| Hotline: 0983.970.780

Người chấm dứt phận du canh ở A Võ

Thứ Ba 21/01/2014 , 09:57 (GMT+7)

Để có điểm dừng chân, lập làng mới, thôn dân A Bung nhớ mãi câu chuyện già làng Quỳnh Nhất (64 tuổi, dân tộc Tà Ôi), người khai sinh thung lũng A Võ, đưa dân bản hết phận đời du canh từ bên kia biên giới...

Đứng nhìn từ trên cao, thung lũng A Võ (bản A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới, TT- Huế) bạt ngàn màu xanh của cây cà phê, chuối. Để có điểm dừng chân, lập làng mới, thôn dân A Bung nhớ mãi câu chuyện già làng Quỳnh Nhất (64 tuổi, dân tộc Tà Ôi), người khai sinh thung lũng A Võ, đưa dân bản hết phận đời du canh từ bên kia biên giới...

>> Những già làng miền ngược gió

Tìm vùng đất mới

Con đường dẫn vào thung lũng A Võ (nay là bản mới A Bung) rộng thênh thang, mùa này xe cộ nườm nượp vào bản chở nông sản. Đi xuống triền dốc, nơi con suối Hê Lơ án ngữ, chảy vắt men theo triền đồi, bản làng A Bung hiện ra với màu xanh bạt ngàn của cà phê, chuối.

Đến nhà già Quỳnh Nhất, ông vừa gác cuốc nghỉ trưa sau buổi làm từ trang trại gia đình. Hỏi chuyện về ký ức lập làng, khai canh cho dân bản, già khiêm tốn: “Chuyện qua cũng đã lâu rồi. Dân bản nhớ mình là được. Quan trọng giờ bà con ai cũng ổn định, có của ăn của để, đó là điều già này mừng hơn cả".

Thuyết phục mãi, cuối cùng già cũng kể, câu chuyện dắt dân đi từ rừng hoang đến miền đất hứa của già Nhất dài như rừng thẳm. Già kể: “Cũng như nhiều dân bản khác, nguồn gốc của bản làng A Bung mới hiện nay thời trước nằm sát biên giới Việt - Lào. Bản làng nằm gần sông A Sáp nhưng dân bản mình vẫn du canh du cư, cứ vùng đất này bạc màu thì đi kiếm nơi khác trồng trọt".


Già Nhất vui vầy bên lớp con cháu

Sau nhiều năm khảo sát các vùng đất, năm 1995, già Nhất dừng chân ở thung lũng A Võ, gần suối Hê Lơ. Đất đai khá bằng phẳng, có nguồn nước tưới, ý tưởng về những cây trồng ngô, sắn, lúa nước giải quyết cái thiếu ăn trước mắt hình thành lên từ đó. Chọn được đất rồi, già Nhất đóng cọc phân đường, giúp bà con dân bản dựng nhà để ở. Ngày về, thôn dân A Bung đã lập bàn thờ Bác Hồ, báo cáo với Bác đã về vùng đất mới.

Nói về những khó nhọc trong buổi đầu khai canh, thiệt không kể xiết. Những nhát cuốc đầu tiên, Quỳnh Nhất toát mồ hôi khi phát hiện quá nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. A Lưới - vùng đất vốn gánh chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, đất và người nơi đây một thời chiến đấu trong hào hùng nhưng đầy khổ đau mất mát.

Già Nhất nhớ lại: "Hồi đó mới về, đâu đó trong bản làng nhiều người bị thương, tàn tật do bom mìn, chất độc da cam. Dân bản không có kinh nghiệm cứ khai hoang là gặp nạn nên nhiều người nản lắm, muốn bỏ về vùng đất cũ, tuy xa xôi nhưng canh tác đã quen. Dạo đó mình lo lắm”.

Già nhớ mãi câu chuyện ông Quỳnh Thư bị bom nổ mất cánh tay trái khi khai hoang. Già buồn lắm. Quỳnh Thư giận, nằng nặc đòi dắt díu vợ con bỏ về vùng đất cũ. Già Nhất họp dân làng, bảo giờ khổ nhưng mai này sẽ sướng, chỉ xin dân bản tin mình một lần này thôi.

Nói đoạn, già chạy xuống dưới hiên bếp, lấy cái a vin (chét - nông cụ nhỏ hơn cái cuốc) lên giải thích: “Mình đã nghĩ ra cách nếu dùng cuốc, xà beng thì rất dễ gây tai nạn, nhưng dùng chét thì nhẹ nhàng hơn mà bom mìn cũng dễ tháo gỡ. Bao năm mình đi bộ đội, cũng có ít kiến thức về những thứ bom này".

Thế là già liền đến từng hộ dân, động viên, hướng dẫn dân bản. Những quả bom sau nhiều năm ngủ vùi trong lòng đất lần lượt được tháo gỡ an toàn.


Không chỉ giúp dân lập làng mới, già Nhất còn là người đi đầu trong các mô hình SX, giúp dân bản A Bung có đời sống ấm no

Huyện, xã về cho dân giống lúa, ngô mới để gieo trồng. Đất không phụ lòng người, chẳng mấy chốc vùng đất chết đã được phủ xanh bàn ngàn lúa, ngô, sắn. Có nông sản đủ ăn, dân bản còn dư giả để bán. Cũng nhờ chịu khó khai hoang, giờ đây, già Nhất có cả một trang trại gồm 2 ha cà phê, 4.000 cây quế, 1.000 gốc chuối tiêu hồng và 10 sào ruộng lúa nước cùng hàng chục lợn nuôi lấy thịt. Trang trại tuy quy mô còn nhỏ, song với bà con vùng cao, đó là cả một niềm mơ ước!

Trước đây, đường hẹp, ô tô không vào được, hàng nông dân của dân ứ đọng. Già Nhất lại huy động thanh niên, nhà hảo tâm, xin bỏ kinh phí mở rộng tuyến đường đất dẫn vào bản A Bung. Đường mở rộng gần 5 m, ô tô, xe máy bon bon vào tận bản. Giống chuối tiêu cũng được già mang về hướng dẫn dân bản trồng. Giờ cả xã Nhâm có gần 400 ha chuối với hàng trăm hộ dân tham gia trồng.

Bán bò giúp dân bản

Dân bản A Bung biết ơn già Nhất không chỉ là người lập làng, đưa thôn dân từ tăm tối của những ngày du canh đến vùng đất mới đầy hứa hẹn mà ông còn là người đầu tiên mang cây cà phê - cây trồng chủ lực kinh tế của xã Nhâm lên với miền “ngược gió” A Bung.

Đó là vào năm 1997, huyện A Lưới hỗ trợ giống cà phê, dân bản chưa biết hình hài giống cây này như thế nào, cho quả ra sao. Già Nhất nhận giống cà phê về, dân bản lũ lượt tới xem, xem xong rồi lại lắc đầu bỏ về.

Chị Kim Thị Lũ, một người dân bản A Bung, nhớ lại: “Cây cà phê miềng tưởng trồng, hái quả… ăn như cây chối, cây bắp. Lúc đầu nghe già Nhất nói trồng để bán quả chứ không ăn được thì dân bản ai cũng nản. Nhưng rồi thấy già Nhất trồng, lứa đầu tiên thương lái tới mua. Bán đắt lắm, dân bản mới biết mà ưng cái bụng, xin già Nhất cho giống để trồng".

Nhận cái lắc đầu từ người dân, già Nhất không nao núng. Già nghĩ không ai trồng thì mình trồng, mình tin xã, huyện, khi đem giống cây lên, đưa về những vùng khó khăn như A Bung đều có sự tính toán trước về thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện SX. Nghĩ vậy, già bắt tay vào làm nhận 200 cây cà phê về trồng thử xen canh với cây sắn.


Già Quỳnh Nhất với trang trại cà phê cho thu nhập cao

Là cây công nghiệp lâu năm, quá trình ươm, trồng, chăm sóc không đơn giản như những cây ngắn ngày khác. Để có kiến thức, già xuống Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, xin chép tài liệu về đọc. Đọc biết, hiểu rồi, nói như già Nhất, là mang cái kiến thức sơ đẳng đó phổ biến cho dân bản.

Những mùa vụ cà phê đầu tiên, cứ bình quân một ha dân bản thu từ 10-12 tấn, lãi 50 triệu đồng. Con số chưa phải là lớn, nhưng lần đầu tiên, ở vùng đất mới lập, cây công nghiệp, cây kinh tế chủ lực đã mang lại những thành quả kinh tế đầu tiên cho người dân.

Cây cà phê bén rễ trên bản A Bung cũng qua chặng đường gian nan. Có một giai đoạn, cà phê chết do mưa kéo dài gây ngập úng. Già Nhất phải chạy về huyện mời cán bộ lên hướng dẫn, cứu cây cà phê. Dân bản phải nâng gốc cây cà phê ở những vùng thấp lên cao. Nhiều cây chết, dân bản không có giống cây mới để trồng, già Nhất tình nguyện bán bò trong gia đình, mua giống cà phê cấp miễn phí cho người dân.

Ông Hồ Văn Xê (60 tuổi), một hộ dân ở A Bung nói: “Hồi đó, con bò là cả một cơ nghiệp, thế mà già Nhất dám bán để mua giống cây cho dân bản. Già Nhất tình nguyện làm, dân bản vừa tin vừa phục. Bà con có được như ngày hôm nay là có công đóng góp rất lớn của già”. (Hết)

Ngồi trò chuyện với già làng Quỳnh Nhất, lúc nào ông cũng nói “nhờ dân bản cả”, như không muốn nói đến cái công lao của mình. Đó là điểm tôi ấn tượng nhất về một vị già làng, luôn lấy hiệu quả công việc, giúp dân bản làm giàu làm tiêu chí cho hành động, công việc của mình.

Già đúc kết: “Miềng có may mắn, đi bộ đội học được cái chữ. Giúp dân bản chừng bào hay chừng đó. Mình có mong muốn sau này, lớp con em trong bản A Bung được học hành, có thêm kiến thức, xây dựng bản làng giàu đẹp là hạnh phúc lắm rồi”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.