| Hotline: 0983.970.780

Người Khmer chung tay xây dựng phum sóc

Thứ Sáu 22/03/2019 , 08:59 (GMT+7)

Những ngày này, về các phum sóc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 65%), dễ nhận thấy nhiều con đường đã được nâng cấp, cải tạo rộng rãi và sạch đẹp hơn đã thay thế những con đường sình lầy, trơn trợt.

16-16-23_dscn5797
Đường giao thông nông thôn ấp Tà On (xã Châu Lăng) do chùa Chi Ka Êng vận động người dân và nhà nước cùng làm

Những năm qua, Châu Lăng tích cực vận động đồng bào Khmer tham gia xây dựng NTM. Hai năm qua, xã huy động trên 14 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 3,2 tỉ đồng. Từ đó Châu Lăng mở rộng, nâng cấp bê tông hoá tuyến đường từ dốc Bà Lan, cải tạo cấp phối các tuyến đường kênh Tà On, kênh Tà Miệt dài 6,5 km và mở rộng, nâng cấp tuyến lộ giữa liên ấp An Lợi, An Hòa và Nam Quy dài 4,3 km do nhân dân và Nhà nước cùng làm...

Đã xuất hiện nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia xây dựng NTM. Điển hình Sư cả chùa Tưc Phôs ấp An Lợi (xã Châu Lăng), Thượng tọa Chau Hăc cùng ban quản trị chùa đã phối hợp với địa phương vận động nhân dân mở rộng khôi phục lộ nông thôn tại ấp An Lợi dài 1.053m với kinh phí 270 triệu đồng.

Thượng tọa Chau Hắc nói: “Nhà chùa đã chủ động bàn với Ban nhân dân ấp, rồi lấy ý kiến đồng bào để mở rộng và tôn cao tuyến đường. Điều đáng mừng là nhiều hộ tự nguyện hiến đất mà không đòi tiền bồi hoàn. Con đường đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đồng bào nên nhận được sự đồng thuận rất cao, ai cũng sẵn sàng đóng góp”.

Cũng vận động để phát huy nội lực huy động từ sức dân, Ban quản trị chùa Chi Ka Êng ấp Tà On (xã Châu Lăng) phối hợp với người uy tín và Ban nhân dân ấp đã vận động 140 hộ dân với gần 200 triệu khôi phục được 310m lộ nông thôn. Đồng thời vận động hội viên nông dân tham gia sửa chữa 293m lộ nông thôn, xây bờ kè tiếp giáp 2 ấp An Lợi và Tà On khoảng 500m kinh phí hơn 120 triệu đồng, và sữa chữa bờ kinh được 1.200m.

Ông Chau Mốk ở ấp Tà On, xã Châu Lăng cho biết: “Bà con tham gia xây dựng lộ kết hợp cùng với nhà chùa đóng góp, một số người góp công, còn lại đóng góp tiền để làm. Trước khi xây dựng con đường này, tôi nghĩ không biết bao giờ mới có thể thực hiện, nhưng sau này các hộ hai bên đường được nhà chùa vận động đã vui vẻ hiến đất để mở rộng được con đường đi chung, tôi cảm thấy rất mừng”.

16-16-23_dscn5804
Đồng bào Khmer Châu Lăng với mô hình 2 vụ lúa – 2 vụ màu/năm

Song song với tự nỗ lực vươn lên, tích cực SX phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Châu Lăng đã hỗ trợ vốn cho hơn 600 hộ Khmer nuôi bò, buôn bán nhỏ, chuyển đổi nghề nghiệp theo Quyết định 74 của Chính phủ (trong đó có nghề gốm SX cà ràng (bếp), nồi đất và nghề nấu đường thốt nốt...); có 386 hộ Khmer được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ; dư nợ cho vay hộ nghèo gần 17 tỉ đồng.

Gia đình anh Chau Hưng, ở ấp Tà On, xã Châu Lăng thì đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay vui nhất là được ở trong căn nhà mới. Anh Chau Hưng khoe: “Tết năm nay, nhà tôi đón Tết sung túc, vui hơn vì làm ăn thuận lợi, nhờ Nhà nước hỗ trợ nhà, cho vay vốn nấu đường thốt nốt, nuôi bò, cho nên có thu nhập ổn định và đã thoát nghèo”. Việc nấu đường thốt nốt đem lại thu nhập hơn 200 nghìn đồng/ngày, 2 con bò mua nuôi ban đầu, sau hơn một năm (có thêm 1 con bê) trị giá hơn 50 triệu đồng.

Qua 8 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, Châu Lăng đã có bước phát triển rõ nét, bộ mặt nông thôn vùng núi có đông đồng bào dân tộc Khmer đã khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer phát triển rất đáng tự hào.

Ông Phan Minh Hiền, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Châu Lăng thông tin thêm: Giờ đây, Châu Lăng đã có trường học các cấp, học sinh không phải đi học xa; trên 86% số hộ sử dụng điện; có hơn 90% số hộ Khmer có nước sạch sử dụng; các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã và các ấp, phum sóc đã được láng nhựa; nhiều trạm bơm điện… góp phần tăng vòng quay của đất lên 2 vụ lúa – 2 vụ màu/năm, thu nhập bình quân trên 32 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống còn dưới 8,45%...

Dự kiến đến năm 2020, Châu Lăng sẽ đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM.

 

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Bình luận mới nhất