| Hotline: 0983.970.780

Người dân khổ sở với tuyến đường trăm tỷ bị tạm dừng suốt 2 năm

Thứ Ba 14/06/2022 , 12:05 (GMT+7)

Tuyến đường có vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng thi công ì ạch vì vướng mặt bằng hơn 2 năm qua khiến hàng trăm hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng.

Đường trăm tỷ dang dở, người dân chịu khổ

Dự án đường Hùng Vương (đoạn từ Nguyễn Công Trứ đến đường Nguyễn Văn Cừ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), có chiều dài 1,7 km với tổng mức đầu tư hơn 102 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh 45%; vốn thành phố 55%). Trong đó, chi phí bồi thường GPMB hơn 38 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 36 tỷ đồng, còn lại các chi phí khác.

Dự án, do Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trúng thầu thi công. Thời gian thực hiện hợp đồng 400 ngày (kể từ ngày 22/12/2020), dự kiến đến đầu năm 2022 dự án sẽ hoàn thành.

Đến nay, dự án đã trễ hẹn gần 6 tháng nhưng công trình vẫn đang ngổn ngang, chưa xác định được thời gian hoàn thành. Nguyên nhân dẫn đến dự án đường trăm tỷ phải tạm dừng là vì vướng khâu GPMB các hộ dân hai bên đường (thuộc phường Tân Lập và Tự An).

Người dân sống 2 bên đường Hùng Vương phải tưới nước để không bị bụi. Ảnh: Quang Yên.

Người dân sống 2 bên đường Hùng Vương phải tưới nước để không bị bụi. Ảnh: Quang Yên.

Theo ghi nhận, đoạn đầu tuyến (từ đường Nguyễn Công Trứ đến Ama Khê) chưa có dấu hiệu thi công, đoạn từ đường Ama Khê trở về cuối tuyến nhà thầu mới thi công được hơn 100 mét đường cấp phối và bó vỉa bê tông. Ngoài ra, một số vị trí nhà thầu mới hạ nền đường đến trước cổng nhà dân rồi dừng lại đã tạo thành "vực sâu" phía trước. Việc này khiến nhiều nhà dân bị “tắc” lối vào nhà vì cổng nhà và mặt đường chênh nhau gần 1m.

Bà Nguyễn Thị Đang (ngụ đường Hùng Vương, phường Tân Lập) bức xúc cho biết, khi triển khai thi công người dân ủng hộ, phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên thi công được hơn 6 tháng, dự án đường trăm tỷ này phải dừng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân 2 bên đường.

“Đoạn đường trước nhà đơn vị thi công ủi đường, đổ đá rồi để đó suốt 2 năm nay. Vào mùa nắng mỗi lần xe tải, ôtô di chuyển qua thì bụi bay mùi mịt bám vào các vật dụng trong gia đình. Trước đây đường hư hỏng, xuống cấp cứ ngỡ khi dự án được triển khai thì khang trang, sạch sẽ hơn. Không ngờ tuyến đường hiện nay lại nham nhở, nhếch nhác đến như vậy”, bà Đang thở dài.

Tuyến đường được nhà thầu múc sâu xuống khiến nhà dân nằm trồi lên gần 1 mét. Ảnh: Quang Yên.

Tuyến đường được nhà thầu múc sâu xuống khiến nhà dân nằm trồi lên gần 1 mét. Ảnh: Quang Yên.

Còn ông Trần Thanh Tú (ngụ đường Hùng Vương, phường Tự An) cho biết, trước khi thi công cán bộ khảo sát, đo đạc xuống thông báo nhà của gia đình bị lấy vào sân hơn 1m.

“Sau đó, họ kẻ vạch và nói tôi ký vào biên bản. Từ đó đến nay, các đơn vị không tổ chức họp dân hay có bất kỳ thông báo gì. Trong khi đó, nhà thầu thi công múc nền đường khiến gia đình không có lối ra vào nhà. Để thuận tiện việc đi lại, gia đình phải đổ đá làm lối đi tạm”, ông Tú nói.

Thi công rồi mới vận động dân hiến đất

Mặc dù chưa giải phóng mặt bằng xong nhưng đơn thị thi công đã khởi động dự án. Từ đó khiến dự án đường trăm tỷ này phải tạm dừng cho đến nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay dự án còn vướng hạ tầng, điện nước. Hiện công tác GPMB đã đo đạc xong và ban hành thông báo thu hồi đất nhưng chưa lập phương án, chưa có giá trị để bồi thường.

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột đã có văn bản gửi UBND phường Tân Lập, Tự An cho biết, qua định vị phạm vi thi công dọc hai bên tuyến đường vướng một số hàng rào, mái che và nhà tạm,… của các hộ dân.

Dự án đang vướng mặt bằng nên phải dừng lại dẫn đến trễ hạn gần 6 tháng. Ảnh: Quang Yên.

Dự án đang vướng mặt bằng nên phải dừng lại dẫn đến trễ hạn gần 6 tháng. Ảnh: Quang Yên.

Để đảm bảo mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình được triển khai hoàn thiện các hạng mục nền, móng, mặt đường và hệ thống thoát nước theo hồ sơ thiết kế đã phê duyệt. UBND thành phố đề nghị UBND các phường tổ chức vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình tạm, mái che, hàng rào,… nằm trong phạm vi thi công xây dựng công trình, sớm bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thiện tuyến đường.

“UBND TP Buôn Ma Thuột giao các đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dọc hai bên đường Hùng Vương và thông báo chủ trương Nhà nước bố trí ngân sách để đầu tư công trình, do đó sẽ không bồi thường về diện tích đất bị thu hồi. Tuy nhiên, các hộ dân được hỗ trợ 50% mức giá trị tài sản, vật kiến trúc (đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ) trên đất bị ảnh hưởng. Chỉ xem xét bồi thường đối với những trường hợp diện tích đất còn lại khi bị thu hồi nhỏ, công trình xây dựng bị phá vỡ kết cấu”, ông Vũ Văn Hưng nói.

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Đắk Lắk - đơn vị được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột (chủ đầu tư dự án) chỉ định thầu tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công dự toán nhưng trong quá trình khảo sát không khảo sát kỹ các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong đó có tuyến cấp nước hiện hữu nằm dưới lòng đường nhưng không đưa ra được giải pháp hợp lý nhằm đánh giá hiện trạng và có phương án di dời, dẫn đến xảy ra các vướng mắc, phát sinh cần phải xử lý trong quá trình triển khai thi công.

UBND TP Buôn Ma Thuột phê bình Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Đắk Lắk đã thiếu sót trong việc khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán đối với dự án trên. Đồng thời UBND TP Buôn Ma Thuột cũng phê bình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu tư vấn chưa đảm bảo năng lực.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm