| Hotline: 0983.970.780

Người giàu ra đi tìm thiên đường

Thứ Ba 07/05/2019 , 10:10 (GMT+7)

Giới giàu có trên thế giới không chịu ngồi một chỗ, ở đây là với ý nghĩa không phải chỉ để kiếm thêm lợi tức đầu tư mà để trốn cơ chế, xung đột, khủng hoảng và quan trọng không kém là tìm nơi dễ thở hơn về thuế.

Khoảng 108.000 triệu phú, tỷ phú khắp nơi trên thế giới đã di cư xuyên biên giới trong cả năm 2018, tăng 14% so với con số được ghi nhận một năm trước đấy và cao gấp 2 lần năm 2013. Đó là thống kê của tổ chức Giàu có Tân thế giới đóng trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) vừa được công bố.

Canada là một trong những điểm đến hấp dẫn của giới nhà giàu muốn tìm nơi cư trú mới

3 điểm nhấn được đưa lên phần đầu tóm lược cho báo cáo thống kê gồm: Australia, Mỹ, Canada là các điểm trú ngụ mới ưa thích nhất của giới tài phiệt; Trung Quốc và Nga là những nơi chảy máu nguồn lực tài chính lớn nhất; Brexit kèm hồi kết còn lơ lửng khiến Anh mất khoảng 3.000 triệu phú.

“Họ là chỉ dấu của những điều tồi tệ, khó khăn sẽ xảy ra, họ là những người đầu tiên rời đi và quan trọng là họ có cách để thực hiện, khác hẳn tầng lớp trung lưu”, trưởng nhóm thống kê Andrew Amoils nhận định. Ông Amoils nói rằng xu hướng di cư của giới nhà giàu là một chỉ dấu xã hội, ngoài những yếu tố ai cũng có thể nhìn thấy là tỷ lệ tội phạm, thiếu hụt cơ hội, mâu thuẫn xã hội... ở nơi họ buộc phải chia tay.
 

Nơi được

Australia là điểm đến được yêu thích nhất, vì độ an toàn, vì miễn thuế tài sản thừa kế và mối quan hệ thương mại vững mạnh với 3 “trụ cột châu Á” là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lợi thế của quốc gia này còn ở yếu tố có tốc độ tăng trưởng bền vững, gần như miễn nhiễm với các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái trong 27 năm qua.

New York, Los Angeles, Miami cùng San Francisco là nhóm “tứ tấu” giúp Mỹ nằm ở vị trí thứ hai năm 2018.
 

Nơi mất

Tại Trung Quốc, chính sách siết chặt quản lý dòng chảy tiền tệ trong vài năm liên tục gần đây đã đưa nhiều triệu phú, tỷ phú ra trước vành móng ngựa, nhưng cũng làm chảy máu cả về vốn lẫn người. Người Hoa cũng chung tâm lý với giới nhà giàu châu Á, khi đã phải đi là chọn các nước phát triển để còn lo đường học hành cho con cái.

“Một khi điều kiện ở các nước sở tại cải thiện đáng kể, tôi nghĩ họ sẽ tìm đường quay lại”, Amoils nói. Nhưng đó là sự kỳ vọng, còn thực tại Trung Quốc và một người khổng lồ châu Á khác là Ấn Độ đang chứng kiến dòng chảy ra mạnh hơn.

Theo thống kê của tổ chức Giàu có Tân thế giới, năm 2018 Thổ Nhĩ Kỳ mất 4.000 triệu phú và là năm thứ ba liên tiếp giới giàu có ra đi ở con số cao. Bị các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, khoảng 7.000 triệu phú Nga cũng đã ra đi.

Polina Kuleshova từ Công ty Henley & Partners chuyên cung cấp dịch vụ quốc tịch cho hay, nhu cầu tìm kiếm một hộ chiếu thứ hai là lựa chọn phổ biến nhất. “Những người này muốn tránh bị dính vào nghi ngờ, đồn thổi, họ muốn giữ bí mật dòng tiền của mình”, theo cô Kuleshova.

Dịch vụ công dân và cư trú theo các chương trình đầu tư đang là mảng kinh doanh đầy tiềm năng. Theo nhiều đánh giá, doanh thu của lĩnh vực này đã tiệm cận mức 2 tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo tháng 10/2018 thừa nhận, doanh thu lớn nhưng cũng tiềm tàng rủi ro khi một tỷ lệ không nhỏ dính líu tới pháp luật nước sở tại. Malta hay Síp được nêu tên thường đón phải những công dân kiêm nhà đầu tư này.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất