| Hotline: 0983.970.780

Người đàn ông gần 30 năm rong ruổi khắp các miền quê 'săn' cổ vật

Thứ Năm 24/05/2018 , 14:30 (GMT+7)

“Có những ngày đi săn cổ vật cả tháng trời tôi mới về nhà, cứ một mình tự tôi lái ô tô đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nghe đâu bán cổ vật là tôi lại khăn gói quần áo lên đường đến tận nơi để mua cho bằng được”, ông Hinh chia sẻ.

Nhắc đến “Hinh Thiên Trường” hay “Hinh cổ vật” thì trong giới chơi cổ vật trong và ngoài tỉnh đều biết đến ông.

img-4517113058714
Ông Hinh bên cổ vật của mình

Ông là Trần Văn Hinh (SN 1963, ở đường Nguyễn Khuyến, P. Trường Thi, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Hiện ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường Nam Định.
 

Rong ruổi

Hôm tôi tìm đến nhà ông Hinh, ông đang kỳ cọ, rửa lại chiếc giường với tuổi đời hơn một thế kỷ. Ông bảo, đây là chiếc giường với các hoa văn ở các vị trí thành gường, chân giường, khung giường được trạm trổ theo kiểu dáng cung đình Huế.

Vừa rót nước mời khách, ông Hinh vừa nói, khoảng 30 năm trước, ông “bén duyên” với cổ vật. Khi đó, ông mới ngoài 20 tuổi. Thời ấy, nghề chính của ông là buôn bán ô tô, xe máy. Làm ăn rất có lãi, nhưng không hiểu “ma xui quỷ khiến” ra sao, ông lại bỏ nghề buôn bán ô tô rồi chuyển sang “săn” cổ vật.

“Vì yêu văn hóa dân tộc cùng bản tính thích phiêu lưu, mạo hiểm, tôi đã bỏ nghề đã nuôi tôi và gia đình để thành thợ săn cổ vật”, ông Hinh bộc bạch.

Nhớ lại những ngày đầu đi săn cổ vật, ông Hinh gặp không ít khó khăn. Khó vì chưa hiểu biết nhiều về văn hóa cổ vật, khó vì vốn hạn hẹp và khó vì không biết săn cổ vật ở đâu, nơi nào…

Năm 1990, ông tự mình lái chiếc xe máy cũ kỹ rong ruổi khắp các miền quê để “săn” cổ vật. Từ ngày này qua ngày khác, cuối cùng ông cũng “săn” được những món cổ vật đầu tiên. Nào là chum, nào là lọ tỳ bà, nào là đồ sứ thời Trần - Lê. Những món cổ vật vô cùng đắt giá mà ông đã rong ruổi nhiều ngày liên tiếp mới mua được.
Hai năm sau, thú chơi cổ vật trên đất Thành Nam ngày càng phát triển. Ông càng có hứng đi săn cổ vật. Ông lao vào sưu tầm cổ vật, không tiếc công sức, thời gian để mang được những cổ vật quý về nhà.

Nghe nói ở đâu có cổ vật quý, ông Hinh liền đi xe máy đến ngay. Nhưng không phải chỗ nào người ta cũng đồng ý bán ngay, có những món đồ ông phải mất vài tháng, thậm chí vài năm để thuyết phục mới mua lại được.

“Nghe thông tin ở đâu có cổ vật là tôi khăn gói quần áo đến liền. Nhưng không phải đến ngỏ ý mua lại là người ta bán liền, tôi phải thuyết phục nhiều lần, có món đồ thuyết phục, năm nỉ họ cả năm trời mới mua lại được”, ông Hinh nhớ lại.

64 tỉnh thành của Việt Nam, chưa tỉnh thành nào mà ông Hinh chưa đặt chân đến. Tỉnh nào cũng có dấu chân in hằn. Ông Hinh nói ngoài các tỉnh trong nước, ông còn sang Lào, Campuchia, Hong Kong, Pháp săn... hàng.
 

Độc đắc Long Sàng

Trong tất cả các món cổ vật mà ông Hinh đang lưu giữ, phải nói đến chiếc Long Sàng (giường vua nằm) có từ thời Thanh được ông mua lại của một người bên Trung Quốc cách đây 12 năm với giá hơn 1 tỷ đồng.

nh-4113058232
Bên trong Long Sàng
Sau 25 năm lặn lội “săn” cổ vật. Đến nay, ông Hinh còn lưu giữ khoảng 2.000 cổ vật quý giá. Ông sưu tầm đa dạng các món đồ, từ gốm, xứ, gỗ, tranh cổ, kim khí cho đến đá. Mỗi cổ vật, loại hình, theo ông đều có tiếng nói riêng, vị trí riêng phản ánh về một thời kỳ văn hóa của lịch sử, cuộc sống, thói quen sinh hoạt của giai đoạn lịch sử đó.
“Đối với những người chơi cổ vật, phải biết trân trọng, nâng niu từ cái cổ vật nhỏ nhất đến cái lớn nhất một cách vẹn toàn. Thú chơi cổ vật, cũng góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc của Việt Nam và cộng đồng các dân tộc trên thế giới”, ông Hinh bộc bạch.

Dẫn chúng tôi lên tầng 5 để tham quan chiếc giường, ông Hinh giới thiệu, Long Sàng dài 3,43m; rộng 2,56m; cao 2,68m.

Gồm 3 gian, 2 gian ngoài là hậu cung, gian trong cùng là giường cho vua nằm.

Tất cả được làm bằng gỗ quý, sơn thon thếp vàng.

Các chi tiết, họa văn khắc họa trên thành giường, khung giường rất có hồn và sắc nét, chưa có dấu hiệu xuống cấp.

Nó là món cổ vật “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Hiện đã có nhiều tay chơi trong giới săn cổ vật ở khắp nơi đến tận nhà muốn mua lại nhưng ông nhất quyết không bán.

“Những món cổ vật mà tôi đã quyết giữ chọn làm kỷ niệm thì bao giờ tôi lại bán. Dù người mua có trả tiền tỷ, tôi cũng sẵn sàng lắc đầu. Đấy cũng là một cái đạo của người chơi cổ vật như chúng tôi”, ông Hinh khẳng định.

Ngoài chiếc Long Sàng quý giá, ông Hinh còn đang sở hữu nhiều món đồ đặc biệt giá trị, được đánh giá là hàng độc, hàng hiếm: Gạch đất nung hình vuông (5 viên).

Gạch đất nung hoa văn hình sen (4 viên). Gạch đất nung hình tam giác (5 viên). Tất cả đều được làm từ thời Lý - Trần.

Ngoài ra, còn có 12 đầu đao rồng, 2 đầu đao phượng thời Lý - Trần; 10 tháp thời Trần; 4 con khỉ đá thời Lý; 1 đôi uyên ương men vàng thời Trần; 15 đôi uyên ương không men; 3 nậm rượu thời Hán.

Và bộ lá đề gồm: 16 lá đề thời Trần có màu men vàng và lục; 10 lá đề 2 con rồng chầu đất; 20 lá đề rồng, 25 lá đề phượng không men; lá đề hình búp sen; lá đề uyên ương…

Chỉ tay vào bộ lá đề, ông Hinh thổ lộ: “Tôi yêu thích lá đề trang trí trên các cổ vật bởi sự mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng mềm mại, phóng khoáng trong cách thể hiện của người xưa.

Theo dòng lịch sử, mỗi triều đại, người thợ thủ công lại có cách biểu hiện lá đề khác nhau trên các sản phẩm. Các lá đề hầu như được thiết kế với những màu sắc trang trí như vàng, lục hoặc nâu. Khác với nhiều họa tiết trang trí khác, họa tiết lá đề thể hiện sự vương giả, quyền uy”.

nh-2113057606
Những chiếc lá đề thời Lý - Trần

Vang danh Cổ vật Thiên Trường

Năm 2005, ông Hinh tặng Bảo tàng Nam Định 120 cổ vật gồm gốm, đất nung. Không những thế, ông còn cho nhiều Bảo tàng khác mượn số lượng cổ vật lớn để trưng bày, giới thiệu thông điệp lịch sử đến với người dân và giới chơi cổ vật trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, năm 2005 ông Hinh và Hội cổ vật Thiên Trường có tặng Bảo tàng Nam Định nhiều cổ vật giá trị và Hội thường xuyên gắn kết với Bảo tàng để lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, phát huy các di sản văn hóa.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là đột phá đưa đất nước phát triển

Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chuyện của những chuyến xe 0 đồng đong đầy yêu thương

QUẢNG NINH Hơn 1 năm nay, CLB “Chuyến xe thiện nguyện 0 đồng” đã đồng hành với hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình giành lại sự sống.