| Hotline: 0983.970.780

Người giàu nhất xứ Chùa tháp

Thứ Ba 02/12/2014 , 09:16 (GMT+7)

Với một thập kỷ sống và học tập, làm việc ở Úc, Kith Meng quay về Campuchia và theo báo The Australian, anh thành công nhanh chóng, trở thành một trong vài người giàu nhất nước này./ Người giàu Campuchia, họ là ai?

Hồi đó, anh là một cậu bé gầy gò, đi tìm cha mẹ khắp nơi trong bối cảnh đất nước bị chế độ Khmer Đỏ tàn phá. Anh bị buộc phải rời xa cha mẹ và sau này mới biết họ đã chết vì đói khát. Sau khi chế độ tàn bạo Khmer Đỏ sụp đổ, anh cùng anh trai trở về Phnom Penh. Lúc đó Kith Meng mới 11 tuổi.

Từng phải ngủ chung với lợn

Ba mươi năm sau, với một thập kỷ sống và học tập, làm việc ở Úc, Kith Meng quay về Campuchia và theo báo The Australian, anh thành công nhanh chóng, trở thành một trong vài người giàu nhất nước này. Hiện anh là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Royal Group, tập đoàn tư nhân lớn nhất Campuchia.

Kith Meng nhảy vào rất nhiều lĩnh vực đang tăng trưởng của đất nước Chùa tháp, gồm thức ăn nhanh, truyền hình, viễn thông, bảo hiểm, đường sắt và ngân hàng. Theo các loại giấy tờ, Kith Meng là triệu phú, thậm chí có thể là tỷ phú dollar. Kith Meng cũng có mối quan hệ tốt với chính phủ, nhất là Thủ tướng Hun Sen.

Ngày từ lúc sinh ra, thời điểm tháng 9/1968, cuộc đời Kith Meng đã bị chiến tranh phủ bóng đen. Bố anh, ông Kith Peng Ike, một thương nhân giàu có, bị Khmer Đỏ săn lùng.

Khi Kith Meng còn là đứa trẻ nhỏ, lực lượng Khmer Đỏ đã lên nắm quyền kiểm soát đất nước. Chúng buộc tất cả nhân viên chính quyền cũ, các doanh nhân, nhà giáo, kỹ sư… rời khỏi các văn phòng và đi về nông thôn với ý tưởng thiết lập một xã hội không tưởng kỳ quái dựa trên nghề nông. Các cuộc hành quyết không cần xét xử, những vụ hành hạ, tra tấn diễn ra thường xuyên.

Kith Meng còn nhớ rằng năm 1975, anh đã bị lính Khmer Đỏ đuổi ra khỏi nhà mình ở tỉnh Kandal, gần Phnom Penh. Cả gia đình bắt buộc phải đi bộ 300km tới một vùng nông thôn. Ở đây, họ bị tách ra. Cha mẹ đi một nơi, con cái đi một chỗ khác.

Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Kith Meng và anh trai Kith Thieng (hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn Royal Group) tìm cách đi đến Thái Lan.

“Họ đưa anh em tôi vào một trại lợn ở Suan Plu”, Kith Meng kể với phóng viên The Australian. “Chúng tôi ngủ chung với lũ lợn. Chúng tôi không tồn tại, không quê hương, không gì cả”.

Năm 1980, anh trai họ là Sophan Kith tìm thấy họ trong một trại tị nạn và đưa cả hai tới Úc. Kith Meng đi học trung học ở ngoại ô thủ đô Canberra, nơi cuộc sống không dễ dàng gì với một cậu bé Campuchia chỉ biết võ vẽ vài câu tiếng Anh.

“Ở Canberra, trời rất lạnh. Tôi đi phát báo để kiếm sống. Tôi cứ đi, cảm thấy rất cô đơn. Rồi tôi làm việc cho một nhà hàng Ấn Độ với công việc rửa bát đĩa, tôi nhận dọn rửa chợ trái cây vào các chủ nhật. Tôi đi cắt cỏ thuê”.

Nay Kith Meng có quốc tịch Úc, một ngôi nhà ở Canberra. Một số họ hàng của anh vẫn sinh sống ở đó. Anh thỉnh thoảng lại tới thăm họ.

Sophan Kith quay về Campuchia vào năm 1991, hai em trai của ông cũng về theo. Họ bắt đầu công việc cung cấp thực phẩm cho các tổ chức của Liên hợp quốc, rồi Cty của họ nhận nhượng quyền thương mại để bán các sản phẩm sao chép của hãng Canon.

Một doanh nhân sắc bén

Mặc dù chưa đến 30 tuổi, Kith Meng giành quyền kiểm soát Tập đoàn Royal Group sau khi Sophan Kith chết vì viêm gan.

Hiện là Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, Kith Meng làm việc liên tục và hiếm khi đi nghỉ. Người ta nói Kinh Meng là doanh nhân sắc sảo và thậm chí là nhẫn tâm, một người nhanh nhạy, dám chấp nhận rủi ro và tận dụng tốt mối quan hệ với chính phủ.

Ngày nay, Campuchia được xem là một địa chỉ đầy tiềm năng về kinh doanh. Các nhà đầu tư cho rằng làm ăn ở nước này dễ chịu, việc buôn bán, thương mại diễn ra tự do, chính trị tương đối ổn định. Nước này cũng là thành viên ASEAN và WTO (Tổ chức Thương mại thế giới).

Tuy nhiên, tại Campuchia tồn tại những hạn chế đáng kể. Cơ sở hạ tầng kém, tình trạng tham nhũng phổ biến. Kith Meng nói Campuchia có nền tảng văn hóa riêng và khái niệm “tham nhũng” rất khó định nghĩa. “Bạn cần phải nhớ rằng cho đến gần đây, Campuchia mới bắt đầu phát triển”.

Theo một số nguồn tin, tài sản của Kith Meng trị giá khoảng 600 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng), được coi là người giàu nhất Campuchia. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng con số trên mới là tạm tính và chưa thể đầy đủ.

Như một lẽ tự nhiên, Tập đoàn Royal Group có mối liên hệ chặt chẽ với Úc. Họ liên doanh với Toll Holdings để lập Cty Toll Royal. Liên doanh này giành được hợp đồng điều hành hệ thống xe lửa tại Campuchia.

Royal Group cũng lập liên doanh với ngân hàng ANZ, lấy tên là ANZ Royal, tăng trưởng nhanh chóng ở Campuchia trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, không phải ai ở Campuchia cũng ưa thích Kith Meng. Ou Viral, Chủ tịch Trung tâm Quyền con người Campuchia, đã tìm cách đàm phán với Kith Meng để ngăn ông này “quẳng những người dân thường ra khỏi nhà họ” bằng những dự án bất động sản.

“Ông ta là doanh nhân tàn nhẫn”, Ou Virak nói. “Đó là thực tế. Ông ta chẳng buồn để ý đến những đề nghị của chúng tôi. Ông ta sẵn sàng làm những gì ông ta muốn, không chút lưỡng lự. Ông ta ra tay rất nhanh và rất hung bạo”.

Kith Meng nói ông thường đi công cán với Thủ tướng Hun Sen, đại diện cho các lợi ích của Campuchia tại nước ngoài. Nhưng gợi ý rằng ông nhận một ghế trong chính phủ, Kith Meng cười: “Không, tôi thích những gì tôi đang làm. Để chuyện chính trị cho các chính trị gia”.

“Tôi cảm thấy tôi có đóng góp một số thứ cho đất nước và người dân. Tôi tự hào về những gì đã đạt được, phát triển Cty, đem lại việc làm cho người dân. Nếu cha mẹ tôi còn sống, chắc họ sẽ rất vui”, Kith Meng cho biết. (Hết)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.