| Hotline: 0983.970.780

Người cựu binh đam mê sưu tầm về Bác Hồ

Thứ Ba 19/05/2020 , 08:51 (GMT+7)

Ông Huy đã dành một căn phòng của gia đình để làm phòng trưng bày những sưu tầm về ảnh, câu chuyện, bài viết, tư liệu liên quan đến Bác Hồ…

Ông Nguyễn Quang Huy vẫn miệt mài chép bài báo về Bác Hồ vào cuốn sổ trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: T.Phùng.

Ông Nguyễn Quang Huy vẫn miệt mài chép bài báo về Bác Hồ vào cuốn sổ trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: T.Phùng.

Xứng danh người lính Cụ Hồ

Đây là bộ sưu tập mà cựu binh Nguyễn Quang Huy (phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) đã miệt mài sưu tập trong nhiều năm qua và trở thành tài sản vô cùng quý giá, có ý nghĩa to lớn đối với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Năm 1966, đang thời trai trẻ, anh Nguyễn Quang Huy lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt.  Sau hai năm tham gia chiến đấu, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đang ở chiến trường ác liệt.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, anh chuyển về công tác tại Xí nghiệp quản lý đường bộ Bình-Trị-Thiên cho đến ngày nghỉ hưu, trở về quê hương.

Nhiều người bạn đến xem bộ sưu tập và trao đổi tư liệu quý cho nhau. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều người bạn đến xem bộ sưu tập và trao đổi tư liệu quý cho nhau. Ảnh: T. Phùng.

“Đó là lần Đảng bộ Thị trấn Ba Đồn triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng nguồn tư liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, học tập cho cán bộ, đảng viên còn ít lắm. Vậy là tôi suy nghĩ và quyết tâm sưu tập ảnh, các bài viết trên nhiều sách báo, tạp chí khác nhau… để phục vụ cho việc học tập và làm theo gương Bác”- ông Huy bồi hồi nhớ lại..

Những ngày đầu, ông Huy cứ trăn trở, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về việc tìm đâu ra ảnh, tư liệu của Bác. Thế rồi, trong một lần đọc báo, ông thấy có nhiều bài viết và ảnh về Bác.  “Lời giải đây rồi chứ đâu nữa”- ông Huy pha ấm trà uống như để thưởng thức và lấy giấy bút ghi thành kế hoạch hành động.

Ngày lại ngày, ông Huy đạp xe đến từng nhà anh em, đồng đội (những ai có đọc báo) để mượn những số báo cũ về xem. “Tôi chú trọng những số báo cũ nhưng là các số báo chào mừng, kỷ niệm về các ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh nhật Bác, Tết Độc lập 2/9… Vì những số báo này hay có những bài viết, ảnh của Bác Hồ”, ông Huy nhắc đến kinh nghiệm của mình.

Sau mỗi tháng nhận lương hưu, ông lại để dành ít tiền, đạp xe quanh huyện Quảng Trạch để tìm mua các loại sách, báo cũ ở các cửa hàng thu mua sách, báo cũ. Ở đó, ông ngồi hàng giờ xem báo cũ. Khi số báo nào có bài, ảnh về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông xin mua lại, cẩn trọng mang về bổ sung vào bộ sưu tập.

Ông Huy tâm sự: “Nếu may mắn mua được những tờ báo, sách cũ có thể cắt nguyên cả bài báo viết về Bác Hồ, tôi lưu giữ cẩn thận để làm tư liệu và chép dần vào các cuốn sổ của mình”.

Gần 2.000 bức ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo cho mọi người dễ xem. Ảnh: T.Phùng.

Gần 2.000 bức ảnh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo cho mọi người dễ xem. Ảnh: T.Phùng.

Còn đối với những tờ báo, cuốn sách có bài viết về Bác mà không mua được thì ông Huy lại mượn mang về nhà. Phần ảnh thì ông thuê thợ chụp lại. Còn bài viết thì tranh thủ ngày đêm chép tay cẩn thận vào cuốn sổ “Có đêm, tôi nhờ vợ đọc, còn mình thì chép. Dù khuya mấy cũng phải làm cho xong để ngày mai là đến hẹn trả lại cho bạn cho mượn. Phải giữ chữ tín chứ không được sai hẹn. Mình thất hứa một lần, lần sau có sách quý thì ai cho mượn”- ông cười nhẹ nhõm trong lòng.

Sau khi đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý, ông Huy cần mẫn chọn lựa, phân loại, sắp xếp ảnh Bác theo thứ tự nội dung, từng giai đoạn cụ thể đóng thành tập.

Trong căn phòng, treo nhiều tập lịch lớn, trên đó là những tấm ảnh về Bác qua từng thời kỳ được đính lên chắc chắn. Ông Huy bảo, nếu ảnh Bác mà đưa vào tập album ảnh thì chỉ ít người xem được.

Nghĩ vậy, nên ông tận dụng những tờ lịch treo tường cũ để dán lên những bức ảnh. Trên tấm lịch, ông cũng mua giấy đỏ về cắt trang trí đường viền cho thật bắt mắt. Cứ mỗi tờ lịch được gia cố thất chắc và được treo lên móc, tiện cho mọi người đến xem.

Một trong những tấm lịch dán ảnh Bác Hồ trong bộ sưu tập của ông Huy. Ảnh: T.Phùng.

Một trong những tấm lịch dán ảnh Bác Hồ trong bộ sưu tập của ông Huy. Ảnh: T.Phùng.

Bộ sưu tập quý giá…

Cần mẫn quên cả thời gian, đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy đã sưu tầm được hơn 1000 bức ảnh về Bác Hồ với nhiều nội dung phong phú. Ngoài ra, ông còn sưu tầm gần 900 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bức ảnh về quê hương Ba Đồn.

Nhiều người thường hay đến nhà ông để đàm đạo và xem bộ sưu tập. Mỗi lần như thế, ông vui lắm. Từ những bức ảnh mà ông sưu tầm được, ông rất tâm đắc với mọi người về lòng kính trọng của mình với Bác Hồ. “Tôi sâu sắc với những bức hình giản dị đời thường của Bác như hình ảnh Bác Hồ trò chuyện với ngư dân khiêng cá lên bờ hay tấm ảnh cùng với quân và dân đánh bóng chuyền, hoặc ảnh cải trang thành tu sỹ trong những ngày hoạt động ở hoạt động ở Thái Lan...”.

Điều cũng đáng nói là gần 2.000 bức ảnh sưu tầm của ông về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều không có bức nào trùng nhau về nội dung.

Ông Huy giữa đời thường. Ảnh: T.Phùng.

Ông Huy giữa đời thường. Ảnh: T.Phùng.

Bây giờ, ông Huy đã có một tài sản quý bái. Đó là gần 2.000 bức ảnh và 5 cuốn sổ lớn, nơi ông lưu lại những bài viết về Bác Hồ từ những cuốn sách, trang báo. 5 cuốn sổ được đóng thành tập gọn gàng, kỳ công với gần 450 bài viết về Bác trên các loại sách, báo, tư liệu khác nhau và chép tay được đánh số từ tập 1 đến tập 5.

Bà Phan Thị Hải Lý, Trưởng phòng Văn Hóa Thông tin Thị xã Ba Đồn, cho hay: “Việc làm của ông Huy làm tuy thầm lặng nhưng vô cùng đáng quý. Ngoài giá trị lịch sử, công trình của ông còn giúp mọi người nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Với ông Huy, việc sưu tầm được những bức ảnh về Bác Hồ là niềm hạnh phúc lớn. “Đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là hành động thể hiện lòng thành kính với Người của tôi, một thời là người lính Cụ Hồ”- ông Huy xúc động nói.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.