| Hotline: 0983.970.780

Người đi “chệch đường"

Thứ Sáu 23/11/2007 , 06:30 (GMT+7)

Tam thập nhi lập. Nhưng ông Nguyễn Tuấn Khải lại lập nghiệp ở tuổi... 56. Không phải ông cố tạo ra một chuyện lạ để đánh bóng mình mà là để giải quyết một câu hỏi luôn ám ảnh: Tại sao “thằng” Tây giầu được, còn mình thì chưa?

Rời quan trường ra thương trường

ông Khải

56 tuổi, đang đang giữ chức Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản (Bộ NN-PTNT) nhưng ông nằng nặc viết đơn “từ quan”. Người ngoài nhìn vào, bảo ông dại vì nghĩ rằng, cái chức mà ông giữ oách lắm, hốt ra tiền. Kẻ thạo tin thì bảo, bố này sắp được đề bạt làm Vụ trưởng một Vụ trong Bộ, lại đùng đùng bỏ đi, đúng là “điên”. Sếp của ông cũng khuyên ở lại vì chỉ còn 4 năm nữa, ông bỏ đi thì cũng chẳng ai giữ nổi. Tiếc người tài, đích thân một vị lãnh đạo gặp ông bảo: Nếu anh máu me kinh doanh, anh có thể giữ chức Tổng giám đốc một Cty của Bộ... Tình cảm, ân nghĩa, trăn trở lắm nhưng thân thì không xẻ làm đôi được.

“Khi còn làm “quan”, tôi nhìn thấy những anh Tổng Giám đốc Cty Nhà nước kiếm được 5 - 7 tỉ đồng đã vênh váo lắm, dường như anh ta muốn có gì thì được nấy. Lấy tiền Nhà nước đi kinh doanh, làm cái kiểu kinh doanh hộ ấy, ai mà chẳng làm được. Vậy nên, hầu hết họ không nhìn vào lợi nhuận, chỉ chăm chăm hoàn thành chỉ tiêu mà ít sống chết với Cty, xí nghiệp. Nếu có lãi lời một tý là tìm cách... giải ngân” - ông Khải thẳng thắn nói.

Con cái của ông Khải đều đã thành đạt và đa phần sống ở nước ngoài. Họ không dính dáng gì đến việc của ông. Ông bảo, ngần này tuổi đầu rồi, tiền bạc cũng chỉ là thứ phù du, điều mà ông vẫn gắng sức, vẫn tận tụy đó là lòng đam mê và luôn trăn trở: “Tây làm được, tại sao mình lại không?”...

Không phải đến năm 2000, trước khi nghỉ hưu ông mới nhận ra điều đó, mà ngay từ những năm 90 thế kỷ trước, ông đã kịch liệt phản đối chuyện Bộ quản lý các doanh nghiệp bởi ông nhìn thấy sự ấu trĩ, hài hước vì nó không đi theo quy luật kinh tế. Cái này, cũng chẳng phải ông... phát kiến ra mà là kinh nghiệm thu lượm được từ những chuyến công tác nước ngoài. Nhưng, những ý kiến tiến bộ đó vào thời bấy giờ lại bị coi là “lạc hậu”, chệch đường lối...

56 tuổi, mắt đã sắp mờ, gân cốt tay chân dần đã mỏi nhưng tinh thần lao vào thương trường của ông không rệu rã. Được đào tạo trở thành một kĩ sư hàng không, rồi lại gắn bó trở thành chuyên gia về rượu nhưng ông lại chọn sữa để kiểm chứng những nhận định, tiên đoán của mình. Và, một thế cờ đặt ra, nếu không thất bại, trăm ngàn mũi tên sẽ lao về ông, người ta sẽ cười vào mặt, người ta sẽ nói, già rồi còn tham và quan trọng là ông đã đi “chệch đường”. Vì lẽ đó, ông càng quyết tâm hơn.

Ông tin mình sẽ thắng bởi ông tin mình đi đúng quy luật, đó là những gì ông tích tụ trong 2/3 cuộc đời làm “quan”, cộng với sự đam mê cháy bỏng.

Trao hết quyền cho người tài

IZZI sẽ thắng, quả nhiên nhận định của ông Khải đúng. Nhưng ông phải trả giá, đương đầu với những tư duy cũ. Ông Khải kể: “Khi cầm viên gạch đầu tiên đặt xây nhà máy, tôi đã nhận thấy sự rạn nứt”. Không ít người muốn quay lại thời kinh tế tập thể. Mặc dù là Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc nhưng chuyện lớn nhỏ, ông Khải đều phải chịu sức ép từ tập thể trước khi quyết một vấn đề gì đó dù đúng mười mươi.

từ lúc rời quan trường, ông Khải gắn "cuộc đời mới' của mình với những con bò sữa

Trong những năm đầu xây dựng Nhà máy, ông đã thỏa thuận với anh em là chịu ăn mức lương còm, chung lưng đấu cật vì một thương hiệu IZZI nổi tiếng. Lương thành viên HĐQT là 3 triệu đồng/tháng nhưng ông Khải thuê một Giám đốc kinh doanh và trả hẳn 1.000 USD/tháng kèm theo một chiếc ôtô để đi lại. Vậy là ông gặp phải sự phản đối kịch liệt cho dù ông đã giải thích tầm quan trọng của vị trí giám đốc kinh doanh. Sau này, người ta công nhận ông đúng nhưng đã quá muộn...

Ông Khải tâm sự với tôi vì sao lại ra đi. Tuổi đã ngoại hoa giáp, tôi tin ông nói thật, mà sự thật chắc chắn sẽ làm một hoặc nhiều người không hài lòng. Ông Khải vài lần dặn tôi, chỗ nào “nhạy cảm” thì đừng đưa lên báo nhưng xin lỗi vị Tổng giám đốc 63 tuổi, tôi chỉ xin thực hiện được một phần lời hứa đó. Tôi nghĩ, câu chuyện của ông sẽ có ích cho nhiều người.

Cái tư duy “con ông cháu cha” cũng làm ông phiền lòng. Có vị đề nghị đưa cháu mình học trung cấp kế toán vào làm nhân viên. Nể tình, ông Khải nhận nhưng người ta lại yêu cầu xếp ngồi chức phó phòng với cái lý sự rất... truyền thống: Tôi đóng góp cả tỉ vào đây thì phải có người nhà để... giữ của chứ?

Biết là khó thay đổi nếp tư duy cũ, đặt viên gạch xây dựng nhà máy ông đã xin ra đi. Nhưng người ta không cho ông đi vì... không có ai làm. Ông đành ở lại và xây dựng IZZI có một chỗ đứng, chiếm thị phần thứ 3 trên thị trường sữa. Thậm chí, ông còn xây dựng sẵn cho Cty một chiến lược kinh doanh 5 năm sau. Người ta bảo, sao ông không “phá” IZZI đi, ông cười: “Mình là người không muốn gây chuyện. Hơn nữa, xét cho cùng, đó cũng là bạn bè của mình”.

“Cũng chẳng có thù hằn cá nhân gì cả. Bây giờ, tôi vẫn đi ăn cùng với anh em ở lại Hanoi Milk” - ông Khải tâm sự. Khi bỏ Cty mà mình dồn tâm sức vào đó, ông có “đau” không? Ông Khải thủng thẳng: “Nói thật là mình thấy nhẹ nhàng. Đến mức, nhiều cổ đông còn không hề biết tôi ra đi”.

Nhất Ba Vì, nhì Lâm Đồng

Niềm "yêu" sữa vẫn cháy bỏng trong ông già nói chuyện say mê về kinh doanh này. Ông nói rất nhiều về chiến lược, hoạch định về sữa và tiềm năng của nó ở Việt Nam. Tôi cũng không nhớ nhiều, chỉ biết rằng, ông không sợ bất kì sự cạnh tranh nào từ nước ngoài bởi theo ông, nguồn sữa Việt Nam quá ư phong phú, chất lượng rất tốt. Ông nói: “Nếu cạnh tranh về máy móc, điện tử với nước ngoài thì tôi thua, còn với riêng mặt hàng sữa tôi tin mình thắng”.

Năm 2003, ông viết một bức thư rất dài gửi HĐQT thể hiện quan điểm của mình cũng như một lời tâm huyết với người ở lại, đại ý bức thư là: Chúng ta nên quan điểm xây dựng nhà máy theo cách của tư nhân chứ không nên lặp lại mô hình của Nhà nước. Nếu bám theo cung cách quản lý doanh nghiệp Nhà nước sẽ không thắng được. Hơn nữa, chúng ta phải trao quyền cho người tài, để họ quyết định bởi họ là người có nhiệm vụ làm ra tiền còn chúng ta chỉ có nhiệm vụ bảo toàn về vốn, làm sao để Cty có lãi...

Khi ra đi từ Hanoi Milk, ông già 60 tuổi lại cùng với đồng nghiệp của mình lọ mọ xây dựng Cty Cổ phần sữa Quốc tế - IDP. Nhà máy tọa lạc hoành tráng ở Chương Mỹ (Hà Tây) và đến tháng 5/2006, ông cho ra đời thương hiệu z’DOZI, lập tức được con nít rất ưa chuộng. z’ DOZI theo tiếng Latinh có nghĩa là sự thanh khiết, trong lành. Đó cũng là ước vọng vươn ra thế giới của 3 dòng sữa của Cty IDP gồm sữa tiệt trùng, sữa chua uống và sữa chua ăn với đầy đủ các hương vị...

Chỉ trong vài năm, thương hiệu z’ DOZI đã phủ kín 61 tỉnh thành, và đứng hàng thứ 4 về loại sữa cho trẻ em. Tin vui nữa là mới đây, tỉnh Hà Tây, huyện Ba Vì đã đồng ý để IDP sử dụng thương hiệu “Sữa tươi Ba Vì” và đến đầu năm 2008, sản phẩm này sẽ chính thức chào hàng và như vậy thêm một sản phẩm thương hiệu Việt nữa ra đời.

Vì sao lại chọn Ba Vì? Ông Khải cho hay: Người Pháp trước đây đã đánh giá rất cao vùng nguyên liệu sữa ở đây: Nhất Ba Vì, nhì Lâm Đồng. Và sữa bò ở đây được sử dụng làm nguyên liệu dinh dưỡng cho toàn bộ quân Pháp.

Điều mà ông Khải thắng được một số hãng sữa khác là biết tập trung cho vùng nguyên liệu, biết trân trọng người dân. Hiện tại, ông đầu tư cho người dân khoảng 1.000 con bò và cam kết thu mua 100% số sữa nên người dân rất yên tâm hợp tác với IDP. Ba bí quyết giữ được vùng nguyên liệu mà ông đưa ra là: Giữ giá thu mua cao, đầu tư tốt và dịch vụ thu mua tiện ích. Ông Khải kể, có những hôm người dân mang sữa kém chất lượng đến, để động viên họ, Cty vẫn mua rồi... đổ đi. Ngoài ra, Cty thường xuyên mời người dân tập huấn, mời cơm, tạo khoảng cách gần gũi giữa người dân và doanh nghiệp... Chính vì vậy, ông Khải hoàn toàn có niềm tin khi sắp xây hai nhà máy chế biến sữa nữa ở Ba Vì và ở tỉnh Hưng Yên...

Một mình lọ mọ viết dự án. Rồi cũng chỉ một mình đi vận động cổ đông, chỉ có 8 người chiến hữu dám tham gia với ông. Số vốn ban đầu là 9 tỉ đồng và không lâu sau Cty Hanoi Milk ra đời với thương hiệu IZZI nổi tiếng. Nhưng thương trường là chiến trường, ai ra đó mà không phải đổ máu, trả giá? Còn với ông Khải, bài học đau xót rút ra: “Làm kinh doanh không phải hội hè”...

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.