| Hotline: 0983.970.780

Người đầy tớ khiêm tốn

Thứ Tư 03/07/2013 , 10:20 (GMT+7)

Một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động của Nelson Mandela chắc chắn là ngày 11/2/1990, ngày ông được trả tự do sau 27 năm tù.

Một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động của Nelson Mandela chắc chắn là ngày 11/2/1990, ngày ông được Tổng thống Nam Phi khi đó là F.W. de Klerk trả tự do sau 27 năm tù. Câu chuyện lịch sử ấy đã được Greg Myre, phóng viên của Hãng thông tấn AP kể lại một cách chi tiết.

>> Đảo nơi Nelson Mandela ở tù
>> CIA và mối liên hệ mờ ám với vụ bắt Nelson năm 1962

Không muốn ra tù sớm

Buổi tối, trước khi được trở lại với cuộc sống của một người bình thường, Nelson Mandela có một cuộc nói chuyện bí mật với Tổng thống F.W. de Klerk. Buổi gặp mặt đã diễn ra khá lâu, và chủ đề chính của nó xoay quanh hai vấn đề: Tự do cho Mandela và lời cam kết của ông sau khi ra tù.

Mặc dù được chính F.W. de Klerk hứa trả tự do ngay trong ngày hôm sau, nhưng Mandela vẫn không tránh khỏi do dự. Trong cuốn tự truyện “Chặng đường dài đến tự do”, chính nhà lãnh đạo Nam Phi sau này đã viết: “Tôi rất muốn rời khỏi nhà tù trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng làm như vậy trong thời gian ngắn thì sẽ không được khôn ngoan cho lắm. Tôi rất cảm ơn ông Klerk, nhưng để tránh mọi rủi ro, tôi muốn có một tuần để gia đình và tổ chức của tôi có được sự chuẩn bị tốt nhất”.

Chưa rõ, liệu đó có phải nguyên văn những gì Nelson Mandela nói với Tổng thống F. W. de Klerk hay không, nhưng theo nhiều nhân chứng kể lại, vị tổng thống của đất nước kim cương đã vô cùng sửng sốt. Khó có thể ngờ, một tù nhân bị giam cầm suốt 27 năm lại chưa muốn hít thở bầu không khí tự do. Và nếu điều ấy xảy ra thì chắc hẳn, người đó còn một nhiệm vụ trọng đại, quý giá hơn cả sự tự do của chính bản thân mình.

Những hoạt động của Mandela trong song sắt chắc hẳn đều đã đến tai giới cầm quyền, và để tránh đêm dài lắm mộng, Tổng thống de Klerk, sau khi tham khảo ý kiến của các cố vấn, ngay lập tức trả tự do cho nhà lãnh đạo của phong trào chống phân biệt chủng tộc, bất chấp ông có muốn hay không.


Ngày ông Nelson Mandela được trả tự do

Cơn địa chấn bắt đầu

Trước và trong khi Nelson Mandela bị giam cầm, nạn phân biệt chủng tộc vẫn ngang nhiên hoành hành tại Nam Phi. Bất chấp lời hứa về một sự trấn áp của Tổng thống de Klerk, nó vẫn không hề biến chuyển. Những người dân tại mũi đất phía nam lục địa đen, cả da đen và da trắng, đều trông mong vào một sự thay đổi, nhưng ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung, tất cả sẽ bắt đầu từ đâu.

Nelson Mandela được trả tự do gần như là một đáp án hoàn hảo cho mọi nghi vấn lúc bấy giờ. Những người da đen nhìn vào đó như một sự giải thoát từ hơn ba thế kỷ của những người da trắng. Còn những người da trắng bắt đầu tỏ ý quan ngại về một cuộc nội chiến phân biệt chủng tộc có thể nổ ra bất cứ khi nào.

Nhưng tất cả vào thời điểm đó chỉ là những phỏng đoán. Không ai có thể hình dung một nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi, với bề ngoài lịch lãm cùng sự vạm vỡ của một võ sĩ quyền Anh sẽ ra sao sau hơn ¼ thế kỷ bị giam cầm. Liệu Nelson Mandela, lúc đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, sẽ còn đóng góp được những gì cho phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.

