| Hotline: 0983.970.780

Người dân Nam Sơn tháo lều bạt, ngừng chặn xe chở rác

Thứ Hai 14/01/2019 , 21:08 (GMT+7)

 Sau mấy ngày người dân xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cố thủ lập chốt,  chặn các xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, dẫn đến tại các quận nội thành rác thải ùn ứ, chất thành núi thì 17h chiều 14/01, họ đã tháo lều bạt, "lui quân".

19-39-22_nh_1Người dân dựng lều bạt ngăn chặn xe chở rác vào khu xử lý rác thải

20 năm sống chung với ô nhiễm

 Đi xuống xã, theo ghi nhận của PV, đầu giờ chiều 14/1 vẫn có khoảng 50 người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) tập trung, căng lều bạt tại 2 con đường hướng vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, nhằm chặn các xe chở rác từ nội thành TP Hà Nội đổ về đây.

 Lý do theo người dân là bãi rác ô nhiễm, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, khiến nhiều người bị bệnh, nhưng việc di dời dân khỏi vùng ô nhiễm vẫn không tiến triển như dự tính. Vì vậy, bà con dựng lều bạt ngăn xe chở rác. Dù Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã xuống đối thoại nhưng người dân vẫn chưa xuôi.

Ông Nguyễn Bình Hùng, thông Đông Hạ, xã Nam Sơn cho biết: “Chúng tôi đã 20 năm chịu ô nhiễm, xã hứa di dời nhưng mãi không thực hiện. Không ai muốn ra đây tụ tập, ngăn cản làm gì, mà là việc cực chẳng đã. Mong muốn của chúng tôi là chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm, được hít thở không khí trong lành. Chính quyền nói phải chia sẻ, nhưng chúng tôi đã chia sẻ 20 năm nay rồi, giờ TP phải thực hiện lời hứa chứ”.

Theo ông Hùng, từ năm 2016, huyện giải quyết không được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về đối thoại và hứa giải quyết, dân rất tin, tuy nhiên đến nay việc di dời dân vẫn chưa tiến hành. Trong khi bãi rác thải ngày càng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ngấm vào nguồn nước.

Chị Nguyễn Thị Tâm, xóm 20, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, nhà chỉ cách bãi rác thải một con đường bê tông, cách hồ xử lý lý nước của NM xử lý rác 6m, ngày ngày hít mùi hôi thôi từ nước thải, rác thải.

19-39-22_nh_3Người dân bức xúc nêu ý kiến

“Nước từ NM cấp nước sạch chỉ cách 400m, nhà nào có điều kiện mua bình nước lọc, không vẫn phải dùng nước này. Ruồi đậu kín cả gốc cây, ăn cơm còn mắc màn, ngủ phải bịt khẩu trang. Khách từ nơi khác đến không dám ăn cỗ, gửi tiền mừng rồi về. Những lúc NM sục vôi, hóa chất, chúng em nằm trong phòng, đóng kín cửa, bật điều hòa, nhưng nước mắt vẫn chảy ra. Thế mà xã chỉ hỗ trợ 50 nghìn đồng/tháng chỗ gần nhất, chỗ xa thì 25 nghìn đồng”, chị Tâm chia sẻ.

Người dân cho biết mong muốn được đối thoại với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải hoặc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về vấn đề này.

Chính quyền đưa ra lộ trình di dời

 Tuy nhiên, theo ghi nhận 17h chiều 14/1, bà con đã nhổ lều bạt, "lui quân" đồng ý cho các xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết, có được kết quả đó là nhờ UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc, trong đó nêu rõ lộ trình di dời các hộ dân, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể.

Giao UBND huyện trước ngày 17/1 phải nộp hồ sơ gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m; tổ chức triển khai việc cắm mốc giới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) trước ngày 15/2.

Trước ngày 30/3, UBND huyện Sóc Sơn tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ từ quý 2/2019. UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giải thích để các hộ chấp hành, không cản trở việc vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

“Do nguyện vọng của người dân trong vòng bán kính 500m phải được di chuyển nhưng chưa thực hiện nên người dân mới chặn xe rác. Lộ trình di dời này là chậm so với mong muốn của bà con”, ông Oanh nói và cho biết huyện đang thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP.

Xe chở rac chờ vào khu xủ lý

Theo ông Oanh, trên địa bàn xã có khoảng 535 hộ dân phải chuyển. Đến thời điểm này đã có tổ công tác đến kiểm đếm, khái toán và tiến tới xây dựng phương án bồi thường. Cũng theo ông Oanh, TP đã hỗ trợ thêm cho người dân trong khu vực ảnh hưởng 20% bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.

UBND huyện cũng đã kiến nghị vấn đề công nghệ chôn lấp rác thải lạc hậu, gây ô nhiễm, Chủ tịch Hà Nội đã ghi nhận và cho biết sẽ có lộ trình để đầu tư công nghệ tiên tiến hơn để xử lý rác thải.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản chỉ đạo Sở TN- MT trước ngày 17/1 tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho UBND huyện Sóc Sơn (cụ thể là Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn) việc bồi thường, hỗ trợ, GPMB theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng bị ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Trước ngày 20/1, Sở phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; phối hợp với UBND huyện phê duyệt, cắm và bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho huyện trước ngày 20/2, làm cơ sở để tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, GPMB theo quy định.

Ngoài ra, Sở TN- MT chủ trì, phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện hồ sơ cập nhật danh mục dự án thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện Sóc Sơn; giao UBND huyện trước ngày 15/1 phải hoàn thiện hồ sơ đo đạc, bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và trình Sở xác nhận.

UBND TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội trước ngày 23/1 hoàn thành việc xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; trước ngày 30/1 Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành việc chấp thuận ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m nói trên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất