| Hotline: 0983.970.780

Người dân Cát Bà có thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản ở đâu?

Thứ Bảy 14/08/2021 , 20:06 (GMT+7)

HĐND Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Hơn 60 tỷ được TP Hải Phòng hỗ trợ cho người dân tháo dỡ lồng bè ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Muời.

Hơn 60 tỷ được TP Hải Phòng hỗ trợ cho người dân tháo dỡ lồng bè ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Muời.

Trong đó, sẽ hỗ trợ 19.857.983 đồng/nhà chòi, 836.000 đồng/ô lồng nuôi cá và hỗ trợ 89.008 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể.

Với sản phẩm nuôi, các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 sẽ hỗ trợ là 25.000 đồng/m3, các ô lồng tháo dỡ từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 sẽ hỗ trợ 12.500 đồng/m3. Đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 với mức 12.500 đồng/m2.

TP Hải Phòng cũng quyết định hỗ trợ ổn định đời sống đối với thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021, mức hỗ trợ là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.

Theo khảo sát, hiện tại đang có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi, tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận.

Trong số các hộ dân này, có 1.094 nhân khẩu có hộ khẩu tại Hải Phòng và 204 nhân khẩu có hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác.

Khi các cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ hoàn toàn thì những lao động chính trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản này bị mất việc làm, đời sống sinh hoạt của họ sẽ gặp nhiều khó khăn dù đã được hỗ trợ một phần.

Những người dân này sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản đã nhiều năm, nhiều người vẫn muốn tiếp tục gắn bó, tuy nhiên chưa biết sau khi tháo dỡ lồng bè thủy sản theo chủ trương của TP Hải Phòng thì họ sẽ tiếp tục nuôi trồng ở đâu?

Người dân có thể tiếp tục nuôi thủy sản lồng bè ở 1 số điểm khác ở Cát Bà nhưng phải quy củ và hiệu quả hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân có thể tiếp tục nuôi thủy sản lồng bè ở 1 số điểm khác ở Cát Bà nhưng phải quy củ và hiệu quả hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Về vấn đề này, theo đề án của Sở NN-PTNT Hải Phòng, người dân có thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản để sinh nhai tại vị trí neo đậu nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2018 và năm 2019.

Đó là khu vực từ cửa Hang Vẹm đến vụng O Vịnh bến Bèo thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích quy hoạch nuôi là 41 ha, bố trí khoảng 118 cơ sở nuôi với 1.888 ô lồng và khu vực bến Gia Luận, diện tích quy hoạch nuôi là 15 ha, bố trí khoảng 12 cơ sở nuôi với 192 ô lồng.

Những người tham gia nuôi trồng thủy sản ở những vị trí mới này cần phải tuân thủ yêu cầu về công nghệ nuôi và bảo vệ môi trường phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên công nghệ mới, bảo vệ môi trường bền vững.

Mặt khác, khi triển khai xây dựng bộ hướng dẫn thiết kế mẫu về kiểu dáng, kích thước, vật liệu kiến trúc ô lồng, nhà bè, công nghệ nuôi trồng và thiết bị thu gom nước thải, rác thải... tại vị trí neo đậu được UBND TP Hải Phòng phê duyệt đảm bảo môi trường phục vụ tham quan, du lịch.

Để có thể nuôi trồng thủy sản ở các khu vực nói trên, người dân cần tham gia đấu giá theo khung giá tiền sử dụng khu vực biển đối với mục đích nuôi trồng thủy sản quy định tại Nghị định số 11, ngày 10/02/2021 của Chính phủ với mức giá khởi điểm khoảng từ 4.000.000 - 7.500.000 đ/ha/năm.

UBND huyện Cát Hải sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện việc giao, cho thuê mặt nước biển, khu vực biển nuôi trồng thủy sản thông qua hình thức đấu giá, thời gian triển khai thực hiện, dự kiến trong năm 2021.

Có thể nói, nghề nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ khẳng định được lợi thế và tiềm năng, đặc biệt đã giải quyết việc làm, thu nhập cho trung bình 3 lao động cho một cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó còn cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho ngành du lịch, hạn chế khai thác hủy diệt nguồn thủy sản, tăng khả năng dự trữ thực phẩm trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, quy mô sản xuất mang tính đơn lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các khâu trong sản xuất, đầu ra không ổn định đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực như cảnh quan, giao thông, môi trường…

Nhiều năm trước đây, TP Hải Phòng cũng đã định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản tập trung vào công tác cắt giảm, tiến tới tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở khu vực vịnh Trà Báu, vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Bà và sắp xếp lại ở khu vực vịnh Bến Bèo và Bến Gia Luận.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.