Theo BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra phổ biến trong giới trẻ. Nhiều bạn không ý thức được chuyện phải tiêm phòng ung thư cổ tử cung, đến khi biết tầm quan trọng của việc tiêm phòng thì đã từng quan hệ tình dục, hoặc là đã quá tuổi tiêm phòng. Điều này vô hình chung dẫn đến chuyện nhiều chị em sẽ bỏ qua việc tiêm phòng HPV (HPV là nguyên nhân của hầu hết các ung thư cổ tử cung).
"Việc tiêm phòng vacxin HPV sẽ đạt lợi ích tối đa nếu như bạn trong độ tuổi tiêm phòng từ 9-26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nếu bạn từng quan hệ tình dục rồi thì vacxin sẽ không có tác dụng nữa. Bạn hoàn toàn vẫn có thể tiến hành tiêm phòng HPV khi đã từng quan hệ tình dục, thậm chí là nạo, hút thai… miễn là vẫn còn trong độ tuổi tiêm phòng 9-26 tuổi”, BS.CKII Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Đặc biệt, bác sĩ Tiến cho biết, cũng giống như bất cứ loại vacxin tiêm phòng nào, không phải cứ tiêm phòng là hoàn toàn yên tâm không mắc bệnh 100%.
“Tiêm phòng ung thư cổ tử cung không có tác dụng ngăn chặn bệnh 100%. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng, bạn vẫn cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục điều độ, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không nên làm "chuyện ấy" với nhiều người cùng lúc”, bác sĩ Tiến nói.
Điều đáng lưu ý là việc chích ngừa ung thư cổ tử cung cũng không thể thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng năm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đến các bệnh viện, trung tâm uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn sâu tiến hành thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung từ năm 25 tuổi và thực hiện xét nghiệm HPV đơn thuần mỗi 5 năm cho đến 65 tuổi (lựa chọn ưu tiên thực hiện). Nếu xét nghiệm HPV đơn thuần không sẵn có, phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi nên sàng lọc với cotesting (xét nghiệm HPV cùng với tế bào học) mỗi 5 năm hay tế bào học đơn thuần mỗi 3 năm (lựa chọn được chấp nhận).
Phụ nữ trên 65 tuổi, không có tiền sử tân sinh trong biểu mô cổ tử cung độ 2 trong vòng 25 năm qua, và những người có kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung âm tính đầy đủ trong vòng 10 năm trước tuổi 65 sẽ ngừng sàng lọc với bất kỳ hình thức nào.
Ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, hạnh phúc gia đình.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó khoảng 250.000 ca tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.