| Hotline: 0983.970.780

Người chăn dê dưới chân Tam Điệp

Thứ Ba 05/06/2012 , 11:44 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình "phong" ông Đát là người chăn dê giỏi nhất tỉnh và là người góp phần giúp thương hiệu dê núi Ninh Bình vang xa.

Đàn dê của ông Phạm Bá Đát hiện có 100 con. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình "phong" ông là người chăn dê giỏi nhất tỉnh và là người góp phần giúp thương hiệu dê núi Ninh Bình vang xa.

>> Ngàn đôi mắt sáng dâng đời

1. Hàng trăm con dê xám, dê trắng, dê đen chen chúc nhau trên đường làng. Đầu đàn, một con dê cụ dáng hùng dũng, vừa đi vừa quay đầu cảnh giới. Đám dê cái bầu sữa đung đưa theo từng nhịp bước. Lũ dê con lon xon như những cục bông nõn, lúc dạt sang vệ đường này nhấm nháp tí cỏ, lúc tót sang vệ đường kia chực lao vào quấy phá các mảnh vườn. Người đàn ông luống tuổi, tay cầm gậy, lưng khoác ba lô, vắt vẻo bên hông con dao phát đường, miệng liên tục hò hét, chỉnh đốn đội ngũ. Ở thôn Hang Nước xã Quang Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình) hai mươi năm qua, nắng cũng như mưa, người ta quen với cảnh ông Phạm Bá Đát đi chăn dê trên núi như vậy.



Ông Đát lùa dê lên núi

Cung đường vài cây số qua quèn Hà Trung, thung Xoan, thung Ổi, thung Lê Lợi…Chúng tôi qua những lối mòn lầy lội, thấp thểnh, lúc đi như chạy, lúc trườn bò qua khe, lùa dê đến thung Ổi 2. Bầu trời đen thẫm chùng xuống đất. Những hạt mưa bắt đầu rơi. Chạy vào một chiếc hang lưng chừng núi, mưa vẫn ràn rạt đuổi sau lưng. Tôi với ông chung nhau một cái hang nhỏ đến nỗi người này ngồi duỗi chân, người kia phải ngồi bó gối mà nhìn màn mưa trắng xóa giăng lưng trời. Trăm cái hang dưới chân dãy Tam Điệp, nhỏ chỉ vừa một người, rộng to như cái sân đình từ lâu đã thành chỗ trú mưa của ông Đát.

Lát sau, nước ở đỉnh hang tong tong nhỏ xuống, muỗi rừng túa ra. Một con rết to bằng ngón tay bò ngay trước mặt. Ông giở gói trầu bỏ một miếng vào mồm tóp tép nhai. Hơi trầu thơm lừng. Thoảng trong gió có tiếng con chồn núi đi bắt ốc miệng kêu cành cạch. Thốt nhiên Cui Hỗn - tên một con dê -  tranh thủ mưa rời núi xuống đám vạt dứa dưới thung ăn nõn. Ông Đát mải mốt chạy ra đuổi, quên cả cơn mưa đang bao kín quanh mình. Sấm chớp đùng đùng, mưa xuống, sương lên, gió ào ào dồn qua, thổi lại.

2. Trước đang nuôi bò ông Đát bán cả đàn mua 20 con dê cỏ về chăn. Dê cỏ chỉ cho 2,5 lạng thịt/kg trọng lượng, con to 25-30 kg ông cho lai với dê Bách Thảo năng suất thịt lên 3 lạng/kg trọng lượng, lai với dê Beetal, Boer tỷ lệ thịt vọt lên 3,5 lạng, trọng lượng đạt 70-80kg. Dê đẻ rơi trên núi là chuyện thường. Mỗi lần nghe tiếng be như hét, ông lại chạy lên đỡ cho dê non khỏi quệt vào gốc cây, tảng đá sắc lẻm. Gặp ca đẻ khó phải nhè nhẹ mà lôi dê con ra theo từng nhịp rặn của dê mẹ. Đợi dê mẹ liếm khô lông, ông bế dê con đi, hái lá non cho dê mẹ xuống sữa. Dê mẹ dẫn con vào lùm cây, chùm lá non của con, chùm lá già của mẹ. Dê đẻ một năm hai lứa, mỗi lứa một hai con. Dê con mới một tháng dê mẹ đã động dục rồi vừa nuôi con trong vừa nuôi con ngoài. Đám dê con mải chơi, chạy lăng xăng dễ rơi xuống hang. To thì buộc dây thừng ở vách, bám đá mà leo xuống cứu, nhỏ không chui lọt đành hôm sau tránh cung đường đó đỡ phải nghe tiếng kêu khát sữa lịm dần.

Dê theo chế độ mẫu hệ. Mỗi dọc dê gồm bà, con, cháu, chắt. Trăm con dê đều có tên, những cái tên rất ngộ. Nào xám, đỏ sọc mặt, nào đen cui (dê không có sừng gọi là dê cui), trắng hiền lành…Dê cái động dục, dê đực ngửi mùi nước đái là đến dụi đầu, áp má, miệng ạch ạch kêu, chân dậm dậm nhịp. Chỉ khi con cái đồng ý nó mới cho nhảy, còn không sẽ bỏ đi. Để khỏi nạn đồng huyết, ông Đát nhớ trong đầu cả đàn, con nào của mẹ nào, bố nào chứ không bao giờ cho nhảy lung tung kẻo dê con sinh ra bệnh mà chết. Có ngày cả chục con dê cái cùng động dục, mỗi con cho nhảy từ hai đến ba lần nhưng lần nào cũng được sự đồng tình chứ không như tin đồn dê cụ đứng trước cửa chuồng mỗi sáng, dê cái nào đi qua nó cũng “điểm huyệt”. Phối xong, con nào có chửa là dê cụ không bao giờ gạ gẫm. “Đã là dê núi phải ăn lá rừng chứ không bao giờ cho cám công nghiệp tránh thịt bở, hôi như dê dưới miền xuôi, tôi chỉ bổ sung mỗi muối để chúng nhớ đường về nhà”. Ông bảo. Đời chăn dê, nay bãi này, mai bãi khác để cỏ non trên núi đủ thời gian nhú, để nắng gió của trời đủ thời gian diệt hết trứng giun.

Không thể cắt cỏ cho đàn dê cả trăm con nên ngày tết lễ thậm chí giỗ chạp, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau không thể dứt ra. Lúc bố mẹ mất ông phải trông linh cữu thì thằng con quàng khăn trắng mà lùa dê đi ăn. Bận ăn hỏi đứa con, nhà gái nằng nặc mời cơm ông cũng đành chối từ khéo mà về với đàn dê đang đói ngấu. Đêm hôm, dê kẹt chân xuống khe chuồng, ông phải tung chăn dậy cứu. Những con dê ốm gần đất xa trời, kêu những tiếng e e đứt quãng ông cũng bật dậy mà xoa.


Chân dung "trùm" nuôi dê Phạm Bá Đát

 

 

3. Phạm Bá Đức, con ông Đát theo bố đi chăn dê từ hồi còn nhỏ. Anh là người đi mua con Beetal từ Trung tâm dê và thỏ Sơn Tây về với giá bằng ba bốn con dê thường. Con Beetal mới cai sữa, cứ lẽo đẽo theo Đức như một con chó con. Đi đâu nó cũng theo, ngồi đâu nó cũng ngồi, chạy đâu nó cũng lẵng nhẵng đuổi. Chỉ kêu be be là nó chạy đến. Nó coi anh như một đồng loại. Con dê không biết tự kiếm ăn, Đức bứt từng lá non mà đút. Quá trình tập hòa đàn mới thực gian nan. Lắm bận dẫn Beetal lên núi, bứt cho ít lá ăn, lừa lúc nó không chú ý anh lẻn đi hệt như trốn một đứa trẻ. Con dê ngẩng đầu lên không thấy chủ cứ ngơ ngác be ầm. Phải dăm tháng nó mới chịu theo đàn.

Không phụ công người chăm, Beetal lớn nhanh như thổi. Với tầm vóc trên 1 tạ, nó xứng đáng với bản lĩnh đầu đàn, phối giống cả trăm lượt dê cái, có ngót năm trăm dê con cháu, là cỗ máy kiếm tiền vô cùng hiệu quả. Con Beetal đã mất từ lâu mà Đức vẫn nâng niu bức ảnh của nó thủa nào hiên ngang ở vị trí dê cụ. Về sau, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho một con dê giống dòng Boer cũng tạo nên một cuộc cách mạng trong nuôi dê hướng thịt của bố con ông Đát. Ninh Bình tổ chức cuộc thi dê hoa hậu, đội của Đức chiếm ngay giải nhất.

Giống dê rất khôn, thấy chủ mặc quần áo diện là nó phớt lờ nhưng hễ mặc quần áo lao động vào, cả đàn nhìn thấy là be toáng đòi đi ăn. Đức thấu hiểu tiếng dê đến nỗi biết phân biệt tiếng gọi đàn, tiếng kêu đói hay dê con gọi mẹ. Một con dê cụ mải đuổi theo dê cái đàn khác, anh chỉ cần bụm miệng kêu “ọc ọc” giả tiếng dê đực đang gọi tình là con vật quay ngoắt lại vì tưởng có ai đang tranh lũ thê thiếp của mình. Dê đực khi đang trong vũ điệu gọi tình rất hung dữ. Đức từng bị một con dê cụ đuổi cho đến chạy tuột dép vòng quanh làng.

Bọ cạp đốt, ong núi châm, thói quen ăn trầu của ông Đát tỏ ra rất hữu dụng. Chỉ cần lấy tí vôi bôi vào mồm vết cắn là đỡ nhức nhối ngay, nếu không có vôi có thể đái rồi hứng vào vết thương cũng có hiệu quả tương tự.

Mùa đông đốt đống rấm, quây bạt quanh chuồng, mùa hè gỡ ô thoáng, đón gió. Trăm con dê không cần đếm, chỉ cần nhìn mặt, thiếu con nào ông biết ngay. Có bận dê lạc 9-10 giờ đêm bố con ông còn lùng sục trên núi mà rọi đèn tìm. Lắm con tham ăn, nhai phải cỏ độc, bò về chuồng dớt dãi nhểu ông cấp tốc lấy tro bếp ngâm, chắt nước trong cho uống. Khi dê bị đậu, ông hái các loại lá chát như cứt chó, lá ổi xoa vào những chỗ loét trên mình dê, mặc cho đám ruồi bay loạn. Có con sừng hươu, bị dòi đục ngứa ngáy quá chạy lên núi, ba bốn tháng quên cả đường về, quên cả giọng chủ, sắp thành dê rừng tình cờ gặp mấy tìm thuốc nam bỗng giật mình, chạy xuống, nhập đàn.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất