| Hotline: 0983.970.780

Người hốc hác, ruộng khô khát, còn công trình nước sạch phơi sương

Thứ Ba 04/07/2017 , 14:30 (GMT+7)

Sa Pa - thiên đường du lịch, với những thửa ruộng bậc thang đi vào di sản. Cũng mảnh đất ấy, đâu đó vẫn có những con người hốc hác vì thiếu nước sinh hoạt.

Trên mặt ruộng bậc thang khô cằn, nứt nẻ, một chú chó đứng tư lự chẳng buồn ngáp. Xa xa là những công trình nước sạch, thủy lợi tiền tỷ “chết yểu”, số ngày được sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 

Công trình nước sạch tuổi thọ... 2 ngày

Vài năm trở lại đây, người dân thôn Chu Lìn 2, xã Trung Chải, huyện Sa Pa lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng mặc dù sống ngay cạnh công trình nước sạch với trị giá xây dựng hàng tỷ đồng. Đơn vị chủ đầu tư là UBND xã Trung Chải.

13-34-03_1
Công trình nước sạch có tuổi thọ 2 ngày tuổi tại thôn Chu Lìn 2

Công trình cấp nước tập trung ở thôn Chu Lìn 2 có bể chứa 40m³, được nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 9/2015. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân trong thôn thì chỉ đúng 2 ngày sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã bắt đầu hư hỏng và hầu như không hoạt động. Chúng tôi trèo lên bể, mở nắp, bên trong mực nước chưa tày gang. Nước phủ một lớp váng như ai đổ dầu, môi trường lý tưởng cho đàn bọ gậy sinh sôi.

Anh Châu A Páo, công an xã Trung Chải, sinh sống tại thôn Chu Lìn 2 cho biết, anh là người trực tiếp tham gia xây dựng công trình này, đồng thời cũng là đại biểu giám sát của Hội đồng nhân dân xã Trung Chải. Ngay khi biết tin công trình được bàn giao, anh Páo và bà con trong thôn đã đề nghị xã không nghiệm thu công trình vì được tận mắt thấy đơn vị thi công rất cẩu thả. Cả thôn yêu cầu phải “bảo hành” 3 tháng, sau khi người dân sử dụng. Bởi lẽ, họ chứng kiến, nguyên vật liệu thi công không đảm bảo, đá để đổ bể chứa quá nhỏ so với thiết kế dự án. Đường ống dẫn nước cũng chỉ là loại ống rẻ tiền…

13-34-03_2
Miệng vòi dẫn từ bể không một giọt nước

“Dù bị người dân và lãnh đạo thôn phản đối, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà xã vẫn nghiệm thu, tiến hành bàn giao công trình. Chỉ 2 - 3 ngày sau bàn giao, công trình đã có dấu hiệu hư hỏng rồi. Các điểm nối ở đường ống bị vỡ, rò rỉ, nước trào ra ngoài tụt cả khớp nối. Sau hơn 2 tháng thì công trình hỏng hẳn không còn tí nước nào để bà con sử dụng”, anh Páo dẫn chúng tôi mục sở thị công trình, bức xúc nói.

“Bây giờ, các anh chỉ cần lấy vật cứng nhọn đục vào thân bể nước thì phía trong sẽ bị rỗng. Vì khi đổ bê tông, nguyên vật liệu không được phối trộn, nén chặt mà toàn là đá nhỏ 1x3cm. Họ chỉ nhét như thế cho xong để nhiệm thu, nhận tiền mà thôi, tôi dám khẳng định như vậy", anh Páo quả quyết.

Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, 36 hộ dân thôn Chu Lìn 2 đã phải tự mua ống bắt nước từ các khe về dùng. Tuy nhiên, do nước không được lắng, lọc nên những ngày mưa, nước đục như bát bùn, không thể sử dụng.

Không chỉ người dân khốn đốn, nhiều giáo viên, học sinh của Trường tiểu học Chu Lìn phía dưới cũng khô khát vì không có nước. Các thầy cô tại đây phải tận dùng từng giọt nước mạch để sinh hoạt. Vào mùa hanh khô, ngoài "cõng" con chữ, họ còn oằn mình cõng từng can nước quý như vàng.
 

Nương đồi khô khát

Thôn Chu Lìn 2 là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông. Cả thôn có 36 hộ thì 2 hộ “được” cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Vì sao ư? Họ phụ thuộc hoàn toàn vào khoảng 100ha đất ruộng bậc thang, trồng mỗi năm một vụ. Điều đáng buồn, một nửa diện tích kể trên đang trong tình trạng khô khát vì thiếu nước. Ngô chẳng thể trồng chứ đừng nói cây lúa.

Nghịch lý này xuất phát từ việc người dân phải hy sinh khe nước duy nhất để đầu tư công trình thủy lợi kiên cố bằng bê tông. Công trình này được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004 với kinh phí xây dựng 5,1 tỷ đồng. Công trình kỳ vọng sẽ cấp nước sản xuất cho các thôn Móng Sến, Chu Lìn 1 và Chu Lìn 2 (xã Trung Chải). Tuy nhiên, công trình xuống cấp ngay sau khi bàn giao.

13-34-03_3
Phía dưới bụi cỏ là đường dẫn nước của công trình thủy lợi hơn 5 tỷ đồng

Chúng tôi đã lần theo vết tích của công trình thủy lợi bị bùn đất vùi lấp, ngược về phía đầu nguồn nước, giáp ranh với xã Tả Phìn. Càng đi lên cao, sự xuống cấp, sự lãng phí của công trình tiền tỷ lại càng lộ diện. Nhiều đoạn mương bị đất bồi lấp đến mức phải dùng cuốc xẻng đào bới một lúc lâu mới thấy có tí… bê tông. Có những đoạn bị vỡ ngang dọc, sạt lở hàng mét. Toàn tuyến kênh dài khoảng 8 cây số thì có đến 6 cây số bị khô cạn. Đứng trên đường nhìn xuống, gần như chưa bao giờ có sự tồn tại của một công trình thủy lợi tiền tỷ.

Đặc biệt, tại điểm giáp ranh giữa hai thôn Móng Sến và Chu Lìn 1, đơn vị thi công chỉ sử dụng một đoạn ống nhựa có đường kính 20cm để đấu nối qua vực sâu. Do không đảm bảo, đoạn ống này đã bị gãy rời. Người dân phải dùng cây luồng có đường kính chỉ gần 10cm để đấu nối lại.

Anh Châu A Tỏa, người thôn Chu Lìn 2 nói như mếu: “Không có nước tưới tiêu, không trồng ngô, không trồng lúa được, ruộng giờ để hoang thôi. Nhà có 6 khẩu, không có thóc ăn, tôi phải đi làm thuê, nếu không có ai thuê thì sẽ đói ăn”.

13-34-03_4
Ruộng nứt nẻ, không thể sản xuất vì thiếu nước

Ông Châu A Phử thì thở dài: “Chẳng hiểu kiểu gì, có mương mà chẳng thấy nước. Đất bố mẹ tôi để lại cho thì nhiều nhưng chẳng có nước nên ruộng giờ được ít thôi. Năm nào thời tiết đẹp, lúa năng suất thì đủ ăn, năm nào mưa gió hay lũ về thì đói. Tôi thấy công trình này xây dựng ra lãng phí quá. Chúng tôi muốn Nhà nước điều tra lại con mương này tại sao dân chưa được dùng nước ngày nào mà đã nghiệm thu rồi. Công trình này hỏng như bây giờ phải làm lại thôi, tu sửa mãi có dùng được đâu”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cứ A Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, cho biết xã đã rất nhiều lần đề nghị lên huyện việc tu sửa, bảo dưỡng công trình thủy lợi này. Khoảng tháng 3/2016, huyện đã cử một tổ công tác xuống kiểm tra, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có bất cứ hình thức tu sửa nào. Xã chỉ còn cách sửa chữa kiểu giật gấu vá vai, nhưng công trình ngày một xuống cấp.

13-34-03_5
Người dân Trung Chải bức xúc, đề nghị các cấp vào cuộc điều tra lại các công trình tiền tỷ bị bỏ hoang tại địa phương này

Cũng theo ông Sinh, xã Trung Chải có 735 hộ thì có tới 476 hộ nghèo. Riêng thôn Chu Lìn 2 thì cả thôn có 36 hộ thì chỉ duy nhất có 2 hộ không thuộc diện hộ nghèo. Một xã nghèo như Trung Chải, miếng cơm, manh áo của người dân gần như phụ thuộc vào nông nghiệp. Ấy vậy, nước ăn chẳng có, nước sản xuất thì không. Không hiểu, người dân nơi đây sẽ phải làm gì để thoát khỏi cảnh đến hẹn… lại chờ gạo cứu đói từ Trung ương!?

+ “Người dân trong thôn đã rất nhiều lần kiến nghị lên xã, rồi qua các buổi tiếp xúc cử tri nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng chưa thấy được sửa chữa gì. Còn công trình nước sạch hàng tỷ đồng vẫn phơi mưa nắng và tiếp tục xuống cấp trong khi hàng ngày người dân phải vật lộn với cảnh thiếu nước sinh hoạt”, anh Châu A Páo bùi ngùi.

+ Theo tìm hiểu, toàn tỉnh Lào Cai hiện có 986 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Nhưng trong đó có tới 219 công trình được đánh giá hoạt động kém hiệu quả. Đứng đầu là huyện Mường Khương với 38 công trình, huyện Sa Pa 36 công trình, huyện Bát Xát 29 công trình. Đặc biệt, có tới 30 công trình không hoạt động, riêng huyện Sa Pa “ôm” 17 công trình.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất