| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà mê lúa

Thứ Hai 27/12/2010 , 10:25 (GMT+7)

Lần nào gặp bà, tôi cũng thấy một dáng tất tả. Lúc lội ruộng lầy dưới đồng bằng, khi ngược miền núi sản xuất giống bố mẹ, tất tả ngay ở những ô thửa ruộng thí nghiệm...

Lần nào gặp bà, tôi cũng thấy một dáng tất tả. Lúc lội ruộng lầy dưới đồng bằng, khi ngược miền núi sản xuất giống bố mẹ, tất tả ngay ở những ô thửa ruộng thí nghiệm trong khuôn viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Khuôn mặt bà là một hàn…thử biểu về lúa. Vui, buồn, trầy trật, lao đao đều biểu lộ ra từng nếp nhăn nơi đầu mày, cuối mắt. Bà là PGS.TS Nguyễn Thị Trâm.

Ngậm ngùi xin trả tiền thưởng

Học Đại học Nông nghiệp, ra trường, làm việc tại Viện Cây lương thực rồi một cơ duyên đã gắn bó bà Trâm cả đời vào cây lúa. Bà được tập sự rồi làm nghiên cứu tại Bộ môn “Chọn tạo giống lúa” dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Định Của-nhà khoa học di truyền, chọn giống nổi tiếng từ Nhật trở về. Ngoài thầy Của, Bộ môn còn có các nhà khoa học bậc thầy của ngành chọn giống Việt Nam, nơi đã tạo ra các giống lúa cải tiến đầu tiên như Nông Nghiệp 1, Đông Xuân 3, 4, 5, Việt Nam 10...

Vừa nghiên cứu lúa, vừa là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp, ngoài giờ giảng trên lớp, bà Trâm đạp xe xuống nông thôn giúp đỡ đội giống ở các HTX chọn lọc, bình tuyển giống, rút dòng, nhân hạt giống nguyên chủng cung cấp cho nông dân…

Những năm 90 (TK XX), tiến bộ kỹ thuật về lúa lai tràn vào Việt Nam cũng là lúc hạt giống ngoại ùa vào thị trường ồ ạt, siết chặt, bóp nghẹt ngành giống nội. Năm 1993, bà được Bộ NN - PTNT cử đi học lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai tại Trung tâm Lúa lai Hồ Nam (Trung Quốc) với tinh thần “không vào hang cọp, không bắt được cọp”. Sau đợt học, bà thu được nhiều kiến thức, tài liệu, phương pháp để bước vào một hướng nghiên cứu mới: Tìm kiếm, xác định, chọn tạo cải tiến các vật liệu di truyền để tạo dòng bố mẹ và tạo giống lúa lai. Lúc này niềm đam mê chọn tạo giống cuốn hút mọi thời gian và suy nghĩ của bà.

Dù chưa biết lấy phương tiện và kinh phí nghiên cứu từ đâu nhưng bà nghĩ phải bắt đầu ngay. Bà gieo trồng vật liệu, tổ chức sinh viên lai tạo, đánh giá, chọn lọc... Một số việc tỉ mỉ mất thời gian như tuốt dòng, phơi cá thể, sắp xếp, đo đếm bông hạt... bà còn phải nhờ mẹ mình làm. Bà cụ làm thí nghiệm giúp con với vẻ cần cù, cẩn thận, minh mẫn và tận tụy hiếm có. Có lẽ giờ đây, ở đâu đó giữa cõi hư vô, cụ vẫn dõi theo công việc của đứa con mình.

Biết được khó khăn, thiếu thốn và quyết tâm của bà, ông Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp lúc đó đã mời ông hiệu trưởng và bà lên gặp để cấp cho 9.000 đô la, mua sắm một số trang bị tối thiểu. Nhờ số tiền này mà nhóm nghiên cứu đã xây được 360m2 nhà lưới, xây tường rào chống chuột bảo vệ một mẫu ruộng lúa giống, xây một buồng điều hòa nhiệt độ để đánh giá, nhân tạo các dòng vật liệu mới.

Tại một cuộc họp tổng kết sản xuất của Bộ, ông Nguyễn Công Tạn còn tuyên bố sẽ thưởng to cho người chọn tạo được lúa lai ở Việt Nam, thôi thúc sự nôn nóng của bà và nhiều nhà chọn giống khác. Năm 1996, bà chọn ra 2 dòng bố, mẹ trong vườn vật liệu, sản xuất được 12 kg hạt lai F1 đưa tham gia trình diễn tại Hà Tây cùng với giống của bà Tuyết Minh như một dạng “báo công” sau chuyến tầm sư, học đạo xứ người. Lúa trình diễn sinh trưởng rất nhanh, cây khỏe, bông to, trỗ đều. Bộ tổ chức Hội nghị đầu bờ mời nhiều tỉnh đến thăm, đánh giá. Ai nấy nắc nỏm khen ngợi lúa lai Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn phấn khởi ra mặt, rút tiền mặt “thưởng nóng” ngay trong hội thảo trước nhiều nhà lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh và nông dân. Bà Trâm xúc động trào nước mắt. Chỉ một tuần sau, bỗng ông Lê Hồng Nhu, cán bộ phụ trách trồng trọt của Bộ, gọi điện bảo: “Trâm ơi, lúa bạc lá hết rồi”. Bà nghe xong cú điện mà lạnh toát cả chân tay. Tá hỏa xuống hiện trường bà mới hay bệnh bạc lá đã làm cháy gần hết cả mẫu ruộng, không còn năng suất! Sự cố đó khiến Bộ phải vác tiền đi đền.

Bà Trâm xấu hổ đến bẽ bàng vì sự nóng vội của mình nên ngậm ngùi xin Bộ trưởng được trả lại tiền thưởng. Ông Tạn không khiển trách điều gì mà còn động viên rằng: “Phần thưởng này giành cho người tạo ra giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam chứ chưa phải là thưởng cho giống lúa lai tốt”. Lời nhắc nhở rất khéo khiến bà xấu hổ mà vẫn không còn cách nào từ chối. Lời nhắc nhở như kim nhọn, như mật đắng thôi thúc bà hàng ngày tìm cách cải tiến mọi đặc tính của giống và thận trọng hơn khi đưa giống ra sản xuất đại trà.

Tạo "bom tấn" trên thị trường giống

Tuy nhiên để cải tiến giống theo hướng nâng cao tính chống chịu sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt cần thời gian dài mà bà lại đã đến tuổi nghỉ hưu, quỹ thời gian làm việc đã hết. Bà quyết định giành thời gian còn lại của cuộc đời để thực hiện ý tưởng chọn tạo giống lúa lai thích ứng với điều kiện Việt Nam bằng cách xin trường ở lại làm việc tiếp với điều kiện được sử dụng gần 1 ha ruộng trồng lúa và một phòng thí nghiệm nhỏ để nghiên cứu.

Bà chỉ hưởng lương hưu, dùng kết quả nghiên cứu của mình để “mỡ nó rán nó” trả mọi kinh phí nghiên cứu khoa học, trả lương cho cộng tác viên. Đề nghị được chấp nhận. TS Trâm lại như được tắm gội trong bầu nhiệt huyết son trẻ. Lại những buổi làm việc không kể thời gian, mưa nắng. Lại những lao tâm, khổ tứ đến rạc người để cải tiến những nhược điểm của từng vật liệu, chọn lọc, đánh giá, lặp lại nhiều lần. Cuối cùng sự cố gắng không mệt mỏi đã đem lại thành công là tạo ra các dòng bất dục đực, các dòng cho phấn mới, các giống lúa lai, lúa thuần có giá trị sử dụng cao.

Giống lúa lai hai dòng TH3-3 cùng với quy trình nhân hạt giống bố mẹ và quy trình sản xuất hạt lai F1 được công nhận năm 2005, trình diễn trên 26 tỉnh thành và nông dân chấp nhận. Sau giống lúa lai TH3-3 là TH3-4, TH3-5, TH5-1, TH7-2 và lúa thuần thơm Hương Cốm. Bà cũng là tác giả của “bom tạ” chuyển nhượng bản quyền giống TH3-4 với giá bán 700 triệu và “bom tấn” TH 3-3 với giá bán 10 tỉ đồng, tạo sóng lớn trên thị trường giống. Chuyển nhượng xong, diện tích sử dụng giống mở rộng nhanh rõ rệt. Năm 2009 diện tích sản xuất hạt lai F1 của 2 giống được chuyển nhượng chiếm trên 60% tổng diện tích sản xuất hạt lai trong nước, cung cấp trên 1.000 tấn hạt lai/năm cho nông dân các tỉnh phía Bắc, tạo lợi thế canh tranh cho lúa lai nội.

Phòng nghiên cứu của bà trở thành đơn vị đi đầu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 115 của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống. Sau 10 năm làm việc ở tuổi nghỉ hưu, một nhóm nghiên cứu bé nhỏ từ chỗ có 3 người, đã lớn mạnh thành một Phòng nghiên cứu vững vàng, có tay nghề thực hành chọn tạo giống lúa giỏi với 2 tiến sĩ; 6 thạc sĩ; 4 kỹ sư; 1 kỹ thuật viên…

Tôi gặp bà sau trận ốm. Mặt mũi phờ phạc, giọng mệt phờ, tóc bù rù rối nhưng nói về lúa lai, bà vẫn không ngừng mơ ước: “Hồi tôi học, các thầy giáo Trung Quốc dạy rằng, thế kỷ 21 là của lúa lai hai dòng. Tôi vẫn tin là vậy nhưng thực tế không phải. Giờ 75% diện tích lúa lai của họ là ba dòng trong đó có những giống ở diện nhỏ đạt tới 19 tấn/ha. Chính vì thế, từ năm 2005, tôi bắt đầu quay ra nghiên cứu 3 dòng, 2009 sản xuất thử một giống, năm nay lại đang khảo nghiệm một giống tiếp theo…” 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.