| Hotline: 0983.970.780

Người kể chuyện núi rừng

Thứ Ba 12/10/2010 , 10:58 (GMT+7)

Giữa đại ngàn Trường Sơn huyền bí, những câu chuyện mộc mạc vẫn chảy đều qua lời kể của nghệ nhân Kả Vế đã kéo chúng tôi về miền ký ức hồng hoang của đồng bào dân tộc nơi đây.

Nghệ nhân Ka Vế là ''báu vật sống'' của người Tà Ôi

Giữa đại ngàn Trường Sơn huyền bí, những câu chuyện mộc mạc vẫn chảy đều qua lời kể của nghệ nhân Kả Vế (thôn Ta Ay, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã kéo chúng tôi về miền ký ức hồng hoang của đồng bào dân tộc nơi đây.

Rót bát nước chè vằng mời khách, đôi mắt nghệ nhân Kả Vế nhìn xa xăm ra dãy núi, cụ bảo: “Chuyện về người Tà Ôi thì nhiều lắm, trong đó tôi thích nhất là câu chuyện về sự hình thành dân tộc Tà Ôi cũng như các cộng đồng dân tộc khác ở dọc dãy Trường Sơn này. Nó thể hiện khát vọng sống, chinh phục tự nhiên của dân tộc mình”.

Nói đoạn, cụ chậm rãi kể: “Vào thời hồng hoang của tộc người định cư ở bên dãy Trường Sơn, trong bản làng có một cây to, trưởng bản bảo mấy người thợ giỏi, trai tráng trong làng khoét cây to làm trống, mổ 2 con trâu đực lấy da bịt trống. Một hôm trời mưa như trút nước, mưa suốt ngày đêm, nước ngập ruộng đồng, nước dâng cao quá núi nuốt chửng cả bản làng. Duy chỉ có một người con gái và một con chó sống sót nhờ chui vào cái trống đó (lý giải tại sao hiện nay người Pa Kô, Tà Ôi không ăn thịt chó).

Trong trống có đầy đủ tất cả các vật dụng sinh hoạt trong mấy ngày liền. Khi nước dâng cao ngập cả núi đồi, bao ngày lênh đênh trên biển nước, người con gái có một lời nguyền, nếu trời cho sống sót thì sẽ rơi xuống vùng đồng cỏ nơi đồng bằng, nếu chết thì sẽ rơi xuống dòng thác Hồ Luy. Sau khi nước rút, cái trống trôi tới một vùng đồng bằng đầy cỏ, họ làm nhà cửa, khai phá ruộng nương. Người con gái và chú chó sinh sống với nhau rất hạnh phúc. Họ sinh được một người con gái và một người con trai.

Khi con đã lớn, người mẹ khuyên các con nên đi xuống miền xuôi và lên miền ngược để tìm loài người, duy trì nòi giống. Người con gái xuống miền xuôi, người con trai lên miền thượng. Họ đi rất xa, đi mãi, nơi nào cũng có dấu chân của họ qua. Mấy chục năm sau cả hai người vẫn không tìm thấy loài người.

Một hôm, họ cùng trở về nơi đã chôn nhau cắt rốn, họ gặp nhau. Người con trai hỏi: “Em từ đâu đến?”, người con gái bảo: “Em từ miền xuôi lên”. Người con trai lại hỏi: “Em lên đây làm gì”, con gái nói: “Em lên đây đi tìm con trai”. Hai người sống với nhau rồi kết thành vợ, thành chồng. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Người mẹ thấy vậy nói: “Con lấy cái đũa quấy cơm rồi ước một điều gì đó trời sẽ cho”. Họ ước làm nhà cao cửa rộng xây nơi chín nguồn con sông gặp nhau, trâu bò đúng 9.000 con, ruộng nương đi mãi không đến bến bờ. Rồi người con trai chăm chỉ làm ăn, họ sinh nhiều con và chia nhau xuống đồng bằng, lên miền núi và qua Lào.

Những câu chuyện tưởng chừng như thô mộc, thần thoại nhưng đầy ý nghĩa, nó hàm chứa sự khao khát bởi những giá trị lao động chân chính và chinh phục tự nhiên của đồng bào miền núi. Say sưa trong ký ức, cụ Kả Vế tâm sự, thưở nhỏ, hằng đêm trong tay mẹ, dù đói khổ với củ sắn, củ khoai đắp đổi qua ngày, bà vẫn nghe mẹ kể về những câu chuyện mang dấu ấn huyền thoại về lịch sử hình thành của dân tộc mình, về sự vươn lên của những phận người, những người con Tà Ôi thấp cổ bé họng trong xã hội đương thời.

Như quay ngược về quá khứ, câu chuyện về nàng Tà Ngực mà bà kể đã kéo chúng tôi về với quá khứ ruộng đồng nương rẫy với đồng bào miền núi một đời chân lấm tay bùn. Bà kể: “Tà Ngực là con của một phú hộ giàu có, nhà nàng có nhiều ruộng vườn, trâu bò nhất bản làng. Nàng Tà Ngực thông minh, khéo tay và đẹp như một đóa hoa rực rỡ giữa rừng. Tiếc thay, từ nhỏ đến lớn nàng không hé môi nói một lời nào. Nhà nàng Tà Ngực có nhiều lúa, ruộng nương và họ thuê các trai bản là A Ba, A Pe, A Bon, A xin, đến cấy lúa, thu hoạch hoa màu quanh năm.

Trong đám trai bản có chàng Cân Tươi là con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng thông minh và chăm chỉ. Họ cá cược với nhau rằng nếu ai làm cho nàng Tà Ngực cười, nói được thì sẽ có phần thưởng ước gì sẽ được đó. Để làm hiệu mỗi khi nàng Tà Ngực cười, nói sẽ có người đứng canh để đánh trống, dùng que bẻ làm dấu. Các trai bản bắt đầu cá cược nhau. Họ ra đồng cấy lúa, thu hoạch ngô. Chàng trai Cân Tươi thì làm việc trong bếp, hậu cần nấu nướng cho trai bản ăn.

 Một hôm, nàng Tà Ngực đang trèo lên cây hái bưởi. Đã đến giờ trưa, sắp chuẩn bị cơm cho trai bản ăn khi cấy lúa về, nhưng chàng Cân Tươi cứ nhởn nhơ, không làm gì cả chỉ đi đi lại lại mà thôi. Thấy vậy, nàng Tà Ngực giận quá mới ném quả bưởi vào đầu chàng Cân Tươi rồi nói: “Sao anh không làm gì cả mà cứ chạy lui chạy tới mãi thế?”. Thế là nàng Tà Ngực đã nói, trống một hồi điểm lên, bẻ một que tre để đánh dấu lần thứ nhất. Ngoài đồng trai bản nghe trống rất thất vọng, biết mình sắp thua rồi.

Nói về nghệ nhân Kả Vế, ông Hồ Văn Ngoan, Phó phòng VHTT huyện A Lưới: Cụ Kả Vế là một trong những “báu vật sống” của bản làng Ta Ay, mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn ghi nhớ những câu chuyện cổ tích, thần thoại về sự hình thành các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt. Những câu chuyện mộc mạc đúng như tính cách chân chất của miền núi đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Tà Ôi.
Đến khi bắt lợn làm thịt, chàng Cân Tươi cứ đuổi bắt lợn nhưng chỉ túm lấy đuôi, lợn ầm ỉ, nhưng không bắt được. Nàng Tà Ngực thấy thế liền sấn lại chỉ bảo nên trống lại điểm lần thứ hai. Thịt lợn thì bỏ trong ống tre nướng nhưng chàng Cân Tươi chặt tre không có mắt, cứ bỏ đằng này thì chảy ra đằng kia. Nàng Tà Ngực thấy thế tức quá nên sấn tới chỉ cách cho mà làm, thế là trống lại một hồi điểm lên, bẻ thêm một que tre nữa làm dấu. Cứ như thế, chàng Cân Tươi luôn tay làm những việc ngược đời khiến nàng Tà Ngực phải nói, trống điểm liên hồi, trai bản phen này chắc chắn đã thua.

Phú hộ Pra Nha biết được cuộc cá cược giữa đám trai bản với chàng Tà Ngực nên nói: “Thôi thì các con đã lớn, không thể giành nhau mãi. Nếu ai làm được con gái ta nói ta sẽ gã cho người đó”. Đến bữa cơm giữa các trai bản, chàng Cân Tươi không bỏ cơm vào bát ăn mà đỗ ra giữa mủng (một loại thúng nhỏ, đan bằng tre – PV). Nàng Tà Ngực thấy thế thương quá mới nói: Sao anh dại thế, cơm không bỏ trong bát mà ăn lại cho vào mủng? Chỉ chờ có thế, trống một hồi lại điểm lên, phú hộ Pra Nha liền đồng ý gả con gái cho chàng Cân Tươi. Có ruộng nương, trâu bò nhiều vô kể, chàng Cân Tươi chăm chỉ làm ăn, họ sống hạnh phúc và đã trở thành một trong nhưng người giàu có nhất bản làng thời đó.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.