| Hotline: 0983.970.780

Người dân Hải Lăng dọn 'tàn tích' sau lũ

Thứ Năm 16/11/2023 , 22:09 (GMT+7)

Đến chiều 16/11, trời hửng nắng, nước trong các khu dân cư từ từ rút, người dân vùng lũ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dọn dẹp nhà cửa, ổn định sinh hoạt.

Một số khu dân cư tại huyện Hải Lăng vẫn còn bị chia cắt cục bộ. Ảnh: Võ Dũng.

Một số khu dân cư tại huyện Hải Lăng vẫn còn bị chia cắt cục bộ. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Khoảng 9h sáng ngày 14/11, trời mưa như trút. Nước từ sông Ô Lâu, Ô Giang, sông Nhùng lên cao và bất ngờ tràn vào nhiều khu dân cư các xã Hải Định, Hải Lâm, Hải Phong, Hải Trường, Hải Sơn… của huyện Hải Lăng.

Chỉ trong chốc lát, gần 1 nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước; các tuyến đường giao thông bị chia cắt, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhiều công trình xây dựng, hoa màu bị hư hỏng; vật dụng trong gia đình, nông sản không kịp di chuyển bị ướt nước. Một số khu dân cư bị cô lập cục bộ…

Lực lượng chức năng huyện Hải Lăng đã phải di dời 148 hộ với 415 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Đêm 15/11, trời bắt đầu tạnh, nước trên các dòng sông rút dần, người dân vùng lũ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nước ra đến đâu dội sạch bùn đất đến đó.

Nước vừa ra đến nửa sân, ông Nguyễn Phú Xuân tại thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm đã huy động nhân lực dùng xô, chậu múc nước dội sạch từ trong ra ngoài. Ông Xuân cho hay, trong thôn có đến 70-80% hộ dân bị nước vào nhà, thấp thì 20-30cm, cao thì hơn nửa mét. Con đường dẫn vào thôn Xuân Lâm ngập đến cả 1 mét nước.

Chính quyền khuyến cáo người dân không nên đi lại trên những tuyến đường còn ngập sâu. Ảnh: Võ Dũng.

Chính quyền khuyến cáo người dân không nên đi lại trên những tuyến đường còn ngập sâu. Ảnh: Võ Dũng.

Xuân Lâm là vùng rốn lũ nên gần như nhà nào cũng có thuyền nhỏ để đi lại vào mùa mưa lũ và gác xép để các vật dụng khi nước lũ dâng cao. Tuy nhiên, ngày 14/11, nước lên đột ngột nên một số hộ không kịp trở tay. Gia đình ông nuôi đàn gà, không có chỗ nuôi nhốt cao ráo nên cứ người lên cao đến đâu thì gà đi theo đó.

“Nước rút dần rồi, nhà nhà dọn dẹp, chùi rửa để sớm ổn định sinh hoạt. Năm nay, gia đình tôi 2 lần bị nước lũ vào nhà rồi. Tuy thiệt hại chưa lớn nhưng nếu tiếp tục mưa nữa thì thiệt hại rất khó đo đếm. Cầu mong trời đừng mưa nữa để người dân vùng lũ dọn dẹp nhà cửa, ổn định sinh hoạt” – ông Phú cho hay.

Vợ chồng ông Hoàng Kim Chạy tại thôn Xuân Lâm cũng đang tất bật dọn dẹp quán để trở lại kinh doanh buôn bán. Sáng 14/11, khi nước dâng lên, vợ chồng ông phải cầu cứu hàng xóm đến dỡ hàng, kê cao tủ, giường và các vật dụng để tránh lũ.

Tại một số khu dân cư, người dân vùng lũ vẫn di chuyển bằng thuyền nhỏ. Ảnh: Võ Dũng.

Tại một số khu dân cư, người dân vùng lũ vẫn di chuyển bằng thuyền nhỏ. Ảnh: Võ Dũng.

“May mà chạy kịp. Giờ dọn dẹp để chuẩn bị trở lại kinh doanh buôn bán. Cầu trời đừng mưa chứ nước cứ lên xuống thường xuyên thế này không làm ăn gì được”, ông Chạy chia sẻ.

Sáng 16/11, khi nước bắt đầu xuống đến sân trường, các cô giáo Trường Mầm non Hải Lâm cũng tập trung đến điểm trường Xuân Lâm để dọn dẹp đồ dùng học tập, chuẩn bị đón học sinh sau 1 ngày nghỉ học.

Cô giáo Trần Thị Minh Khai cho hay, nước ngập nền trường khoảng 50cm. Rất may là mọi vật dụng, đồ dùng học tập đã được giáo viên chủ động kê cao trước đó. Hiện nay, các giáo viên nhà trường đang tích cực dọn dẹp các phòng học, khi nước rút sẽ tập trung dọn dẹp khu vực xung quanh để đảm bảo vệ sinh cho học sinh đến trường học trở lại.

Người dân vùng lũ dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân vùng lũ dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Ảnh: Võ Dũng.

“Vùng lũ thì chuyện ngập lụt cũng quen rồi. Chỉ mong trời đừng mưa nữa. Nước lên, không chỉ nhà trường mà người dân cũng khổ, các cháu phải nghỉ học, đi lại cũng rất nguy hiểm”, cô Khai cho hay.

Tính đến chiều 16/11, trời đã tạnh hẳn mưa, nước trên các sông tại huyện Hải Lăng đang rút chậm; một số tuyến đường đã có thể lưu thông. Tuy nhiên, tại một số vùng rốn lũ của huyện Hải Lăng, các khu dân cư vẫn còn bị cô lập cục bộ. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không được chủ quan vượt qua những đoạn đường còn ngập sâu.

Cuộc sống người dân vùng lũ sẽ sớm trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, trong những ngày vừa qua, mưa lũ đã khiến 1 người chết, 2 người mất tích; trên 3 nghìn nhà dân bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Tính đến chiều 16/11, mực nước trên các sông chính chủ yếu ở dưới mức báo động 2. Nước đang rút dần; mực nước tại các hồ đập lớn đều dưới dung tích thiết kế… Hiện nay, lũ đã bắt đầu rút, nếu trời không mưa, cuộc sống người dân sẽ sớm trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.