| Hotline: 0983.970.780

Người gieo hạt giống tình thương

Thứ Ba 01/11/2016 , 08:10 (GMT+7)

Ở vùng quê nghèo thôn Phúc Lâm Thượng, xã Phúc lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội không ai là không biết thầy giáo đã 74 tuổi Phạm Thái Hòa. Nghỉ hưu đã 14 năm nhưng thầy Hòa vẫn lặng thầm cống hiến...

11-36-51_mc-du-d-nghi-huu-14-nm-nhung-thy-phm-thi-ho-vn-tn-tuy-boi-duong-hoc-sinh-gioi-v-truyen-dy-kien-thuc-cho-nhung-tre-em-co-hon-cnh-kho-khn-tt-nguyen-o-di-phuong
Thầy Phạm Thái Hòa
 

Nghỉ hưu đã 14 năm nhưng thầy Hòa vẫn lặng thầm cống hiến, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của huyện và tổ chức các lớp học miễn phí tại nhà cho những học sinh có học lực yếu, có hoàn cảnh khó khăn và tật nguyền.
 

Hơn 50 năm "truyền lửa"

Năm 20 tuổi, thầy giáo trẻ Phạm Thái Hòa bắt đầu đứng lớp dạy môn Toán ở trường trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức. Chỉ trong ít năm, thầy Hòa được điều động về các trường cấp II Phù Lưu Tế, rồi trường cấp II An Mỹ…

Ở mái trường nào, ông cũng tâm huyết với học sinh. Trong suốt 40 năm dạy học ở nhiều mái trường khác nhau, nhưng ở đâu ông cũng được phân công ôn luyện cho các học sinh khá, giỏi. Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, thầy giáo Hòa còn mở lớp dạy miễn phí tại nhà cho những học sinh có học lực yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những em tật nguyền kém may mắn.

“Ngày đó, ngoài thời gian dạy và ôn luyện cho học sinh khá, giỏi trên lớp; hàng ngày về nhà bắt gặp nhiều học sinh có học lực yếu, vì hoàn cảnh gia đình éo le phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ và các em tật nguyền không có khả năng đến trường mà mình thấy thương quá. Thế là mình đến từng gia đình kiên trì vận động để đưa con cháu của họ về nhà mình kèm cặp thêm miễn phí để các cháu tiến bộ. Sau mấy tháng, các cháu tiến bộ rõ rệt, viết đọc lưu loát, làm các bài tập thành thạo. Từ đó các gia đình yên tâm giao hẳn con cháu cho mình dạy", ông Hòa nhớ lại.

Chỉ sau 5 năm dạy học, thầy giáo Hòa đã bắt đầu có lứa học sinh đầu tiên tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Năm học 1966 - 1967, dưới sự dẫn dắt của thầy Hòa, học trò Bùi Đức Ào đã nổi như một ngôi sao sáng khi đoạt giải Ba trong cuộc thi học sinh giỏi môn Toán toàn miền Bắc. Và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hà Tây (cũ) có học sinh giỏi miền Bắc.

Ngay sau cậu học trò Bùi Đức Ào là học trò Lê Hồng Đức của thầy Hòa lại tiếp tục đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc. Ngành giáo dục địa phương khi ấy ngỡ ngàng với “hiện tượng lạ” 2 cậu học trò giỏi cùng người thầy Phạm Thái Hòa ở vùng quê nghèo Mỹ Đức.

Tiếp nối phong trào ấy, từ năm 1966 đến năm 1999, thầy Hòa đã liên tiếp đào tạo được 12 học sinh giỏi tại các kỳ thi Toán cấp quốc gia và hơn 200 học sinh giỏi Toán trong các kỳ thi cấp tỉnh.

11-36-51_voi-nhung-cong-hien-tn-tuy-suot-nhieu-nm-qu-thy-gio-phm-thi-ho-nhn-duoc-nhieu-bng-khen-cu-cc-cp-bo-ngnh
 

Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2002 đến năm 2009, thầy Hòa vẫn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức tin tưởng tiếp tục mời làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong 7 năm ấy, thầy Hòa đã có thêm 35 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, thành phố trong đó nhiều giải Nhất, Nhì.

Cô Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi) - người dân xã Phúc Lâm có con trai từng là học trò tại lớp học miễn phí của thầy Hòa cảm động cho biết: “Con trai tôi trước đây học lực yếu lắm. Nghe mọi người nói chuyện, vợ chồng tôi quyết định đưa con đến nhờ thầy Hòa kèm cặp. Thầy Hòa có phương pháp dạy rất dễ hiểu và vui tính. Con trai tôi vừa được thầy Hòa luyện thêm kiến thức, vừa được học lối ứng xử lễ phép, ngoan ngoãn, kinh nghiệm sống. Chỉ trong một thời gian ngắn mà con trai tôi đã tiến bộ rõ rệt. Gia đình tôi biết ơn thầy Hòa nhiều lắm”.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học sinh tìm đến nhà muốn theo học lớp miễn phí do thầy Phạm Thái Hòa giảng dạy. Đến nay, mỗi lớp của thầy thường có hàng chục học sinh ôn luyện. Đều đặn 3 buổi/tuần, tại căn nhà của thầy vẫn duy trì lớp học miễn phí dành cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền quanh vùng.

