Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tái thả 17 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
17 cá thể được thả gồm: 2 cầy vòi hương; 1 cầy vòi mốc; 3 khỉ vàng; 1 khỉ cộc; 3 khỉ đuôi lợn; 3 rùa hộp trán vàng miền Bắc; 3 rùa hộp trán vàng miền Trung; 1 rùa sa nhân. Ngay sau khi được thả, các cá thể động vật đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường tự nhiên.
Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ - Bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng gồm công an, bộ đội biên phòng và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp các loại động vật hoang dã để đơn vị chăm sóc, cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên, góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, đơn vị đã phối hợp với Ban Công an xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) và Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa tiếp nhận 1 cá thể rùa sa nhân (trọng lượng 0,5 kg), 1 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (trọng lượng 0,9 kg) từ anh Nguyễn Văn Hùng (trú ở thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp, Quảng Trạch) và 3 cá thể rùa Núi Viền (tổng trọng lượng trên 7kg) từ một người dân ở Thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa) tự nguyện giao nộp.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng Lê Thúc Định cũng cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 31 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong đó phần lớn là từ người dân tự nguyện giao nộp cho các cơ quan chức năng để chăm sóc cứu hộ.