| Hotline: 0983.970.780

Người hóa rồng cho tre

Thứ Sáu 05/03/2010 , 10:16 (GMT+7)

Một nông dân tài hoa đã biến những cây tre trong vườn nhà mình thành hình dáng rồng để nó “bay” đi khắp năm châu. Người nông dân mê nghệ thuật đó là ông Nguyễn Văn Nam ở tỉnh Hoà Bình.

Một nông dân tài hoa đã biến những cây tre trong vườn nhà mình thành hình dáng rồng để nó “bay” đi khắp năm châu. Ông cũng mạnh dạn gửi đơn đến cơ quan thẩm quyền nguyện vọng được trưng bày 1.000 con rồng tre với thế long giáng trong dịp Đại lễ 1000 năm.  

Khu vườn độc nhất vô nhị 

Người nông dân mê nghệ thuật đó là ông Nguyễn Văn Nam ở xóm Nhân Hoà, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình.Trông ông chất phác, thật thà, hiền lành như bao người nông dân khác. Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn con nhanh nhẹn lắm. Ông có vóc dáng khoẻ mạnh, mái tóc đã lốm đốm bạc để lộ vầng trán rộng.

Ngôi nhà của ông nằm lọt thỏm giữa một khu vườn rộng lớn trồng rất nhiều cây cảnh. Từ bờ rào, trước và sau nhà ông bày la liệt các loại cây với đủ hình dáng khác nhau. Ấn tượng nhất là những bụi tre cảnh vàng óng hiện lên trong làn sương khói mờ ảo của xứ Mường. Qua đôi bàn tay khéo léo của ông những thân tre gầy guộc, khúc khuỷu biến thành những hình thù hết sức độc đáo. Nào là bản đồ hình chữ S với đầy đủ góc cạnh và các vùng miền được dựng lên rất nhiều trong khuôn viên nhà. Chiếm số đông là những bụi tre với thế long giáng. Mỗi cây, mỗi hình thù được chủ nhân chăm sóc rất kĩ. Kể cả những mầm măng non vừa nhú lên khỏi mặt đất nhọn hoắt đã được ông đưa vào khuôn khổ.  

Sinh sống ở Hoà Bình nhưng quê ông lại ở huyện Trực Ninh (Nam Định) – nơi mà phong trào làm cây cảnh đã trở thành tuyệt kỹ. Nhà ông cũng có nhiều đời làm cây cảnh. Nhờ đó mà ông được tiếp xúc và học những bí quyết cũng như thừa hưởng nguồn “gen” tạo dựng thế cây.

Tất cả những tác phẩm của ông đều được ông đặt cho những cái tên rất đỗi thân tình như: Ước nguyện hoà bình, Thăm tình hữu nghị….

Với ông được sưu tầm, được thể hiện tài năng trên những thân cây là một cái thú. Một lần ông xin được gốc cây xanh ở đầu cổng của một đứa cháu. Cây này tán rộng, gốc to đẹp, ông tách chúng làm đôi. Sống ở vùng nông thôn nhưng ông luôn ao ước được đến thăm Lăng Bác một lần. Thế là ông quyết chí tạo thế cây cảnh có chữ “Bác Hồ vĩ đại”.

Sau nhiều ngày cắt tỉa ông tạo dựng được thế cây rất đẹp. Ngay sau hôm hoàn thiện tác phẩm, ông bắt xe lên Hà Nội đến thăm Lăng Bác với ý định là biếu tác phẩm này cho Ban quản lý Lăng Bác. Chỉ có điều ông đi lại nhiêu lần mà không biết liên hệ với ai. Lang thang mãi ông dạt vào Triển lãm Giảng Võ đúng hôm có trưng bày sinh vật cảnh. Ông quen biết được chị Hải, thế là ông chuyển giao cây cảnh này cho chị. Sau này chị Hải đã tặng tác phẩm này cho trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Hiện hai cây xanh này vẫn tươi tốt. 

Không ngờ chuyến đi đó lại mở mang cho ông nhiều cơ hội giao lưu với giới sinh vật cảnh ở Hà Nội. Ông càng hăng say sưu tầm và tạo được nhiều cây cảnh. Từ nhỏ cho đến khi có cháu ngoại ông vẫn ao ước đưa cây tre Việt rất đỗi thân thương ở các làng quê vào chậu cảnh. 

Ông bắt tay vào làm nhưng ông cũng phải mất 4 năm mới thành công. Ông cho rằng, trong nghệ thuật trồng, uốn cây cảnh đã khó, uốn tre càng khó uốn hơn. Bởi vì người ta phải uốn ngay từ khi cây còn là măng mới nhú lên khỏi mặt đất chừng mươi mười năm phân. Từ lúc cây măng trồi lên đến khi uốn xong một cây phải mất 1 - 3 tháng, trong thời gian đó, ngày nào cũng phải lựa, phải uốn 3 - 4 lần và mỗi lần cũng chỉ uốn được 1 - 2m. Do đặc tính của măng tre rất giòn, chỉ cần uốn căng tay một chút là gẫy. Và để hoàn thành một chậu hoàn chỉnh với thế long giáng cũng phải mất tới 3 năm chăm, tỉa.  

Những ngày đầu bước vào nghề uốn tre là chuỗi những ngày dài thử thách sự kiên trì đối với một người nóng tính như ông. Bởi cứ uốn 10 cây thì có đến 9 cây bị gãy, một cây còn lại do không chịu được thì thối. Ròng rã hơn 1 năm trời măng tre mọc lại uốn, lại thất bại, cả khu vườn rộng trắng xoá những ngọn măng. Vợ ông bồn chồn lo lắng vì suốt ngày, nắng cũng như mưa ông cứ ở với những cây măng, cây tre đến tối mịt mà chẳng được tích sự gì. Nhiều lúc bản thân ông cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc để dành thời gian giúp đỡ vợ con việc đồng áng, chăm con lợn, con bò.  

Một hôm ông lang thang lên UBND xã, thấy mọi người bỏ bụi tre vàng - giống tre này lấy ở đền thờ Thánh Gióng. Ông xin về trồng và uốn thử. Sẵn có kinh nghiệm, ông tạo thế tre từ khi tre ra măng. Không ngờ giống tre lấy ở đền thiêng của vị tráng sĩ Thánh Gióng năm xưa lại có độ bền và độ dẻo. Sau vài lần uốn thử, ông cảm thấy rất mãn nguyện. Thế là ông làm đủ các hình thù từ hình đất nước, tới những con vật thân thương được tạo hình từ tre. Thành công này đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu và ông cũng tạo được danh tiếng nhờ những chậu tre cảnh độc nhất vô nhị này.

Nguyện vọng thiết tha 

Mỗi lần mang tác phẩm của mình lên Hà Nội là một kỉ niệm đáng nhớ không thể quên đối với ông. Nghe đài báo nói Việt Nam gia nhập ASEAN, ông tự mình làm một cây cảnh có chữ ASEAN rất lớn. Ông mạnh dạn liên hệ với Văn phòng Thủ tướng để tặng tác phẩm này. Nhờ lại lần đầu đến liên hệ với Văn phòng Thủ tướng, ông vẫn không tin là mình được đón tiếp. Trước khi đi ông đã “thủ” sẵn bức ảnh chụp tác phẩm của mình. Đến cổng các anh cảnh vệ hỏi rất cặn kẽ và ông cũng trình bày rõ ý định của mình. Không ngờ món quà của ông được Văn phòng Thủ tướng đón nhận. Và sau đó, ông còn có vinh dự được gặp các vị lãnh đạo của đất nước. 

Dường như ông Nam rất có duyên với các sự kiện lớn của đất nước. Năm nước ta tổ chức SEAGAME 22, ông đánh liều liên hệ với Ban tổ chức SEAGAME. Khi ông đưa ra ý tưởng trưng bày 22 chậu cảnh, mỗi chậu có 2 cây tre hình con rồng gắn liền với nhau tượng trưng cho sự đoàn kết của các nước được Ban tổ chức ủng hộ nhiệt liệt. Tác phẩm này của ông được đặt sừng sững ngay trước cổng ra vào khán đài A của Sân vận động Mỹ Đình chào đón quan khách. Để chứng tỏ sự khéo léo của mình ông còn uốn tỉa một cây tre cảnh độc đáo mang hình dáng Việt Nam bên cạnh 2 con rồng tre đang vươn lên trong một chậu hoa sen 10 cánh.  

Không dừng lại ở đó ông còn nhiều lần tặng những chậu cảnh bằng tre Việt cho các nước và đều được họ đón nhận rất trân trọng. Nói có sách mách có chứng, ông lấy một tập tài liệu trong chiếc cặp ra rất nhiều thư cám ơn của các Đại sứ quán như: Thái Lan, Trung Quốc, Philippin…  

Trong suốt câu chuyện của mình, ông Nam nói về cây cảnh không biết chán. Được sống, được làm cây cảnh, mang đến thú vui cho mọi người là động lực giúp ông hoàn thiện được những tác phẩm để đời. Suốt mấy năm qua ông còn âm thầm làm 1.000 con rồng tre để tặng cho Ban tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giờ những tác phẩm đó đã và đang hoàn thành. Ý tưởng của ông là đặt 1000 con rồng trong thế long giáng trưng bày trong Đại lễ. Chậu được làm hình hoa sen, giống tre được lấy ở đền thờ Thánh Gióng càng mang nhiều ý nghĩa.   

Giờ đây công trình nghệ thuật cả đời của ông đã hoàn thành. Vừa rồi, ông mạnh dạn trình lên các cơ quan chức năng nguyện vọng tặng cho BTC Đại lễ với những lời lẽ thiết tha gói gọn trong trang giấy A4. 

Phía cuối “tờ trình”, ông Nam còn xác nhận: “Nếu Nhà nước không có người chăm sóc, sửa tỉa, tôi và kế tiếp con cháu tôi sẽ có trách nhiệm chăm sóc đảm bảo 1.000 chậu tre long giáng luôn xanh tốt và tồn tại mãi và cứ sau mỗi một năm tôi sẽ đưa thêm một chậu nữa”.

“Ông có tin là kế hoạch của mình sẽ được Nhà nước chấp thuận?”, nghe tôi hỏi ông vẫn hồ hởi: “Tôi tin chứ. Việc làm của mình là chính đáng. Ít nhất là tôi cũng đã dám đề đạt nguyện vọng của mình tới Nhà nước. Còn việc có được mang tác phẩm của mình để trưng bày không thì tôi vẫn phải chờ”.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thủ tướng gửi thư tri ân gia đình người hiến tạng cứu 7 bệnh nhân

Thủ tướng Chính phủ vừa gửi thư tri ân gia đình người hiến tạng và khen ngợi gần 120 nhân viên y tế sau thành công của ca ghép tạng cứu sống 7 người.