Sự thật thì con người vĩ đại ấy đã biến mất từ năm 1964. Trong suốt 27 năm tù đầy trên đảo Robben, nơi luôn bị ánh mặt trời thiêu đốt, Nelson Mandela chỉ còn giữ liên lạc được với một số rất ít thành viên trong gia đình ông. Chính phủ của những người da trắng, hạn chế tối đa phát tán hình ảnh của ông, hòng làm giảm uy tín. Ở chiều ngược lại, những chiến hữu cũ tại ANC (Hội đồng quốc gia châu Phi) dù vẫn coi Mandela là một biểu tượng cho sự bất diệt của lý tưởng chống phân biệt chủng tộc, vẫn khó tránh khỏi sự hoài nghi khi ông trở lại chính trường.

Chỉ đến khi chính quyền của Tổng thống de Klerk cho phát đi tấm ảnh chụp Nelson Mandela những năm 60, trong bộ vest xám cùng những đường nét rắn rỏi, cương nghị; còn ông tay trong tay với người vợ thứ hai, Winnie, bước ra khỏi cổng nhà tù Victor Verster, mọi người gần như bị mê hoặc bởi tinh thần và ý chí bất diệt của người đàn ông này.

Bài phát biểu ngay sau đó của Mandela, trước 100.000 người dân da đen ở ngay ngoài Tòa thị chính Cape Town đã có một sức lan tỏa khủng khiếp. Lần đầu tiên, những người dân da đen tại Nam Phi dũng cảm đứng nghe cái gọi là quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng giữa các sắc tộc mà không sợ hãi điều gì. Đó cũng là lần đầu tiên, ANC tổ chức một sự kiện lớn như thế, nhằm giành lại sự ủng hộ của công chúng, cũng như thế chủ động trên bàn đàm phán với chính phủ.

Sau này khi nhớ lại, Nelson Mandela đã miêu tả: “Thoạt tiên mọi người gõ vào cửa sổ, sau đó là thân và mui xe. Tiếp đến, họ nhảy vào trong xe với sự phấn khích tột độ. Vào lúc ấy, tôi bắt đầu lo lắng. Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ bị giết chết trong tình yêu của họ”.

Những lời phát biểu đầu tiên

Chậm rãi rời khỏi đám người cuồng nhiệt đang ngày một đông lên, Nelson Mandela di chuyển tới City Hall để có những lời phát biểu đầu tiên.

“Các đồng chí và đồng bào nhân dân Nam Phi, tôi chào đón tất cả các bạn nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do. Tôi đứng đây trước các bạn không phải là một nhà tiên tri, mà như một người đầy tớ khiêm tốn của mọi người. Ngày nay, đa số người dân Nam Phi, đen và trắng, đều nhận ra rằng nạn phân biệt chủng tộc không thể có tương lai. Nó phải được kết thúc bằng những hành động quyết liệt. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu cho sự tự do này rồi”.

Sau khi nói chuyện chừng 30 phút, Mandela từ biệt mọi người. Dù ông rất muốn hưởng đêm tự do đầu tiên sau 27 năm giữa những người da đen, nhưng vì lý do an toàn, ông được chuyển tới nhà của tổng giám mục. Cũng trong đêm hôm đó, sự quá khích của những người da đen tại Nam Phi đã dẫn tới rất nhiều cuộc đụng độ bạo lực giữa họ với cảnh sát.

Ngày đầu tiên sau khi ra tù của Nelson Mandela đã diễn ra như thế. Nó là điểm khởi đầu cho một chuỗi những cuộc đàm phán dai dẳng giữa chính phủ của Tổng thống de Klerk và Hội đồng quốc gia châu Phi, ANC. Mọi chuyện chỉ thực sự kết thúc khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên dành cho tất cả mọi người dân Nam Phi, cả da đen và da trắng diễn ra vào năm 1994.

Đúng như câu ông từng nói tại một phiên tòa xét xử: “Tôi đã ấp ủ những lý tưởng của một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người sống hòa thuận và bình đẳng. Đó là một lý tưởng mà tôi sống vì nó và sẵn sàng chết vì lý tưởng ấy”. Mandela không chết vì lý tưởng ấy nhưng lời tuyên bố hùng hồn năm nào vẫn được cựu Tổng thống Nam Phi thực hiện cho đến tận cuối đời.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.