| Hotline: 0983.970.780

Người có vườn bưởi đỏ vạn quả, lãi ròng cả tỷ đồng

Thứ Ba 15/11/2016 , 09:35 (GMT+7)

Sau nhiều năm lăn lộn và gắn bó với xứ Mường ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, giờ đây ông Trần Hùng đã có một gia tài lớn khi vườn bưởi đỏ của ông mỗi năm cho lãi ròng cả tỷ đồng.

16-35-46_nh-1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm vườn bưởi của ông Hùng
 

Còn 3 tháng nữa mới đến Tết nhưng vườn bưởi vạn quả đó đã cháy hàng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn nhân giống bưởi đỏ và truyền nghề cho bà con khắp vùng trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông được mệnh danh là “Vua bưởi xứ Mường”.
 

Đất không phụ công người

Vốn là cựu chiến binh, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, sau đó có đến 30 năm phục vụ quân ngũ, dù 82 tuổi nhưng ông Hùng vẫn rất tráng kiện, tinh thông, nhanh nhẹn.

Năm 1990, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Hùng trở về quê vợ ở xứ Mường thuộc xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, sinh sống cùng vợ con. Hai vợ chồng ông, từ sáng sớm đến tối mịt, dù chăm chỉ, lăn lộn với ruộng đồng nhưng quanh năm cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây.

Khi nhà nước có chủ trương giao khoán đất trống đồi trọc cho dân trồng rừng, ông mạnh dạn nhận thầu khoán hơn 15ha của xã. Ông ra sức cải tạo đất để trồng các loại cây ăn quả, ngô, nhưng đất cằn cỗi nên công ông như muối bỏ bể. Tình cờ trong 1 lần về quê ở huyện Ba Vì (Hà Nội) ăn giỗ họ, ông được người bạn tặng 1 cây bưởi đỏ.

Ông cất bọc cẩn thận rồi mang về vườn nhà đào 1 hố sâu, lấy đất tơi xốp ở nơi khác mang về lót dưới lớp đá ong trồng. Sau mấy năm, cây bưởi cho quả nặng trĩu, ăn ngọt lịm, nhưng ông không ý thức được giá trị hàng hóa nên cũng chỉ phục vụ nhu cầu gia đình và biếu bạn bè, hàng xóm vào dịp Tết.

Khi thấy phong trào “nhà nhà trồng cam” ở Cao Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hùng sang chiết, phục tráng gần 100 cây bưởi đỏ trồng. Từ kinh nghiệm trồng cây bưởi lúc đầu, ông không quản ngại gian khó, đào hố và lấy đất tốt về lót ở dưới để khi rễ bưởi ăn xuống không cắm vào lớp đá ong. Đất không phụ công người, cả 1 khu vườn đồi rộng 15ha của ông sau hơn 10 năm đã phủ kín bởi bóng mát của bưởi.

16-35-46_nh-2
Thán phục về quả bưởi đỏ do ông Hùng phục tráng giống
 

Ngoài bưởi đỏ, ông còn nhân giống và trồng thành công giống bưởi da xanh ở xứ Mường. Lạ thay, cây nào trong vườn bưởi nhà ông cũng chi chít quả to, mọng, nhẵn bóng như muốn kéo từng cành xuống đất.

Chỉ tay về vườn bưởi đang vào mùa thu hoạch, ông Hùng cho biết, để bưởi trĩu quả phải biết cách chăm sóc đúng lúc. Quy trình khi nào bón phân, khi nào tưới nước được ông thực hiện rất nghiêm ngặt. Theo ông Hùng, khi trồng phải để lá chếch theo hướng đông - tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. Ngoài việc trộn phân chuồng, vôi bột với đất, phải bỏ thêm đất xốp, cát dưới gốc. Kinh nghiệm này giúp cây bưởi chống chọi được loài mối xông vào thân. Vào mùa, khi bưởi to bằng cái bát ăn cơm, ông phải dành nhiều ngày công “xếp quả” cho bưởi vào chùm, nhiều chùm có đến 40 đến 50 quả.
 

Làm của hồi môn cho con

Biết tin đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Hòa Bình do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu lên thăm, ông Hùng ra tận đường xã đón. Con đường từ xã về nhà ông được thảm nhựa phẳng lì, xe ô tô chạy vun vút đến tận nhà. Dừng xe, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn được ông Hùng dẫn thẳng ra vườn thăm bưởi. Trò chuyện với Bộ trưởng, ông Hùng cho biết: Còn 3 tháng nữa mới đến Tết nhưng vườn bưởi nhà ông đã cháy hàng.

