| Hotline: 0983.970.780

Người chỉ huy cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh qua đời

Thứ Tư 24/04/2019 , 06:45 (GMT+7)

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tư lệnh Đoàn 232 - cánh quân hướng Tây - Tây Nam tiến vào Sài Gòn, người cuối cùng trong Bộ Tư lệnh vừa qua đời ngày 22/4/2019.

img-3477144604471

Ngày 16/4/1974, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng cho 2 vị Tư lệnh. Đó là ông Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559 và ông Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9. Trong đó, ông Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng do chủ động đánh quân đội Việt Nam cộng hòa lấn chiếm những vùng đất “da báo”, cùng âm mưu phá hoại không thực hiện các điều khoản đã ký kết trong Hiệp định Paris của địch.  

Tròn một năm sau, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm 8 người: Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002) làm Tư lệnh, ông Phạm Hùng (1912 - 1988) làm Chính ủy. 4 Phó Tư lệnh gồm: Thượng tướng Trần Văn Trà (1919 - 1996); Trung tướng Lê Trọng Tấn (1914 - 1986) về sau được thăng quân hàm Đại tướng; Trung tướng Đinh Đức Thiện (1913 - 1987) về sau được thăng quân hàm Thượng tướng; và Trung tướng Lê Đức Anh (1920 - 2019). Phó Chính ủy là Trung tướng Lê Quang Hòa (1914 - 1993) về sau được thăng quân hàm Thượng tướng. Cuối cùng là Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (1928 - 2006) về sau được thăng quân hàm Thượng tướng.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm 5 quân đoàn - 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng (quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn 3, quân đoàn 4 và) với đủ các binh chủng hợp thành. Đoàn 232 (gồm các sư đoàn 3, 5 và 9; bốn trung đoàn độc lập, một trung đoàn đặc công) do Trung tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn. Bộ Chỉ huy Miền nhận định hướng Tây - Tây Nam là nơi khó nhất vì sình lầy, nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Đô (Cần Thơ). Vì vậy, Đoàn 232 có 3 nhiệm vụ: Chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và tấn công Tổng nha cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập.

img-3475144604361

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định phải đánh nhanh, quyết liệt, không cho địch co cụm về Sài Gòn; ngược lại, không để cho quân địch ở Sài Gòn chạy về miền Tây. Các cánh quân phải tổ chức các mũi thọc sâu, mũi đánh vòng ngoài kết hợp giữa chủ lực với bộ đội địa phương và kết hợp giữa bộ đội với quần chúng nhân dân, đột phá liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng.

Ngày 26/4/1975, đúng 17 giờ, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng Tây - Tây Nam tiến công. Sư đoàn 5 cắt đoạn Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh - Lộc Giang, vượt sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa.

Ngày 30/4/1975, cánh quân hướng Tây - Tây Nam đã đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tổng nha cảnh sát, cảnh sát đô thành, các quận Tân Bình, Bình Chánh, hợp điểm tại Dinh Độc Lập, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chính trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, vào ngày 28/4/1975, tướng Lê Đức Anh đã thoát chết trong gang tấc. Điều này đã được ông kể lại trong hồi ký. Đó là khi ông làm việc trong cái chòi nhỏ sát mép sông ở Sở Chỉ huy của Đoàn 232 ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa (Long An). Sáng hôm đó, khi ăn cơm trong nhà họp của địa phương làm nửa chìm nửa nổi do Chính ủy Lê Văn Tưởng đặt vị trí ở đây.

“Vừa ăn xong, tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà nghỉ, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!” Tôi nghe anh. Vừa ngả lưng thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe hy sinh, cậu Nguyễn Hồng Thái, chiến sĩ bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong tôi ra liền thì nhất định “cái chuyện thường” đã xảy ra với tôi. Và hôm nay chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh nó có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang “tính quy luật” ra mà giải thích!”.

Sau này nhớ lại chuyện cũ, ông nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ!”.

img-3476144604407

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc vẻ vang 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “Nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn truyền thống chí nhân chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong “Đại cáo bình Ngô”: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Tư tưởng nhân nghĩa là một yếu tố cơ bản trong nền văn hóa của dân tộc, nó chuyển hóa thành lời, trong ý nghĩ thành tư tưởng chiến lược; tư tưởng này đã kết tinh trong thời đại của chúng ta là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất