| Hotline: 0983.970.780

Người dân 'dài cổ' chờ tiền bồi thường vì giống lúa kém chất lượng

Thứ Tư 24/05/2017 , 13:45 (GMT+7)

Vụ mùa năm 2016, với tên gọi mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI nhưng Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đã đưa giống lúa kém chất lượng và vật tư nông nghiệp giá trên trời cho bà con nhân dân sản xuất trên diện tích lớn.

11-15-11_1
Giống lúa kém chất lượng đã mang họa đến cho người dân

Chẳng những thế, đơn vị này còn “tuồn” những giống lạ hoắc chưa qua thử nghiệm, cũng không nằm trong bộ giống của tỉnh cho người dân sử dụng.
 

Dân ngóng bồi thường

Trong vụ mùa 2016, tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn người dân đã mua phải hai giống lúa kém chất lượng là KB1 và PAC 837 về sản xuất. Hai giống lúa này được cung ứng thông qua Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn. Do không đảm bảo chất lượng nên hai giống lúa đã làm cho hàng trăm héc ta lúa của người dân bị mất mùa. Đã qua vụ mùa, đến vụ giáp hạt nhiều hộ bị thiệt hại đang phải đi đong gạo về ăn, trong khi đó việc hỗ trợ đền bù cho họ vẫn chưa được tiến hành.

Chị Trần Thị Thảo ở bản Đăm (xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn) cho biết, vụ mùa 2016, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân ở xã Đức Vân mua phải hai giống lúa kém chất lượng là PAC 837 và KB1 nên mất mùa. Nhà chị chỉ có 2.000m2 ruộng thì có đến hơn nửa diện tích trồng hai giống lúa này nên cả vụ chỉ thu được vài bao thóc. Nhà có 5 nhân khẩu nên chả mấy chốc nhà hết gạo ăn, bây giờ chuyện ra chợ đong gạo từng bữa đã trở dần trở nên quen thuộc với gia đình chị...

Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình ông Hồ Lý Giáo ở cùng thôn với nhà chị Thảo cũng lo lắng khi mà trong nhà chỉ còn mấy bao thóc, trong khi đó gần 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch vụ lúa mới. Thời gian này, hai vợ chồng ông Giáo dù tuổi đã cao nhưng phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Nhà ông Giáo cũng có 2.000m2 ruộng, trong đó một nửa diện tích cũng trồng phải hai giống lúa kém chất lượng nói trên.

Ông Lý Hồ Giáo cho biết, trong thôn cũng nhiều người cấy hai giống lúa PAC 837 và KB1 và đều mất mùa. Hiện nhiều gia đình cũng trong tình cảnh hết thóc phải đi đong gạo chịu. Chắc chắn, năm nay, sẽ không ai dám cấy hai giống lúa lạ nói trên nữa.

Ông Lương Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn cho biết, trong thôn nhiều hộ cấy hai giống lúa này và một số hộ thiệt hại khá lớn, chỉ thu được vài ba bao thóc nên không đủ ăn. Các hộ trong thôn đa số còn khó khăn nên phải cứu đói giáp hạt và chờ sự hỗ trợ đền bù từ phía Cty cung ứng giống.

Chỉ riêng tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, người dân đã trồng khoảng 12ha lúa PAC 837 và KB1. Hai giống lúa này được các cơ quan chức năng xác định là chưa qua khảo nghiệm, chưa trồng thử tại địa phương, không nằm trong bộ giống của tỉnh. Khi bà con đem trồng, lúa bị mắc bệnh đạo ôn, cây phát triển kém gây mất mùa. Trong đó có rất nhiều diện tích không cho thu hoạch. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã làm các thủ tục để yêu cầu các đơn vị cung ứng giống đền bù cho các hộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, dù đã gần một năm trôi qua, đến nay, những hộ này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Với nhiều hộ bị mất mùa do hai giống lúa này, nguy cơ thiếu đói đã hiển hiện trước mắt.


Khó khăn

Ngày 3/3/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 242 về việc phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại cho người dân gieo trồng bằng giống lúa thuần KB1 và giống lúa lai 3 dòng PAC 837 trong vụ mùa năm 2016 do Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn cung ứng.

Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã thống kê có 133,167ha lúa KB1 bị thiệt hại, diện tích thiệt hại của giống lúa PAC 837 là 20,667ha. Về mức hỗ trợ, thiệt hại từ 10% đến dưới 30% sẽ không được hỗ trợ; thiệt hại từ 30 - 100% sẽ hỗ trợ 70% sản lượng thiệt hại đối với từng mức thiệt hại. Về đơn giá hỗ trợ cho cả hai giống lúa là 6.500 đồng/kg chung cho cả 4 huyện. Năng suất bình quân để tính hỗ trợ như sau: Huyện Chợ Mới 49,23 tạ/ha, huyện Bạch Thông 47,38 tạ/ha, huyện Ngân Sơn 41,20 tạ/ha và huyện Chợ Đồn 46,53 tạ/ha. Tổng kinh phí bồi thường thiệt hại đối với hai giống lúa là hơn 1 tỷ 700 triệu đồng.

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã yêu cầu Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với các huyện có giống lúa bị thiệt hại thực hiện việc chi trả bồi thường cho người dân. Sở NN-PTNT có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong quá trình thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.

Vậy nhưng, ông Đào Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn cho biết, do diện tích thiệt hại và số tiền đền bù khá lớn nên Cty chưa thể chi trả hết được. Phía Cty sẽ cho kiểm tra lại và cố gắng chi trả cho một số huyện trong thời gian sớm nhất.

Phải mất hơn nửa năm thì tỉnh Bắc Kạn mới yêu cầu Cty thực hiện bồi thường cho người dân, và nay, Cty lại đưa ra những khó khăn về tài chính. Vậy là người dân lại mỏi cổ ngóng chờ tiền bồi thường.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất