| Hotline: 0983.970.780

Người dân vùng sâu tự tìm 'phép mầu' để cải thiện đời sống

Thứ Hai 19/11/2018 , 13:34 (GMT+7)

Nếu như xã vùng cao Canh Liên là địa phương heo hút nhất của huyện miền núi Vân Canh (Bình Định), thì làng Canh Tiến được mệnh danh là “ngôi làng cô lập” của xã Canh Liên...

Bởi, chẳng có con đường giao thông nào nối từ miền xuôi đến với làng này. Không có đường giao thông, người dân làng Canh Tiến bị xã hội “từ chối” mọi tiện ích, đến cả nông sản làm ra ở đây cũng “bí” đường tiêu thụ.
 

Nơi cơ cực bủa vây

Làng Canh Tiến thuộc xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh) nằm lọt thỏm giữa 3 bề là núi non trùng điệp, 1 bề là mênh mông nước của hồ thủy lợi Núi Một có dung tích đến 110 triệu khối nước. Muốn đến làng chỉ có 2 con đường, một “đường bộ” và một “đường thủy”. Nếu vào mùa nước lớn, hồ Núi Một dâng nước mênh mông thì có thể đi đò ngang từ xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đến làng Canh Tiến. Hai là đôi chân phải cuốc bộ từ trung tâm xã Canh Liên, băng qua nhiều cánh rừng và vô số con dốc cheo leo của ngọn núi Ba Cây, đúng 1 ngày trời chân mới chạm được làng. Giao thông bất thuận là vậy, nên khách đến làng Canh Tiến hầu như chỉ có cánh nhà báo và cán bộ các ngành chức năng đi công tác.

Mới đặt chân lên làng Canh Tiến, chúng tôi được nhận ngay từ người làng những ánh mắt thân thiện, bởi phải rất lâu họ mới thấy “người lạ” đến làng. “Đi chơi đâu không đi mà đến chi cái làng khỉ ho cò gáy vầy mấy ông?”, 1 người làng thắc mắc. Khi nghe bảo cánh nhà báo chúng tôi đến để tìm hiểu đời sống của dân làng, anh ta phì cười, nói: “Cuộc sống của dân làng nhìn đâu cũng thấy toàn cực khổ, nó bày ra trước mắt đó thôi, cần gì phải tìm hiểu”.

12-15-45_3
Một bể chứa nước ở làng Canh Tiến

Hiện làng có 141 hộ dân với 483 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm, chỉ có vài ba hộ là người Kinh. Người dân làng không chỉ bị cô lập với cộng đồng xã hội do không có đường giao thông, mà còn bị “cô lập” cả thông tin, bởi ở đây không có cả sóng điện thoại và điện lưới quốc gia.

Thu nhập của người dân sinh sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm nương rẫy. Hàng ngày thì vào rừng lấy mật ong, bẻ lá nón, lượm dầu rái, mỗi ngày kiếm được khoảng 50.000 - 100.000 đồng. Diện tích làm lúa nước thì ít, chủ yếu trông vào nước trời vì không có hệ thống thủy lợi, mỗi năm chỉ làm 1 vụ mà rất bấp bênh.

Ông Nguyễn Văn Lam, dân tộc Chăm, Công an viên làng Canh Tiến, chia sẻ: “Người dân ở đây không chỉ khổ vì không có đường giao thông, không có điện, mà mấy năm gần đây còn thêm cái khổ khác là thiếu nước sinh hoạt. Cả làng có 8 bể chứa nước, nhưng chỉ có 3 bể có nước, trong khi người làng có đến gần 490 nhân khẩu nên không đủ nước để sinh hoạt. Sử dụng nước suối chảy xuống thì sợ nước bị ô nhiễm thuốc sâu từ ruộng lúa. Do đó bà con ở đây phải đi lấy nước rất xa để dùng. Hiện có trên 100 hộ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt”.

Chuyện điện đóm ở đây nghe còn “thê thảm” hơn. Trên con đường bê tông dẫn về làng vẫn có đấy những chiếc trụ điện bề thế cùng những dây điện giăng dọc ngang, nhưng theo người làng thì “chúng có như không”. Bởi, vào năm 2000, Nhà nước cấp cho làng một máy phát điện 10 ngựa, công suất chỉ đủ thắp sáng được cho 60 hộ, nhưng do phải cung cấp cho 127 hộ nên máy quá tải, cháy. Máy hỏng, được cấp máy mới, công suất lớn hơn, đến 28 ngựa. Cứ thế tính đến nay đã được cấp 5 máy, nhưng không máy nào trụ được, mang về chạy được vài tháng là hỏng. Máy hỏng, mỗi gia đình góp mỗi ít, được năm ba triệu để sửa, chạy được vài ba hôm lại hỏng.

12-15-45_2
Máy phát điện gia đình của người dân làng Canh Tiến

Ông Lam bộc bạch: “Mỗi khi chính quyền thôn họp dân đều khuyến cáo chỉ được thắp sáng chứ đừng dùng máy hát, đầu câm âm ly, máy điện quá tải sẽ hỏng. Thế nhưng họ không nghe, bảo “sướng tai” được lúc nào hay lúc ấy, khi nào máy điện hỏng thì nhịn”. Câu chuyện nhỏ này đã cho thấy đời sống tinh thần của người dân ở đây thiếu thốn đến là dường nào.
 

Xẻ núi làm đường

Vì giao thông cách trở, nên làng Canh Tiến chỉ cách trung tâm xã Canh Liên chừng 23 cây số, nhưng nếu người làng có việc về xã ký giấy tờ phải đi bộ vượt núi mất gần cả ngày mới đến nơi. Do đó, học sinh cấp 2 ở làng lên xã học đều phải ở nội trú, một vài tuần mới về thăm nhà 1 lần.

Khổ nhất là nông sản làm ra ở đây cũng “bí” đầu ra, thường lái vào thu mua thì ép giá đến “sát đáy”. Ông Phạm Đình Ngọc, 1 người dân trong làng tâm sự: “Nếu 1ha keo dưới xuôi thương lái mua giá 50 triệu đồng, thì tại làng này họ chỉ mua khoảng 15 triệu đồng. Thậm chí, nhiều lúc thương lái còn o ép, chỉ trả 7 triệu đồng/ha mà người trồng phải nài nỉ mãi mới bán được keo. Còn người làng muốn về xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn để mua sắm cũng phải đi bộ vượt qua con đường dân sinh nằm trên lưng chừng núi phải mất cả buổi mới đến nơi, lại phải đối mặt với nhiều nguy hiểm”.

12-15-45_4
Heo nuôi ở làng Canh Tiến, món đặc sản của người tiêu dùng

Để thoát khỏi cảnh cô lập, tháng 4/2014, hàng trăm người dân làng cả nam lẫn nữ mang cuốc xẻng, che lán trại ngủ ngay tại rừng để xẻ núi mở đường đến xã Nhơn Tân. Sau gần 3 tháng ròng rã, đoạn đường dài gần 25km hoàn thành, người dân có thể di chuyển bằng xe máy dù chẳng dễ dàng gì. Anh Đinh Văn Thanh (27 tuổi), người trực tiếp tham gia mở đường, cho hay: “Sống cảnh cô lập quá khổ, vì vậy thôn trưởng họp dân nêu quyết tâm làm đường. Nam nữ trong làng đều tham gia. Làm đường vất vả lắm, phải mang theo lương thực và dựng lán trại ngủ luôn tại rừng để không phải mất thời gian đi lại. Nhờ con đường này mà cuộc sống của người dân làng đỡ khó khăn hơn”.

Chị Đinh Thị Bông, chia sẻ: “Dân ở đây mong mỏi có con đường để giao lưu, buôn bán với các vùng lân cận từ lâu lắm rồi, nên khi nghe thông báo làm đường chúng tôi đều hăng hái tham gia. Dù con đường nhỏ, nhưng việc đi lại đã dễ dàng hơn và tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn so với trước đây”.

Trước đây, những hộ người Kinh ở làng buôn bán hàng tạp hó đóng ghe nhỏ để ra xã Nhơn Tân mua hàng về bán. Gọi là ghe nhưng nó nhỏ như “chiếc lá”, chỉ chở 3 người mà ghe đã tròng trành nguy hiểm vô cùng. Thời gian gần đây, những hộ buôn bán này rủ nhau đóng ghe lớn để tiện sang xã Nhơn Tân vận chuyển hàng về bán, vừa chở khách kiếm thêm tiền dầu.

Anh Diệp Đăng Dũng, 1 chủ ghe kiêm chủ tiệm tạp hóa chia sẻ: “Nhà bán hàng tạp hóa mà đi sang Nhơn Tân mua hàng bằng xe máy thì chở không xuể, đi ghe nhỏ tròng trành nguy hiểm quá. Năm 2001 tui đầu tư 50 triệu đồng mua ván, thuê thợ về tại làng đóng chiếc ghe lớn để vừa vận chuyển hàng, vừa chở khách, mỗi lượt đi tui chỉ lấy 10.000đ để phụ vào tiền dầu. Nhà ai có người bệnh nửa đêm kêu tui cũng chở. Đến nay cả làng đã có 4 chiếc ghe lớn như thế này nên việc đi lại đỡ vất vả hơn”.

12-15-45_1
Chiếc ghe lớn của anh Diệp Đăng Dũng đóng để chở hàng tạp hóa về làng Canh Tiến bán
“Hiện người dân làng Canh Tiến nhận khoán bảo vệ rừng nhiều nhất huyện Vân Canh với hơn 4.000ha, bình quân mỗi hộ nhận khoán 30ha, có nhiều hộ nhận khoán trên 30ha, vượt chỉ tiêu của Nhà nước. Với mức hỗ trợ 400.000đ/ha/năm, người dân làng Canh Tiến có khoản thu nhập ổn định từ nhận khoán bảo vệ rừng, ổn định đời sống”, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.