Ông Lê Văn Đề (SN 1942) - nguyên hiệu trưởng trường THCS Phúc Lâm (Mỹ Đức) nhận xét đầy trân trọng về đồng nghiệp: “Thầy Hòa là nhà giáo mẫu mực, luôn khiêm tốn, sống bình dị và tự vươn lên không mệt mỏi.

Tuy thầy Hòa nghỉ hưu đã 14 năm nhưng đến nay rất nhiều thế hệ học trò cũ vẫn gửi gắm con, cháu của họ cho thầy. Dù cuộc sống không dư dả nhưng 14 năm qua thầy vẫn dạy miễn phí tại nhà cho biết bao học sinh nghèo; bất kể mùa đông hay mùa hè, nhà thầy Hòa lúc nào cũng đông vui vì tiếng nói cười của các em nhỏ”.
 

Tâm huyết vẫn tràn đầy

Dù các em học sinh trong lớp học miễn phí có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng vẫn được thầy Hòa xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn. Thầy Hòa vẫn thường xuyên liên hệ với các thầy cô giáo đang dạy học, hỏi thăm về những học sinh mình đã từng dạy học ở nhà, dõi theo từng bước tiến bộ của các em. Những điểm cần uốn nắn, những gì cần lưu ý, cần phải bổ sung… thầy Hòa đều trao đổi thêm với các thầy cô đang giảng dạy cho các em ở trên trường.

11-36-51_thy-phm-thi-ho-dng-bien-son-nghien-cuu-phuong-php-truyen-dt-kien-thuc-cho-cc-em-hoc-sinh
 

Thầy Hòa tâm sự: “Để có phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lý, tôi đã tìm tòi và phải tự sáng tạo; phải biết lực học của từng em để có cách củng cố kiến thức, dạy cho phù hợp. Phương pháp dạy học rất quan trọng, nếu chỉ có truyền đạt kiến thức không thì sẽ không thể mang thành công đến cho các em.

Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép nguồn kiến thức phong phú và đa dạng từ tin tức trên ti vi, báo, đài, các ngày truyền thống ca ngợi quê hương đất nước, kinh nghiệm cuộc sống thực tế, gợi sự sáng tạo của các em để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu, rèn luyện. Có lẽ, vì sự chân tình ấy mà nhiều người con quê hương Phúc Lâm dù đang sinh sống xa quê hương nhưng vẫn tranh thủ gửi gắm con, cháu về nhờ tôi kèm cặp trong mỗi dịp hè về”.

Biết bao thế hệ học trò đã đi qua, hàng chục giáo viên đang đứng lớp ở huyện Mỹ Đức cũng từng là học trò của thầy Hòa. Ngưỡng mộ phương pháp, kinh nghiệm dạy học của thầy, đến nay vẫn có nhiều giáo viên đến để học hỏi thầy Hòa về cách truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhiều học trò đã thành danh, nhớ ơn công lao của thầy vẫn thường xuyên về thăm mỗi dịp họp lớp, hội trường. Rất nhiều học sinh của thầy trở thành những con người có ích, công hiến cho đất nước, xã hội. Nhiều tiến sĩ, nhà khoa học, giảng viên trường đại học đã trưởng thành từ mái trường nơi thầy Hòa dìu dắt như: Nguyễn Văn Lượng, Trần Hồng Minh…

11-36-51_thy-phm-thi-ho-dng-ke-cho-chung-toi-nghe-dnh-sch-nhung-hoc-sinh-kh-gioi-dt-nhieu-dnh-hieu-trong-cc-ky-thi-cp-tinh-cp-quoc-gi
 

“Cái quý giá nhất mà con người có được là tình thương. Vì thế, hãy gieo hạt giống tình thương đó lên vai các đứa trẻ, các em sẽ làm cho những hạt giống ấy nảy mầm và phát triển", thầy Hòa chia sẻ.

Ông Trần văn Tân, Trưởng thôn Phúc Lâm Thượng, cho hay: “Qua hơn 40 năm công tác, thầy Hòa đã truyền ngọn lửa đam mê học tập cho nhiều thế hệ học trò trong địa phương. Thầy Phạm Thái Hòa thực sự là tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo, học sinh trong vùng học tập và noi theo”.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi và thành tích trong công tác giảng dạy, thầy Phạm Thái Hòa liên tục nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt” tiêu biểu năm 2016. Từ năm 1967 đến năm 2000, thầy Hòa liên tục đạt danh hiệu Chiễn sĩ thi đua cấp tỉnh, được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1992…

 

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.