| Hotline: 0983.970.780

Người khổng lồ tập tễnh

Thứ Tư 30/07/2014 , 10:14 (GMT+7)

Tham nhũng, nạn mua bán quyền chức, an ninh nội địa phức tạp… là những vấn đề rất lớn của quân đội Trung Quốc (PLA). Trang web chuyên thông tin quân sự "War is boring" (warisboring.com/medium.com) vừa có bài viết phân tích hiện trạng của PLA. Theo đó, Trung Quốc được ví là một người khổng lồ tập tễnh với nhiều vấn đề mang tính hệ thống.

Ngân sách an ninh nội địa nhiều hơn quốc phòng

Sau hàng thập niên tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cũng xây dựng một đội quân ngày càng hiện đại và đứng hàng đầu về quy mô.

Tuy nhiên, trong vòng 2.000 năm, nước này đã phải nếm trải nhiều cuộc xâm lăng, hiếp đáp từ bên ngoài, chưa kể những cuộc chính biến, nổi loạn trong nước. Trung Quốc từng bị đè bẹp, thống trị và trở thành thuộc địa.

Dù vậy, điều này nay không còn. Chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 10 lần trong vòng 25 năm qua. Bắc Kinh đã xây dựng một lực lượng hải quân “nước xanh” (blue-water navy, từ chỉ những lực lượng hải quân có thể chiến đấu ở biển xa), phát triển chiến đấu cơ tàng hình và dần tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình.

Việc đầu tư cho quân đội cũng như thực thi chính sách đối ngoại gây hấn của Trung Quốc đã khiến phương Tây cảm thấy bị báo động. Một số nhà làm chính sách của Mỹ tin rằng Bắc Kinh là “đối thủ duy nhất trong tương lai gần”. Hay nói cách khác, đây là quốc gia duy nhất có sức mạnh quân sự thực tế để đánh bại Mỹ trong một số trường hợp nào đó.

Tuy nhiên, cho dù sau vài thập kỷ Bắc Kinh chi bộn tiền tái vũ trang, một số chuyên gia phương Tây cho rằng Trung Quốc “không có cửa” so với Mỹ. Bởi những lý do sau:

Ngân sách quốc phòng đã tăng ở mức hai con số trong nhiều năm, nhưng lạm phát đã khiến mức tăng đó không còn nhiều ý nghĩa. Nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như hệ thống vũ khí, tuy số lượng lớn nhưng hiệu suất không thể so với vũ khí phương Tây.

Tuy PLA vẫn đang được hiện đại hóa, điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh có thể huy động lực lượng vũ trang thực thi các nhiệm vụ toàn cầu bởi vây quanh nước này là những đối thủ tiềm tàng.

Nga, Nhật Bản, Ấn Độ đều là “hàng xóm” của Trung Quốc và đều từng là kẻ thù/đối thủ của Bắc Kinh. Chính sách ngoại giao gây hấn nhắm tới các nước nhỏ của Bắc Kinh không dẫn tới quy thuận mà trái lại, sự đối đầu.

Những quốc gia láng giềng còn lại hoặc yếu, hoặc “phức tạp” như Pakistan và Bắc Triều Tiên. Bất ổn thường trực của những nước này khiến một sự sụp đổ chóng vánh có thể diễn ra bất cứ lúc nào và hậu quả là an ninh biên giới của Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng.

PLA có quân số đông nhất thế giới, với khoảng 2,3 triệu quân nhân. Quân dự bị cũng tới 800.000 người.

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2013 vào khoảng 188 tỷ USD, chiếm 9% chi tiêu quốc phòng thế giới, dưới một nửa chi tiêu của cả châu Á. Cùng năm, Mỹ chi 640 tỷ USD, Nga 88 tỷ USD, Ấn Độ 47 tỷ USD và Nhật Bản 48 tỷ USD.

Có thể nói, Trung Quốc không có những đồng minh thực sự và đáng tin cậy. Danh mục đồng minh của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ có Nga. Ở cấp độ toàn cầu, đó là Pakistan, Zimbabwe, Venezuela và các nước trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan).

mot-phin-bun-miy-by-j-20163534179
Một phiên bản máy bay Z-20

Kể từ năm 1990, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên ít nhất 10%, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, nếu xem xét mức độ lạm phát, mức tăng thực sự chỉ là một con số.

25 năm trước, quân đội Trung Quốc rất đông người và mức độ trang bị kỹ thuật thấp. Năm 1989, PLA có 3,9 triệu người, trang bị khá thô sơ. Loại tăng chủ lực của quân đội lúc đó là một phiên bản T-55 của Liên Xô, thiết kế ra đời từ những năm 1950. Không quân và hải quân chỉ có khả năng phòng thủ bờ biển. Lúc đó Trung Quốc có duy nhất một tàu ngầm hạt nhân, nhưng có tin nói chiếc tàu này bị cháy và chìm tại cảng.

Trung Quốc là nước nghèo. GDP năm 1989 là 451 tỷ USD. Trong khi đó, GDP của Mỹ là 8.840 tỷ USD. Năm đó, Bắc Kinh chi cho quốc phòng 18,3 tỷ USD, Tokyo chi 46,5 tỷ USD và New Zealand nhỏ bé cũng chi 1,8 tỷ USD. Tính ra, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm đó chi cho một người lính 4.615 USD, từ súng ống, trang phục, lương thực… Con số này của Mỹ là 246.000 USD.

Cuối những năm 1980, học thuyết quân sự của Trung Quốc vẫn là “chiến tranh nhân dân”, một chiến lược phòng thủ bằng cách thu hút địch quân đi sâu vào nội địa và tiêu diệt bằng các cuộc chiến thông thường và chiến tranh du kích.

Năm 1991, Bắc Kinh chứng kiến một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu dễ dàng đè bẹp quân đội của Saddam Hussein ở Iraq. Một chiến dịch không kích chỉ kéo dài vài tuần và lục quân chỉ mất khoảng 100 giờ giao chiến là đủ để đánh bại đội quân của Iraq.

Bắc Kinh đã có rất nhiều việc phải làm để cải tổ lực lượng quân sự. Việc đó cần nhiều tiền.

 Một cách để xem xét việc chi tiêu quốc phòng là dựa vào tỷ lệ phần trăm so với GDP. Ấn Độ chi 2,5%, Hàn Quốc 2,8%, Nga 4,1%, Mỹ chi 3,8%. Nghịch lý ngân sách quốc phòng Trung Quốc là năm nào cũng tăng chi nhưng tỷ lệ so với GDP giảm xuống. Năm 1989, Bắc Kinh chi 2,6% GDP. Từ 2002-2010, nước này chi 2,1%. Năm 2013, phần của quân đội là 2%.

Một số tính toán cho rằng, trong năm 2013, Trung Quốc chi nhiều hơn cho an ninh nội địa, giám sát internet, thực thi pháp luật và lực lượng cảnh sát bán vũ trang hơn là quốc phòng. Ngân sách cho an ninh nội địa năm 2014 không được công bố dẫn đến đồn đoán rằng Trung Quốc chi nhiều cho an ninh nội địa, hơn là chi cho việc phòng thủ đất nước trước kẻ thù bên ngoài.

Các nhà quan sát cho rằng đây là kết quả từ việc bất ổn xã hội: ô nhiễm môi trường, lạm dụng lao động, tham nhũng, chiếm dụng đất đai, bạo động.

Đó còn là những bất ổn ở vùng Tân Cương, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống vốn thường than phiền về sự bất bình đẳng với người Hán, và Tây Tạng. Trung Quốc không có cách nào khác ngoài việc đầu tư mạnh cho an ninh nội địa.

Muốn bắt kịp mức chi của Mỹ, Trung Quốc phải chi ít nhất 5,8% GDP, gần gấp 3 lần hiện nay, một điều không thực tế. Trên thế giới chỉ có ba nước chi tỷ lệ GDP như thế cho quân đội (Saudi Arabia, Oman và Nam Sudan).

Hơn nữa, những đồng đô la Mỹ mà Trung Quốc thực sự chi cho quốc phòng không lớn như một số nhà quan sát dự tính. “Trong hầu như suốt giai đoạn cải tổ sau năm 1978, những chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc bị bốc hơi mạnh bởi lạm phát phi mã”, Andrew Erickson, giáo sư tại Đại học Hải quân Mỹ viết.

Năm 2008, Trung Quốc chi thêm 14,9% cho quốc phòng so với mức chi năm 2007. Nhưng con số 14,9% ấy lại phải đi kèm với 7,8% lạm phát, do vậy mức tăng thực chất chỉ có 7,1%. Năm 2010, chi quốc phòng tăng 7,8% nhưng đi kèm là 6,7% lạm phát, do vậy thực tăng chỉ là 1,1%.

Tính cả lạm phát, từ 2004 đến 2014, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trung bình 8,3%. Tất nhiên, so với nhiều nước, đây vẫn là mức tăng cao, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây giảm chi cho quân đội. (Còn nữa)

(Theo warisboring/medium.com)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất