| Hotline: 0983.970.780

Người dân bức xúc vì bị thu tiền tiêu hủy heo mắc dịch tả Châu Phi

Thứ Ba 30/07/2019 , 12:20 (GMT+7)

Mỗi con heo (lợn) chết do dịch tả Châu Phi, người dân phải nộp cho tổ thu dọn xác từ 200 - 300 ngàn đồng.

Gần đây, nhiều người dân tại xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam) rất bức xúc khi phải nộp tiền mới được chính quyền đưa heo chết do bệnh dịch tả Châu Phi đi tiêu hủy.

Bà Hồ Thị Chấp (75 tuổi, thôn 2) cho biết, người dân trong xã đang rất bất bình vì chính quyền đòi thu phí tiêu hủy xác heo hết.

Theo quy định về mức phí tiêu hủy mà chính quyền đưa ra, loại lợn từ vài chục kg đến dưới 100 kg thì mức phí là 200 ngàn đồng/con, heo trên 100 kg thì mức phí là 300 ngàn đồng/con.

Trong khi đó, ở các xã lân cận, khi heo chết được lực lượng phòng chống dịch đến nhà cân trọng lượng và lập biên bản thống kê đưa đi tiêu hủy và không mất tiền.

Người dân đưa heo ra điểm chôn lấp mà không lấp xác heo lại, gây ô nhiễm môi trường.

“Gia đình tôi nuôi hai con heo nái có tổng trọng lượng gần 200 kg. Sau khi phát hiện heo bị mắc bệnh dịch tả châu Phi, gia đình tôi đã báo cho cán bộ thú y đến đưa đi tiêu hủy. Sau khi cân xong trọng lượng và kí vào biên bản, tôi phải đóng cho tổ thu dọn xác 500 ngàn đồng mới được chở đi tiêu hủy”, bà Chấp bức xúc.

Cũng theo lời bà Chấp, nếu chủ hộ không đóng tiền thì người nhà phải tự chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã để chôn lấp. Trong khi đó, bà chỉ sống một mình, tuổi cao sức yếu không thể tự chở heo đi được. Sợ heo chết bốc mùi hôi thối, bà buộc phải đóng tiền để xe thu gom chở xác đi.

Tương tự, anh Vũ Đông (24 tuổi, thôn Vân Tây) cho biết, gia đình anh cũng có 2 con heo bị chết do dịch tả châu Phi. Sau khi báo thú y thì có người tới cân heo và thu phí 200 ngàn đồng.

Một số người dân tại đây cho hay, mức phí đưa ra phụ thuộc vào trọng lượng của mỗi con heo. Heo càng nặng thì tiền càng nhiều. Nhiều hộ dân vì không có tiền để nộp nên đã tự chở xác heo ra điểm chôn tập trung rồi bỏ lại mà không đào hố lấp lại, khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất ô nhiễm môi trường.

Việc tiêu hủy heo mắc bệnh ở xã Bình Triều tương đối sơ sài.

Được biết, theo quy định thì người dân sau khi phát hiện heo bị bệnh dịch tả châu Phi thì báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, lực lượng của xã sẽ đến và đưa đi tiêu hủy, những người tham gia công tác phòng chống dịch được tiền ngân sách chi trả theo ngày công. Tuy nhiên, tại xã Bình Triều lại buộc người dân phải đóng phí thì mới chịu chở xác đi tiêu hủy.

Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều thừa nhận, việc đội tiêu hủy heo dịch bệnh thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên, nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác heo đi tiêu hủy gặp rất nhiều khó khăn. Do đó phải thu tiền của người dân để chi trả.

Cũng theo ông Ba, tiền chi trả cho những người tham gia thu gom chôn lấp xác động vật thấp hơn công lao động ở địa phương nên chính quyền xã đang gặp khó khăn trong vấn đề thuê người làm.

"Hiện tại, xã đã thu tiền của dân khoảng 125 triệu đồng, sau khi có tiền nhà nước chi trả vận chuyển heo đi tiêu hủy sẽ dùng để trả lại cho người dân", lãnh đạo xã Bình Triều nói.

Trước sự việc này, UBND huyện Thăng Bình đã ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiểu hủy heo mắc bệnh dịch tả Châu Phi.

UBND huyện Thăng Bình đề nghị các địa phương sử dụng nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch. Tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có heo mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm. 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất