| Hotline: 0983.970.780

Người chế "thực đơn" mới cho cá ngừ

Thứ Sáu 20/08/2010 , 09:05 (GMT+7)

Với ông Võ Đường ở phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) chưa khi nào ra biển mà chịu về tay không...

Ông Đường chỉ chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của mình

"Chim trời cá nước", ấy là câu nói cửa miệng của ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương về sự may rủi của nghề. May thì cá đầy khoang. Rủi thì lênh đênh cả tháng mà chẳng đủ tiền xăng dầu, thậm chí còn mất mạng như chơi. Nhưng, với ông Võ Đường ở phường 6, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) chưa khi nào ra biển mà chịu về tay không. Chính nhờ vậy, ông  được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp tới đây tại Hà Nội.

>> Khuất phục đồi hoang
>> Tỷ phú ngao& những thất bại cay đắng
>> Người dựng nên ''tập đoàn trang trại''

Cũng từng gieo neo

May mắn cho tôi, tàu của ông Đường vừa cập bến sau chuyến biển dài ngày nên mới có cơ hội gặp được ông. Đã ngoài 60 tuổi, có hơn 40 năm "ăn đằng sóng, nói đằng gió" nhưng trông ông Đường vẫn tráng kiện lắm.

Qua chuyện kể của ông Đường, tôi hình dung mồn một những thăng trầm nghề biển. Cũng như hầu hết trai tráng ở các làng chài, mới 18 tuổi ông Đường đã ra khơi theo nghề truyền thống của gia đình. Dù là “con nhà nòi” nhưng biển mênh mông quá, ai trong thời gian đầu ra khơi mà không bỡ ngỡ. Vừa làm, ông Đường vừa luôn miệng đặt câu hỏi với người cha thâm niên nghề để tích lũy kinh nghiệm. Năm 1993, ông Đường lập gia đình, để tạo lập cuộc sống riêng, vợ chồng ông dồn vốn liếng, vay mượn thêm của họ hàng được 60 triệu đồng đóng chiếc tàu có công suất 76 CV. Nhưng éo le thay, tàu đóng gần xong, chuẩn bị lắp máy thì bão ập đến. Ông Đường nhớ lại: "Bão tan, nhìn thấy chiếc tàu vỡ toác mà vợ chồng tôi đứng khóc ròng. Sửa sang lại mất thêm 20 triệu nữa".

Tàu có công suất 76CV thì không ai dám ra khơi xa nên khi ấy chiếc tàu của ông Đường chỉ quanh quẩn gần bờ hành nghề câu cá nhám. Thế nhưng ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả, con cá nhám lại có giá trị kinh tế kém nên chuyến biển nào cũng bị lỗ. Vốn là người không chịu khuất phục trước khó khăn, ông Đường chuyển sang làm lưới cá chuồng. Nhưng rồi chuyện làm ăn cũng chẳng suôn sẻ: “Chuyện làm ăn của tôi ngày càng lụn bại hơn khi số lượng tàu đánh bắt cá chuồng tại địa phương tăng vùn vụt, từ 15 chiếc tăng lên 60 chiếc. Cá ngày càng ít, tàu đánh bắt ngày càng nhiều nên thu nhập cũng tuột nhanh, mỗi chuyến biển chỉ còn kiếm được vài ba triệu không đủ bù vốn. Mỗi khi tàu hư hỏng phải vay mượn tiền để sửa. Tôi lại quyết định chuyển hướng làm ăn”. 

Nghe ngóng thông tin, biết nghề đánh bắt cá ngừ đại dương đang ăn nên làm ra. Loại cá này xuất khẩu mạnh nên không lo bị ế. Thế là vào năm 1995, ông Đường tiếp tục huy động thêm một số vốn lớn hơn để đóng chiếc tàu có công suất 165 CV, rồi chuyển sang nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Khi thực sự vào nghề này, ông Đường mới thấy khó khăn tứ bề. Cá ngừ đại dương thuộc loại khó “dụ”, nhiều khi thấy chúng nổi lên mặt biển đến vài ba chục con nhưng chỉ dính câu được vài con. Càng về sau, lũ cá này càng thay đổi “tính nết”. Ông Đường nói: “Trước đây, chúng thường quanh quẩn tại một vùng biển thời gian dài, quần qua quần lại thế nào câu cũng dính. Giác câu đầu dính được 6-7 con tiếp tục giác câu sau dính thêm được 4-5 con nữa. Bây giờ chúng rất tinh quái, giác câu đầu thấy bạn cùng bầy dính câu là khi gặp giác câu sau chúng “né” mồi ngay”. Khó khăn không chỉ chừng đó, từ trước đến nay, dân câu cá ngừ đại dương chỉ dùng toàn mồi cá chuồng. Chẳng hiểu vì sao về sau này chúng chẳng thèm ăn loại mồi này nữa. Thả câu suốt mấy ngày liền, con cá mồi đã rã mà chẳng có con nào ăn, mặc dù đang ở vùng biển đó đang rất nhiều cá ngừ đại dương.

"Thực đơn" mới cho cá ngừ 

Trong một lần ra khơi, sau nhiều ngày thả mồi cá chuồng nhưng chẳng có con cá ngừ nào thèm ngó ngàng đến. “Chẳng lẽ chịu thua, tôi mới nghĩ ra cách thử dùng một loại mồi khác”, ông Đường bộc bạch. Tối hôm đó, ông Đường cho thuyền viên thả thúng để câu mực xà, một loại mực trông như mực ống nhưng ngắn và mập hơn. Chỉ là thử nghiệm nên sáng hôm sau ông Đường chỉ cho móc mồi mực vào một giác câu 200 lưỡi.

Thật bất ngờ, chỉ một tiếng đồng hồ sau đã có 5 cá ngừ bị dính câu. Hóa ra mồi mực hiệu quả đến vậy, thế là từ hôm đó, lịch làm việc trên tàu ông Đường thay đổi. Ngày làm cá ngừ, đêm câu mực làm mồi. Câu mực phải cần thúng, thế nhưng khi ấy trên tàu không có nhiều thúng nên không câu được nhiều mực. Ông Đường phải mua lại mực của những tàu chuyên câu mực của ngư dân Quảng Ngãi đang đánh bắt gần đó. 

Ông Đường kể lại chuyện cũ mà giọng nói lẫn gương mặt vẫn hào hứng: “Sau chuyến đó, tôi về sắm cho mỗi thuyền viên một cái thúng mới. Ban ngày câu cá ngừ xong, nghỉ ngơi, đến 6 giờ chiều mỗi thuyền viên mang theo bình đèn xuống thúng đi câu mực. Đến 9 giờ tối vớt thúng lên. Chỉ 3 tiếng đồng hồ nhưng đêm nào “trúng” cũng thu được 1.000 con mực, đủ cho giàn câu 1.000 lưỡi của tôi hiện nay”. 

Từ khi dùng mồi mực, nhiều loại cá khác như cá thu, cá cờ... cũng dính câu. Thuyền viên Lê Văn Hành nói vui: “Có lẽ những loại cá thu, cá cờ cũng nghiền ăn mực nên thường xuyên dính câu. Câu được nhiều cá cuộc sống của thuyền viên chúng tôi được cải thiện nhiều, thu nhập mỗi chuyến biển tăng lên được 1-2 triệu đồng/người, vợ con đỡ khổ”.  

Ông Đường cho biết thêm: “Sau khi thấy hiệu quả, tôi mách chiêu này với các bạn đồng nghiệp và ai cũng làm theo. Từ khi con mực được dùng làm mồi để câu cá ngừ đại dương rộng rãi, giá của nó đã tăng vọt từ 60.000đ/két lên đến 350.000đ/két (60 con)”. Tôi hỏi: “Ông có biết nguyên nhân nào mồi mực hấp dẫn với cá ngừ đại dương không?”. Ông Đường cười, lại dí dỏm: “Lũ cá ngừ chỉ âm thầm ăn chứ không nói vì sao nên đến giờ tôi chưa biết! Chỉ đoán là vì mực mới câu rất tươi, thịt ngọt, trong khi đó mồi cá chuồng khô khốc, ít hấp dẫn hơn. Con mực tươi khi móc vào lưỡi câu thả xuống nước phát sáng rộng nên dẫn dụ được cá ngừ đến ăn”. 

Ngoài yếu tố thay đổi mồi, ông Đường còn cải tiến giàn lưới câu và cơ giới hóa việc kéo câu. Trước đây, giàn lưới câu của ông Đường chỉ dài có 7km với 100 lưỡi câu. Khoảng cách giữa lưỡi này với lưỡi kia ngắn, chỉ từ 15 đến hơn 20m nên chỉ đón được những con cá đi nông. Bây giờ giàn câu được nâng độ dài lên 70km với 1.000 lưỡi câu, khoảng cách lưỡi cũng được nới rộng ra từ 30-35m nên đón bắt được cả những con cá đi sâu. Rồi để giải phóng sức lao động cho thuyền viên, ông Đường đầu tư gần 16 triệu trang bị một máy kéo câu.

Một thuyền viên tên Thành nói: “Trước đây chúng tôi thu lưới bằng tay, 9 thuyền viên thay nhau kéo 4 tiếng đồng hồ mới xong giàn câu 100 lưỡi. Gặp hôm gió to, biển động, anh em kéo lưới cứ té lên té xuống. Bây giờ có máy, với giàn câu tăng lên gấp 10 lần (từ 100 lên 1.000 lưỡi) mà chỉ cần một người ngồi vận hành, thời gian thu lưới lại nhanh hơn. Chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để tối câu mực làm mồi, kiếm thêm thu nhập”. 

Ông Đường còn cải tiến luôn cả việc bảo quản sản phẩm. Trước đây, trong mỗi chuyến biển kéo dài 25 ngày, ông Đường mang theo 500 cây đá đã xay để ướp cá. Nắng nóng tứ bề làm đá xay tan nhanh, khi gặp luồng cá lớn mà hết đá ướp đành phải quay về. Tiếc nuối không kể xiết. Bây giờ ông Đường đã khắc phục yếu điểm này bằng cách mang theo đá cây (700 cây) và đầu tư thêm 5 triệu đồng mua một máy xay đá gắn trên tàu. Đá xay ngày nào ướp ngày đó. Đá cây lâu tan, vừa xay ra độ lạnh còn cao nên khi ướp, cá được bảo quản tốt hơn. 

“Mùa đánh bắt cá ngừ đại dương thường bắt đầu từ tháng Chạp năm trước đến tháng Tư (ÂL) năm sau. Cách đây 2 tháng biển đã vắng cá, mồi cá chuồng lại khó câu nên hầu hết các tàu đã nghỉ. Thế nhưng bây giờ, dù đã tháng 6 (ÂL) rồi mà tàu của tôi câu vẫn được cá. Ấy là nhờ mồi câu mực”, ông Đường khẳng định.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.