị. Chiến dịch giải phóng Quán Ngang thắng lợi, ông được cử làm Chủ tịch UBND Cách mạng xã Gio Sơn, đưa dân trở về quê cũ, ổn định nơi ăn ở, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển sản xuất.

Trong chiến tranh, mỗi bước chân ông đều làm cho quân địch khiếp sợ. Với những thành tích và chiến công đã đạt được trong chiến đấu, ông được cấp trên tặng thưởng 6 danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", dũng sĩ ưu tú và hàng chục huân, huy chương các loại cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Những khẩu súng, tư trang ông dùng trong chiến tranh bây giờ đã trở thành những kỹ vật chiến tranh được trân trọng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Nhưng với ông, phần thưởng quý giá nhất vẫn là sự tin yêu và niềm cảm thông của mọi người dành cho mình.

Anh hùng trong lòng dân

Ai cũng bảo ông Trương Đức Hai đánh giặc giỏi song có cuộc đời thật lận đận. Vợ ông sau 13 năm mắc bệnh nan y đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho ông 4 đứa con nhỏ. Một mình gà trống nuôi con dại, nhìn ông ai cũng cảm thương. Đôi lúc ông tự trách mình không làm nổi ngôi nhà cho vợ con sinh sống, phải mượn phòng của tập thể. Rồi có dạo do những người quản lý tư lợi cá nhân nên đã đuổi gia đình ông ra khỏi căn phòng ông đã thuê mượn để ở, mà đáng ra theo nghị định của Chính phủ, ông là người có quyền được mua lại căn phòng ấy. May mà còn có ông “nhất Kỳ”, bạn ông, lúc ấy là Chủ tịch tỉnh Quảng Trị “tuýt còi” việc làm sai trái của thị xã Đông Hà nên ông Hai mới được quyền mua lại ngôi nhà hợp pháp.

Dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên ông Hai xin nghỉ việc sớm để lo cho các con ăn học. Để tìm lối ra, ông đã mạnh dạn vay mượn vốn của bạn bè, thành lập Cty TNHH Xây dựng số 9. Nói Cty cho hoành tráng chứ làm sao ông đủ nhanh nhạy để chạy dự án mà làm việc. Vậy nên 63 tuổi mà ông Hai vẫn chưa làm nổi ngôi nhà đàng hoàng để ở, gia đình ông đang tá túc trong căn phòng chật hẹp.


Ông Trương Đức Hai, người đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT

Ông Hai trầm ngâm: “Thời bình này khó lắm, chỉ gan dạ chưa đủ đâu, giành giật việc làm kiếm miếng cơm nuôi con mà đôi lúc cũng thấy nản người. Con người thời bình sao mà lắm mưu mô, chứ không sòng phằng, vô tư như thời chiến tranh".

Trong lòng dân Quảng Trị, ông Hai đã là một anh hùng. Ông Hai tự hào dù khó khăn nhưng bốn người con của ông hôm nay đã tốt nghiệp đại học, ba em trong số đó đã có việc làm, đó là một niềm động viên rất lớn cho những người lính trở về từ cuộc chiến và thương tật đầy mình như ông. Hiện tại đồng lương hàng tháng của ông cộng mọi khoản vẫn chưa đầy 3 triệu đồng. Nát đầu tính toán cũng khó lòng chia đủ trong tháng cho số lần ông đi thắp hương cho đồng đội, bà con đã ngã xuống trong chiến tranh.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).