“Hẹn nhau từ muôn kiếp trước” có nguyên cớ từ đâu? Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết: “Hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu” là câu hát rất quen thuộc trong ca khúc “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Lời ca ấy đã gợi ý cho tôi thực hiện cuốn sách này, với mục đích đầu tiên là cố gắng nuôi dưỡng sự lãng mạn càng ngày càng hao hụt trong tâm hồn mình. Và nếu may mắn, sẽ có được sự đồng cảm của những người xung quanh”.
“Hẹn nhau từ muôn kiếp trước” hé lộ tơ duyên của những nhân vật nổi tiếng như Phùng Quán, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Chuẩn, Châu Kỳ, Yến Lan, Phạm Thế Mỹ… Mỗi người một sắc thái hạnh phúc và khổ đau khác nhau, nhưng tình yêu của họ thực sự đáng để thế hệ hôm nay trân trọng.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước” bằng cách riêng của một người có khả năng quan sát và phê bình nghệ thuật. Mỗi chuyện tình luôn có dắt díu giữa yêu đương và tác phẩm của họ.
Ví dụ, chàng trai Trần Tấn Hậu từ sự thất vọng tình đầu với người đẹp Tường Vân mà lấy bút danh Y Vân để bước vào âm nhạc. Hoặc hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường - cha đẻ của chiếc áo dài Việt Nam đã gặp được người mẫu đầu tiên chính là bà Nguyễn Thị Nội sau này là vợ ông.
“Hẹn nhau từ muôn kiếp trước” có những trang viết mang tính phát hiện độc đáo dành cho công chúng, như “Lưu Quang Vũ có ba người đẹp ghi dấu trang thơ”, “Lý Huỳnh cầu hôn bên sàn đấu võ” hoặc “Mỹ Châu tơ duyên sau bức màn nhung sân khấu”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ về cuốn sách “Hẹn nhau từ muôn kiếp trước” khá thú vị: “Tình yêu của thế hệ hôm nay có vẻ đang nghiêng về hướng thực dụng. Vì vậy, vài chuyện tình trong cuốn sách này sẽ khiến dăm độc giả trẻ không thể tin và cũng không muốn tin.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, biết yêu và được yêu, là một phúc phận trên nhân gian. Yêu một cách say đắm, yêu một cách ngây ngô, yêu một cách khờ dại, yêu một cách lạc lối… vẫn không phải lỗi lầm đáng trách móc hay đáng chê bai.
Bởi lẽ, nhiều thứ lấp lánh và nhiều thứ khoa trương ở cõi đời rồi cũng tan biến theo cát bụi, còn chân tình ngỡ không âm thanh ngỡ không hương vị thì mãi mãi được truyền tụng, mãi mãi được tôn thờ”.