16-35-46_nh-3
Bộ trưởng và các thành viên đoàn chụp ảnh cùng vợ chồng “Vua bưởi xứ Mường”
 

Dưới tán cây bưởi “cụ”, ông Hùng bật mí, cây bưởi này năm nay cho thu hoạch 600 quả, còn kỷ lục là năm 2012, có đến 700 quả, quả nào cũng đẹp mã, căng mọng. “Nhiều thương lái đến mua, tôi dẫn họ ra những cây bưởi mới có quả to hơn, óng hơn nhưng họ cứ tìm đến cây bưởi cụ, dù có nhiều quả nhỏ hơn nhưng ăn rất ngọt, múi đều. Hiện tại 600 quả bưởi của cây bưởi cụ với giá 40.000 đồng/quả đã được khách đặt tiền mua nên không còn để bán nữa”.

Là người tâm huyết, bao công sức, tiền bạc tích cóp được, ông đầu tư hết vào vườn bưởi 15ha nên nghe đâu có cách làm hay, hiệu quả về trồng bưởi là ông lại khăn gói lên đường để học hỏi. Từ kinh nghiệm bản thân tích lũy được qua thực tế và học hỏi bà con nông dân trồng bưởi ở nhiều vùng miền, ông Hùng trở thành 1 chuyên gia trồng bưởi có tiếng trong vùng, sở hữu nhiều cây bưởi sai quả nhất miền Bắc. Kỷ lục 700 quả/cây bưởi đỏ của ông được Đài Truyền hình tỉnh Hòa Bình làm phóng sự phát cho cả tỉnh xem năm 2012. Cũng từ đó, nhà ông lúc nào cũng đông nượp khách, cây bưởi đỏ được bà con Tân Lạc lùng mua, trồng như thứ cây đặc sản.

Tâm sự với đoàn công tác, ông Hùng thật thà: Trẻ cậy cha, già cậy con, nhưng ông không cậy con mà còn có của cho con. Ông có 7 người con gái đều đã xây dựng gia đình, người nào cũng nhà cao cửa rộng. Với 15ha bưởi được ông tạo dựng bao năm qua, cứ mỗi cô con gái đi lấy chồng, ông làm của hồi môn cho con 2ha. Cô con gái thứ 2 lấy chồng ở Hà Nội cũng được ông chia công bằng 2ha. Vợ chồng ông chỉ còn giữ lại gần 1ha với 140 cây bưởi đỏ và da xanh, trong đó có 130 cây có quả, đặc biệt có nhiều cây có trên dưới 500 quả/vụ.

16-35-46_nh-4
Đoàn công tác thăm cây bưởi “cụ” của ông Hùng
 

“Vừa rồi có hội thảo khoa học về cây bưởi ở đất Tân Lạc, sau khi tham luận và trực tiếp thưởng thức bưởi do tôi phục tráng, trồng, nhiều nhà khoa học, khách mời phải thán phục bưởi rất ngon. Cả đoàn khách của Thái Lan cũng công nhận là ở họ không có giống bưởi ngon như vậy. Từ đầu tháng 11 đến nay, ngày nào tôi cũng tiếp vài chục đoàn khách đến thăm, đặt mua bưởi nhưng tôi phải ưu tiên các khách quen từ nhiều năm trước”, ông Hùng kể chuyện khi mời đoàn thưởng thức đặc sản bưởi đỏ.

Ngoài bán bưởi quả, mỗi năm, ông Hùng còn cung cấp cho bà con xứ Mường ở huyện Tân Lạc và vùng lân cận hàng nghìn cây giống. Khách đến mua cây giống đều được ông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách bón phân tỉ mỉ từng công đoạn. Nhờ có cây giống do ông Hùng cung ứng mà giờ đây vùng đất Tân Lạc trở thành vùng trồng bưởi, một đặc sản mới của tỉnh Hòa Bình.

Thăm vườn bưởi của “Vua bưởi Xứ Mường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương những thành quả mà ông Hùng đạt được. Theo Bộ trưởng, ông Hùng xứng đáng là tấm gương về 1 cựu chiến binh vươn lên làm giàu không chỉ cho gia đình mà còn giúp bà con người Mường ở Hòa Bình cùng làm giàu. Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình có hình thức động viên, khen thưởng ông Hùng là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế hộ gia đình năm 2017.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm