| Hotline: 0983.970.780

Người Khơ Mú Nà Lại

Thứ Năm 22/08/2019 , 09:41 (GMT+7)

Ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu có một tộc Khơ Mú cư trú ở bản Nà Lại và Hô Ta bên dòng suối Nậm Be.

Góc bản Nà Lại.

Họ di cư từ phương Bắc tới đây từ mấy trăm năm trước, người ta vẫn quen gọi là người Xá. Có rất nhiều điều kỳ lạ về cuộc sống và phong tục của họ chẳng thể nào kể hết…

Cách nay hơn nửa thế kỷ tôi theo gia đình lên khai hoang ở nhờ bản Khơ Mú Nà Lại. Ngày ấy bản có khoảng hơn 20 nóc nhà, những ngôi nhà sàn thấp lè tè dựng sát vào nhau, xung quanh bản là một hàng rào nứa cao vút đầu người để không cho lũ thú rừng đêm vào bắt lợn gà.

Ngày ấy cả bản chỉ có ông Lò Văn Mu biết nói tiếng kinh, ông là người đúc lưỡi cày nổi tiếng cả vùng, ông từng đi lên tận Phong Thổ, Mường Tè để học đúc lưỡi cày. Lúc còn sống khi nói chuyện với tôi ông cũng không biết người Xá chuyển từ đâu tới xã đây, chỉ nghe các cụ kể lại người Xá ở phía Nam Trung Quốc, qua các cuộc chiến tranh họ dạt xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Người Khơ Mú trước đây còn gọi là “Xá toong đương”- Xá lá vàng, trong cuộc di cư tìm nơi ở mới họ lợp nhà bằng lá chuối rừng, khi lá chuối lợp nhà ngả sang màu vàng là họ lại chuyển nhà đi nơi khác. Cứ thế họ đến Nà Lại từ bao giờ không ai còn nhớ, đến đời ông Mu  thì không còn nhìn thấy những túp lều lợp lá chuối nữa, thay vào đó là những ngôi nhà sàn.

Ông Mu có đến hơn chục đứa con, lúc nào tôi cũng thấy vợ ông địu con nhỏ, những đứa trẻ con lít nhít đen đủi như củ sắn nướng dở, mùa đông cũng như mùa hạ bọn trẻ nhà ông chỉ phong phanh tấm áo, rét chúng vơ củi đốt sưởi. Nhà ông cột kê to nhất bản nhưng đầy ặc người, hỏi vợ ông đã mấy bận đẻ còn sống được mấy người, ông xoè hai bàn tay ra đếm rồi lấy than vạch lên cột nhà, nhưng cuối cùng ông đành lắc đầu bảo: “Ú (bố) già rồi không nhớ hết đâu…”  Ông mất cách đây khoảng hai chục năm, ông Hoàng Văn Mặc thay ông làm chủ lò đúc lưỡi cày, ông Mặc cũng đã mất, bây giờ đến lượt con trai ông Mu là Lò Văn Ngắm làm chủ lò đúc.

Lò đúc lưỡi cày của Lò Văn Ngắm.

Mùa đúc lưỡi cày bắt đầu khi lúa mùa đã gặt xong, thường từ cuối tháng mười âm lịch kéo dài cho đến tận tháng ba năm sau. Xã Phúc Khoa có 2 lò đúc lưỡi cày, một lò của người Giáy bản Nậm Bon, một lò của người Khơ Mú bản Nà Lại. Đến nay cũng chỉ còn lò đúc Nà Lại. Bởi máy cày bừa cầm tay đã thay thế trâu cày nên chẳng mấy người đúc lưỡi cày như xưa nữa. Ngắm bảo: Ngày xưa đúc 4-5 tháng, bây giờ chỉ đúc 2 tháng là hết việc. Ngày khoét đất mở lò, họ phải mổ lợn, mổ gà tế lễ thần linh thổ địa, để phù hộ cho công việc của họ được xuôn xẻ, lưỡi cày đúc ra không bị rỗ, rạn.

Ông Mặc là em rể ông Mu, dáng ông cao lớn rượu uống không biết say. Ấy thế mà hôm đi uống rượu ở nhà anh em về, ông còn tự lên nhà được, sáng ra thì thì thấy ông đã chết rồi. Người ta bảo ông Mặc chết vì cảm chứ không phải do ma làm. Trước đó ông Lò Văn Đanh sau khi uống rượu về ngã xuống sàn chết. Chuyện uống rượu của người Khơ Mú dài lắm, dài như con suối Nặm Be bắt nguồn từ cánh rừng đại ngàn trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm âm âm mây phủ.

Rượu không thể thiếu trong đời sống của họ, ngày Tết uống rượu đã đành, họ đun rượu và làm rượu cần để uống, trong năm có vô số ngày: Rằm tháng giêng, rằm tháng bảy (xíp xí), ngày cúng ma bản, ngày cúng xuống đồng, ngày cúng cơm mới, rồi lễ buộc chỉ tay đặt tên con, lễ lên nhà mới…những ngày này đều phải uống rượu. Đàn ông uống đàn bà cũng uống, bữa rượu thường kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ nhưng không ít bữa rượu kéo dài hết đêm. Rượu đã làm cho họ thăng hoa, họ hát kể chuyện làm đồng, săn bắn, đốn cây làm nhà…

Tiếng nói của người Khơ Mú líu ríu như chim hót, hơn hai mươi năm sống cạnh họ nhưng tôi học chẳng được mấy câu, bởi thế tôi cảm thấy cuộc sống của họ có rất nhiều bí ẩn với nhiều nét văn hoá chưa được khám phá. Trong số các dân tộc sống ở Phúc Khoa dân tộc Khơ Mú nghèo nhất, có người bảo người Khơ Mú nghèo là bởi họ uống rượu nhiều quá, họ thường phải đổi thóc để lấy rượu uống.

Người Khơ Mú uống rượu.

Người Khơ Mú Nà Lại nhiều ruộng nhất Mường Khoa nhưng lại là dân tộc nghèo nhất, có số hộ đói nhiều nhất. Sừn Văn Phái ở cạnh nhà chị tôi lắc đầu bảo: Anh em ở xa về phải có chén rượu tiếp, người Xá là thế, đói nghèo cũng đành phải chịu thôi, biết làm sao được.

Hoàng Thị Bin là con ông Hoàng Văn Mặc, chồng cô là Lò Văn Sẹo, hai vợ chồng hục hặc nhau vì chuyện Sẹo cứ xúc thóc đi đổi rượu khiến nhà không đủ ăn,  Sẹo tức quá ăn lá ngón tự tử. Em của Bin là Hoàng Thị Giót cũng chết vì  ăn lá ngón cách đây mấy năm, người ta đồn rằng nó chết do bị phụ tình, người yêu của nó là người cùng bản đang học lớp 9, đêm trước hai đứa còn ngồi ngoài sàn trò chuyện như chẳng có chuyện gì, chiều hôm sau nó cùng bạn ra suối tắm, thấy nó lảo đảo bạn nó chạy tới đỡ, nó bảo: “ Tao ăn lá ngón rồi”, khi dìu về được tới nhà thì nó tắt thở.

Người Khơ Mú lấy vợ lấy chồng rất sớm, khi mới 15-16 tuổi, các chú rể thường phải ở rể 4-5 năm đến khi hết thời gian ở rể có cặp vợ chồng đã có 2-3 đứa con. Họ có đến 3 lần cưới, lần thứ nhất cưới đón dâu, lần thứ hai khi họ ở với nhau được 30-40 năm, đấy là đám cưới bạc, trên 60 năm họ cưới lần ba, đấy là đám cưới vàng.

Những phụ nữ Khơ Mú Nà Lại.

Thế nhưng cũng có đôi vợ chồng đến ngày tóc bạc răng long cận kề miệng lỗ họ mới có đủ lợn gà để cưới, có người làm cưới xong được vài tuần thì mất. Dẫu thế nào thì cũng phải cưới, đấy là phong tục, người nào chưa cưới thì người ấy còn nợ dân bản. Trước đây đám cưới kéo dài 2-3 ngày, bây giờ cưới chỉ một ngày, nhưng rượu thì uống suốt đêm, người nào uống chưa say, chưa hát cho dân bản nghe thì vẫn chưa thể về được.

Tôi đến nhà ông Sừn Văn Phái, ông Phái là dân tộc Giáy, nhưng bố ông lấy vợ người Khơ Mú, nên ông sinh hoạt như người Khơ Mú, con cháu ông đều nói tiếng Khơ Mú. Năm nay ông cũng đã gần 80 mươi tuổi, có đến 8-9 đứa con, ông kể tên các con nhưng tôi không nhớ hết. Thằng Sừn Văn Pháng nhà trước cửa nhà ông lấy vợ người Thái tên là Lường Thị Lự mấy năm bị ma chài, không ăn không ngủ. Tôi sang nhà Pháng, cả hai vợ chồng Pháng đều ở nhà.

Sừn Văn Phái.

Pháng bảo: Vợ cháu chẳng biết bệnh gì, trong đầu như có con gì bò đi bò lại, đau lắm. Cháu bán một nếp nhà vừa xẻ về chưa dựng, rồi lợn gà và cắm cả ruộng để lấy tiền chữa chạy cho vợ. Cháu đưa vợ đến các bệnh viện Than Uyên, Lai Châu, Lào Cai rồi sang tận Hà Khẩu-Trung Quốc khám bệnh, chụp cắt lớp xem trong đầu có con gì mà cứ bò đi bò lại như thế. Chẳng thấy cái gì, các bác sĩ đều bảo vợ cháu chẳng có bệnh gì. Chịu, chẳng hiểu nổi. Nghe người ta bảo hay vợ mày bị ma chài? Thế là vợ chồng cháu lại đi tìm các thầy cúng, để gỡ bùa chài trong đầu ra…

Sừn Văn Pháng (trái) đang sửa máy cày bừa.

Nghe Pháng kể đã đưa vợ đến nhà các thầy cúng khắp nơi, rồi  sang tận Mường Giôn- Quỳnh Nhai, Sơn La. Vừa đắp thuốc lên đầu, vừa cúng vừa uống thuốc giải bùa chài một tuần không khỏi, thầy bảo: Con ma chài này to lắm, tôi không lấy nó ra được, tôi xin giới thiệu đến nhà thầy dạy tôi, người ấy có thể lấy ra được…Theo địa chỉ thầy Mường Giôn giới thiệu, vợ chồng Pháng đi khắp nơi, cuối cùng đến thầy Phái Tinh, thầy này cũng bó tay. Pháng buồn rầu bảo: Vợ chồng cháu đi khắp nơi, nay chúng cháu hết sạch tiền đành để vợ ở nhà, chết cũng chịu...

Lò Thị Lự kể chuyện ma chài.

Lạ thay, khi vợ chồng Pháng bó tay thì Lự khỏi bệnh. Cô bảo tôi: Chắc con ma nó chạy ra khỏi người cháu rồi chú ạ.

Xem thêm
Tri ân những người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 17/4 tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Acecook Việt Nam - Những dấu ấn bước đầu trong phòng chống thiên tai

Những năm qua, Acecook Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp cộng đồng nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.