| Hotline: 0983.970.780

Người dệt màu xanh

Chủ Nhật 29/11/2020 , 08:11 (GMT+7)

Đợt nắng nóng kéo dài suốt từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 làm những cánh rừng héo hắt, nguy cơ xẩy ra cháy rừng ở mức độ cao là rất lớn.

Con đường rừng vào xóm không chồng.

Con đường rừng vào xóm không chồng.

Cũng như các đơn vị khác trong Công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1 TV) Lâm nghiệp Hoành Bồ được giao quản lý, bảo vệ và phát triển 8.558 ha rừng các loại, trải dài từ Hoành Bồ sang đến xã Dương Huy (thành phố Cẩm Phả).

Trong đó diện tích đất rừng cho thuê là 3.610 ha, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 4.948 ha. Công ty đảm bảo việc làm thường xuyên cho một trăm hai mươi lao động và môtj trăm lao động thời vụ hướng tới mục đích quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo yêu cầu đặt ra hàng năm.

Với số lao động ấy vừa chăm sóc, bảo vệ, khai thác và trồng rừng mới quả là không dễ dàng. Lao động vô cùng vất vả, cực nhọc nhưng những người thợ ở đây vẫn gắn bó với rừng, ăn trong rừng, ở với rừng, mức lương cũng chỉ có hạn (bình quân 6 triệu đồng/người/tháng).

Những năm  trước, thời điểm này ở miền Bắc đang là mùa mưa, việc đi làm cũng nhiều vất vả nhưng không lo cháy rừng. Năm nay nắng nóng kéo dài, nước cạn kiệt. Những cánh rừng khô hạn. Người thợmất ăn, mất ngủ chỉ lo cháy rừng, đêm ngày cắt cử nhau canh gác, tư thế như người lính sẵn sàng ứng phó với sự cố xẩy ra bất cứ lúc nào.

Hồ chứa nước Cao Vân, diện tích trên 300 ha, nằm giữa khu rừng phòng hộ do Công ty quản lý, là nơi cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho cả thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả còn cạn kiệt, việc cấp nước cũng vì thế bị hạn chế.

Theo chân đội trưởng đội sản  xuất, quản lý, bảo vệ rừng Dương Huy – Hòa Bình (Công ty có 4 đội sản xuất và văn phòng Công ty) Thiều Văn Anh đến xóm phòng không, nằm tít tận trong cánh rừng hẻo lánh. Gọi là xóm phòng không vì đây vốn là xóm của những nữ thanh niên Ngành Lâm nghiệp.

Họ là những cô gái tuổi trẻ từ khắp nơi, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, tình nguyện về đây đúng vào ngày 26 tháng 3 năm 1985 tập trung làm đường, mở lối đưa cây giống lên đỉnh núi, sườn đồi.Công việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cuốn hút đến nỗi họ bỏ quên cả tuổi thanh xuân.

Lúc giật mình tỉnh lại thì đã quá lứa, lỡ thì. Trong rừng lấy đâu nam giới đồng trang lứa để họ xây dựng tổ ấm gia đình. Không còn cách nào khác, thiên chức làm mẹ thôi thúc họ. Một số chị đã vượt rào tìm cách xin con làm nơi nương tựa lúc tuổi già. Không ít chị không làm được việc ấy...

Buổi sáng trời lắc rắc mấy hạt mưa, không đủ thấm đất. Nước chỉ đủ ướt lá cây nhưng với dân Lâm nghiệp như thế cũng là quý lắm rồi. Thấy chúng tôi đến, bà Đặng Thị Ngọ một trong số tám người còn trụ lại ở xóm phòng không mừng rỡ, nhìn Thiều Văn  Anh, bà nói vui:

- Có mấy hạt mưa, chúng mày mừng rồi..

- Ăn thua gì cô ơi! Chúng cháu đang lo ngay ngáy… Mưa không đủ ướt lá khô dưới thảm thực vật…

Với những người làm Lâm nghiệp, mưa để cho cây phát triển mạnh, tăng thêm độ bao phủrừng là niềm hạnh phúc lớn lao, dù cho việc đi lại làm việc có vất vả hơn hàng chục lần. Mưa xuống vắt ra nhiều. Đường đi lại khó khăn nhưng còn hơn nắng mà cứ phải lo. Nỗi lo cháy rừng canh cánh trong lòng. Vì rừng là cuộc sống, là bát cơm, manh áo của họ.

Theo lời bà Ngọ kể, "những ngày đầu vào đây có ba mươi hai người toàn là nữ. Họ bắt đầu phạt bụi, mở lối trên các ngọn đồi đỉnh núi, đưa cây lên trồng. Có những quả đồi tre mọc hốn độn, phải chặt tre đi. Một phần đưa ra làm nguyên liệu giấy, phần còn lại không sử dụng được gom lại băm nhỏ chờ khô, đốt đi lấy chỗ trồng rừng. Nhiều hôm trời mưa, vắt ra nhiều quá, chúng bật lao xao trên lá.

Thấy hơi người, chúng bu vào kín thân thể, thi nhau luồn lách hút máu. Nhiều hôm chúng tôi phải nhảy xuống suối, gạt lũ vắt ra, để lũ cá suối rỉa đi mới lên làm tiếp được. Những con suối ngày ấy cũng nhiều nước, sâu và trong xanh lắm.

Ngâm mình dưới suối cho bớt hơi người, hơi máu để lũ vắt bớt cắn… Mở đường ngày ấy toàn cuốc xẻng, băng ca… làm thủ công. Từ phát tuyến, đào hố mìn, đào rãnh nước… khi nổ mìn xong, xe gạt mới gạt mặt bằng lấy đường đi".

Bà Đặng Thị Ngọ chăm sóc vườn ươm.

Bà Đặng Thị Ngọ chăm sóc vườn ươm.

Vào nhà bà Phạm Thị Sủng, năm nay 60 tuổi, người được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ninh xây tặng ngôi nhà tình thương. Không hề dấu giếm bà kể: Xóm chúng tôi là xóm không chồng. Khi ấy mải làm ở mãi trong Khe hố. Ngoài chị em chúng tôi với Chỉ huy ra, ít người biết đến.

Mãi năm 1989 mới được chuyển từ Khe hố về cư trú tại xóm phòng không như ngày nay. Tôi và một số chị em may mắn còn có người đàn ông đến. Họ cho chúng tôi thực hiện thiên chức được làm mẹ, sau này tuổi già còn có nơi nương tựa.

Bà Sủng bồi hồi nhớ lại: "Khi được LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh xây tặng nhà, tôi còn  nhớ mãi. Khi giao nhà, bà Hằng đại diện Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh động viên chúng tôi:- Cứ yên tâm, sau này cuộc sống sẽ thay đổi, cuộc sống sẽ đi lên! Thế mà đi lên thật chú ạ.

Con trai tôi Nguyễn Thanh Tuyền giờ cũng theo nghiệp của mẹ. Hiện tại cháu là công nhân trong đội sản xuất Dương Huy – Hòa Bình thuộc Công ty TNHH1TV Lâm nghiệp Hoành Bồ. Cháu đã có gia đình, tôi sắp có cháu nội rồi…

Ở xóm không chồng hiện nay còn lại vài chị em thôi. Một số không may mắn,đến lúc nghỉ hưu non vẫn độc thân phải về quê nương tựa vào người thân, cũng có người đã vĩnh viễn ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của rừng xanh như chị Trần Thị Dương…và… còn đó mấy căn nhà bỏ không cho mối mọt…"

Anh chàng Thiều Văn Anh, sinh năm 1985 (quê Đông Sơn -Thanh Hóa), tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý - Bảo vệ rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp năm 2007 tình nguyện về thẳng đội sản xuất Dương Huy - Hòa Bình công tác, đến nay đã được mười ba năm kể:

- Vốn yêu thích rừng nên em đã chọn học Ngành Lâm nghiệp. Từ khi đi thực tập đã quen nên cũng không thấy có gì là bỡ ngỡ, vất vả, làm quen với rừng cũng nhanh thôi. Hiện tại đội của em có bảy cán bộ, công nhân viên quảnlý 4.299,93 ha rừng phòng hộ và 691,3 ha rừng sản xuất.

Trong đó có diện tích rừng khoán cho nhân dân xã Dương Huy và cả rừng nguồn vốn của Công ty. Diện tích rộng, nhân lực mỏng lại đang mùa khô hạn nên chúng em phải phân công mỗi người trong đội phụ trách một khu vực, đi tuần thường xuyên, quyết không để xẩy ra cháy rừng.

Đặc biệt là khu rừng phòng hộ hồ Cao Vân. Là khu rừng phòng hộ nên ong mật nhiều, người dân địa phương thường hay soi, tìm đốt lấy mật và bắt ong về nhà nuôi, nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Công tác tuần rừng lại càng phảităng cường. Chỗ đi được xe máy nhưng nhiều chỗ không thể đi, lại phải leo bộ, dốc cao, đường mòn lối nhỏ…

Năm 2019, chúng em hoàn thành nhiệm vụ trồng 59,8 ha rừng thay thế. Từ công việc xử lý thực bì đến khi trồng xong hoàn chỉnh mất gần sáu tháng. Trồng rừng không khó anh ạ! Nhưng khó nhất là công tác bảo vệ rừng mới trồng. Anh có biết vì sao không?

- Chắc là nguồn nước tưới khó khăn…

- Không phải nguồn nước… do tập quán người địa phương nuôi trâu bò thả rông. Trâu bò vào ăn cây, còn phá hoại cả những cây đã lớn.

 - Không có biện pháp quản lý khác sao?

- Chúng em đã phải rào toàn bộ những khu rừng trồng mới, đặt các trạm gác, thuê cả người dân bản địa làm lán trại gác xung quanh khu vực rừng mới trồng. Mỗi năm mất tới cả trăm triệu đồng.

- Thế thì vất vả quá!

 - Chưa là gì đâu anh ơi! Ngoài việc bảo vệ trồng rừng thay thế, chúng em còn phải chăm sóc cho những cánh rừng trồng từ hai ba năm đến năm năm tuổi. Khi rừng vào tuổi trưởng thành lại phải lập kế hoạch bảo vệ. Những cây đến thời kỳ khai thác, cắt tỉa phải lập kế hoạch, xin ý kiến chỉ đạo rôi mới tiến hành.

- Em đã có gia đình chưa?

- Em về quê lấy vợ rồi đưa nhau ra Dương Huy gắn duyên với rừng thôi. Vợ em cũng quê Thanh Hóa. Con em còn nhỏ nên cũng khó khăn nhưng em đã trót yêu rừng rồi. Rừng cho em cuộc sống hôm nay, chưa thực sự đủ đầy nhưng bền chắc.

Đã năm giờ chiều mà cái nắng vẫn gay gắt. Lưng áo những người thợ rừng ướt đẫm mồ hôi. Nhìn họ, tôi lại chợt nhớ bài hát “ Bài ca người thợ rừng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên: “ Áo thấm bao mồ hôi nhưng lòng rộn lên niềm vui/ Rừng ơi! Ta đã về đây mang sức của đôi tay, lao động khó khăn không quản ngại./ Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay, tương lai huy hoàng, sáng tươi trong tương lai”.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH1TV Lâm nghiệp Hoành Bồ, dáng người nhỏ nhắn, da mai mái xanh do ảnh hưởng bởi những ngày lăn lộn với anh em công nhân, những người thợ rừng nói với tôi : “Chúng tôi bảo vệ, gìn giữ rừng, đất rừng, phát triển rừng chính là gìn giữ môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên đất”.

Đúng như thế, tôi càng thêm khâm phục những người thợ rừng, những người chấp nhận gian khó, vất vả quên cả tuổi xuân Dệt màu xanh cho quê hương, đất nước.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm