| Hotline: 0983.970.780

Người làm "ấm cái bụng" dân Lâm Ninh

Thứ Tư 16/12/2009 , 10:36 (GMT+7)

Đời Hồ Thao và thế hệ của ông thiếu cơm ăn, áo mặc, nay đời con cháu không còn lo đói nữa...

Bí thư chi bộ bản Lâm Ninh Hồ Thao: “Đắp đập làm lúa nước mới hết đói khổ...”.

Lâu lắm rồi, chúng tôi mới có dịp trở lại bản Lâm Ninh (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Bây giờ từ đường Hồ Chí Minh, ngay đầu bờ bắc sông Đại Giang đã có một con đường đất đỏ chạy ven theo sông mà lên với bản. Không như ngày xưa, mỗi lần qua bản phải chông chênh trên những chuyến đò ngang...

 

Ngôi nhà sàn của ông Hồ Thao khang trang, mặt trở ra phía dòng sông, đón những ngọn gió mát lành vào những buổi sớm mai và lúc mặt trời khuất qua bên tây đại ngàn Trường Sơn. Gặp tôi, ông bắt tay lắc lắc, đưa tôi lên cầu thang, tiếng cười rổn rảng trong nắng chiều. Hai mươi tám năm, Hồ Thao cùng bà con thân tộc chọn lấy thung lũng nằm bên dòng Đại Giang mà lập bản, bản Lâm Ninh dần định hình từ đó.

Hồ Thao làm Bí thư chi bộ, thương người dân bản đói cơm, thiếu áo mặc, bệnh tật hoàn hành, ông qua đò đến xã gặp những cán bộ người Kinh: “Hãy giúp cho bản Lâm Ninh lương thực để ăn, giống lúa để trồng, cán bộ để hướng dẫn người dân trồng cây lúa, cây sắn, cây ngô. Giúp cho trẻ con có cái trường, người thầy giáo dạy chữ, nếu không đời chúng sẽ cứ khổ như đời của chúng tao… nếu không dân lại lên rừng mất thôi”.

Ngày đó, xã Trường Xuân còn quá nghèo, biết bà con bản Lâm Ninh khó khăn nhưng cũng chỉ giúp được vài chục cân gạo sống đắp đổi qua ngày. Hồ Thao trở về, họp dân bản lại nói như đinh đóng cột: “Muốn ấm cái bụng, muốn có cái áo đẹp, bản miềng tự lao động thôi! Trước hết, trồng rừng, đắp đập làm lúa nước, rào vườn lại mà chăn nuôi, con gà, con vịt, con lợn, trâu, bò”. Hồ Thao nói, Hồ Thao làm, trồng và nhận chăm sóc đến mấy chục ha rừng. Đàn bò Hồ Thao đỏ trên sườn núi. Trong vườn ông trồng thêm các loại cây ăn quả, cây trầm hương. Ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ nằm bên dòng Đại Giang to nhất bản là niềm tự hào của người Vân Kiều bản Lâm Ninh.

“Hạ sơn” từ năm 1981, hai mươi tám năm sống định canh định cư, cho đến hôm nay bản Lâm Ninh đã có 34 hộ, 145 khẩu đồng bào Vân Kiều. Tổng diện tích tự nhiên 200 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 12 ha còn lại là đất đồi. 

Một buổi sinh hoạt ngoài trời của thầy và trò bản Lâm Ninh

Bản Lâm Ninh từ đói nghèo nay đổi thay từng ngày, từng giờ. Điện vượt dòng Đại Giang đem ánh sáng văn minh về với bản, rồi con đường đất đỏ chạy dọc dòng sông lên với Lâm Ninh, bản ngày nay không bị cách sông trở đò. Trưởng bản Hồ Nam khoe: “Có thể coi đây là con đường của ý Đảng lòng dân. Chương trình 135 đầu tư, đó là ý Đảng, còn dân miềng tiếp tục bỏ công sức ra làm tiếp đoạn vào bản, đó là lòng dân. Rồi Đảng, Nhà nước và nhân dân nhân dân cùng góp công sức xây dựng thêm một nhà văn hóa, một trường học. Toàn bản có 12 ngôi nhà cấp bốn khang trang do Chương trình 134 hỗ trợ”.

Đời Hồ Thao và thế hệ của ông thiếu cơm ăn, áo mặc, nay đời con cháu không còn lo đói nữa. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thông qua các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà năng suất cây trồng ngày một tăng. Trưởng bản Hồ Nam lại oang oang nói, tiếng nói vang xa đến gần cả bản: “Năng suất lúa bình quân 48- 50 tạ/ha; lạc 22- 25 tạ/ha; ngô 30- 40 tạ/ha. Toàn bản có 79 con trâu bò; 20 con lợn và 350 con gia cầm. Nhân dân tích cực trồng rừng để phát triển kinh tế, đến nay đã trồng được 160 ha. Thu nhập hàng năm từ rừng trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trên 200 triệu đồng. Đói cũng hết mà nghèo cũng sắp hết rồi đó mà”.

Hồ Thu con trai của Bí thư chi bộ Hồ Thao, sinh năm 1972, là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Bà con dân bản phục anh lắm. Họ kể về một sáng kiến rất thiết thực của anh. Hồ Thu thấy dân bản chưa thực sự mặn mà với chăn nuôi, thế là anh quyết đầu tư. Anh mua giống trâu, bò về nuôi thử nghiệm. Rồi từ đó mà ra, bây giờ Hồ Thu đã có 15 con trâu bò; một mẹ lợn nái; thường xuyên nuôi 5 đến 7 con lợn thịt. Mỗi năm xuất chuồng 15 con lợn thịt; 20 con lợn giống. Đàn gà từ 30 đến 60 con, ngoài việc bán, anh cho bà con trong bản “mượn” gà giống, sau khi hộ này đã gầy được đàn gà kha khá, lại chuyển sang cho hộ gia đình khác. Cứ thế đàn gà trong bản tăng dần lên, người dân có đồng ra đồng vào. Vậy là ý kiến của Hồ Thu cứ đi vào lòng người dân bản.

Ngoài sáng kiến chăn nuôi, Hồ Thu còn chú trọng vào trồng rừng kinh tế, anh có được 15 ha keo lai, bạch đàn cho thu nhập mỗi năm trên dưới 20 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, Hồ Thu cùng vợ mở cửa hàng dịch vụ, phục vụ cho người dân để bà con không phải đi chợ xa. Tổng thu nhập của Hồ Thu bình quân hàng năm đạt 60 đến 70 triệu đồng. “Miềng vẫn còn phải cố gắng nhiều, để vừa đảm bảo cho cuộc sống gia đình, vừa làm gương cho bà con vì miềng là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân mà!”, Hồ Thu bộc bạch.

Bản Lâm Ninh hiện tại có 9 Đảng viên, các tổ chức, đoàn thể đã thành lập và hoạt động rất vững vàng. Lâm Ninh đang thẳng tiến trên con đường xây dựng cuộc sống mới, trở thành một điểm sáng giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.